Cây Mè Đen Trên Nền Đất Lúa Mang Lại Lợi Nhuận Cao
Trong những năm trở lại đây, mô hình đưa màu xuống chân đất lúa được bà con nông dân huyện Tri Tôn (An Giang) áp dụng đạt hiệu quả. Bên cạnh cây chủ lực như dưa hấu, đậu xanh, khoai cao, thì cây mè đen cũng là một trong những cây được bà con nông dân trong huyện lựa chọn, vì mè đen là loại màu dễ trồng, ít tốn thuốc, chi phí đầu tư thấp, nhưng thu nhập mang lại tương đối khá và ổn định.
Điển hình như nông dân Chau Keng ấp Tô Lợi xã Cô Tô, là người đã nhiều năm, sau khi thu hoạch vụ lúa Đông Xuân, ông đã chọn cây mè đen để canh tác cho trên diện tích đất của mình. Theo kinh nghiệm của ông: “Cây mè là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, chịu hạn tốt nhưng không chịu được ngập úng. Vì vậy, muốn thành công người trồng mè phải chuẩn bị đất kỹ và có hệ thống tưới và tiêu nước tốt.
Ngoài ra, cần bón phân cân đối, nếu bón thừa phân cây sẽ dễ bị bệnh”. Ông cho biết thêm: Với thời gian trồng ngắn, nhẹ công chăm sóc và ít chi phí đầu tư, nhưng cây mè đã mang lại giá trị kinh tế cao gấp 2 – 3 lần so với cây lúa. Đồng thời, trồng mè còn có thể cải tạo được nền đất lúa, góp phần cho đất thêm màu mỡ và cắt đứt được vòng đời một số sâu bệnh hại lưu tồn trong đất.
Ngoài ông Chau Keng thì theo kinh nghiệm từ nhiều nông dân trồng mè trên địa bàn huyện Tri Tôn cho biết sau khi thu hoạch lúa đông xuân, nhiều hộ dân tranh thủ trồng mè, vì cây mè phù hợp với thổ nhưỡng cũng như thời tiết nơi đây, bên cạnh đó cây mè là loại cây ngắn ngày, dễ trồng, đặc điểm cây mè chịu hạn, năng suất cao, hiệu quả kinh tế cho lợi nhuận gấp đôi, gấp ba lần so với lúa và thời gian sinh trưởng ngắn hơn so với lúa.
Vụ hè thu năm 2014, toàn huyện Tri Tôn nông dân xuống giống trên 36ha mè, tập trung nhiều ở các xã ven chân núi như Núi Tô, Cô Tô, Ô Lâm, An Tức, Lương Phi, Lê Trì, vì nơi đây là vùng đất núi rất thích hợp cho cây mè sinh trưởng. Trồng mè vụ hè thu không chỉ tăng lợi nhuận mà còn cải tạo đất cho vụ lúa sau.
Tuy nhiên trồng mè cực hơn so trồng lúa, nhưng ngược lại thu hoạch sớm hơn và lợi nhuận khá hơn, hiện nay nông dân huyện Tri Tôn đang bước vào thu hoạch mè nhưng giá cả vẫn ổn định.
Cây mè đã và đang khẳng định trên nền đất lúa, đồng thời cho thấy diện tích trồng mè tại nhiều địa phương trong huyện Tri Tôn có xu hướng phát triển và được duy trì trong nhiều năm qua. Song, để nhân rộng các diện tích trồng mè, đòi hỏi các cấp, các ngành địa phương cần phải có các biện pháp hỗ trợ thích đáng cho cây trồng này.
Đặc biệt là kỹ thuật xử lý sau khi thu hoạch để đảm bảo trữ lại an toàn. Thực tế cho thấy cây mè nhiều năm qua đã góp phần quan trọng chuyển đổi cơ cấu mùa vụ trong nông nghiệp của huyện Tri Tôn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân.
Có thể thấy việc luân canh hợp lý trên đất lúa có thể coi là một trong những phương pháp canh tác phù hợp với tình hình hiện nay nên rất cần được phát huy. Luân canh hợp lý sẽ khắc phục được bất lợi về thời tiết, khí hậu, bảo toàn được diện tích trồng lúa, góp phần làm cho đất thêm phì nhiêu và nâng cao giá trị sử dụng trên cùng một đơn vị diện tích đất.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ