Cấy Nấm Xanh Ometar Trên Lúa
Là một trong những biện pháp sinh học giúp phòng, trừ dịch hại trên cây lúa vừa nhẹ chi phí, vừa dễ làm và hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc hóa học, chương trình cấy nấm xanh Ometar trên ruộng lúa được bà con nông dân huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) áp dụng thành công.
Kết hợp việc ứng dụng nấm xanh Ometar cùng mô hình trồng hoa bờ ruộng góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cây lúa
Cấy nấm xanh Ometar trên lúa được ứng dụng tại huyện Lấp Vò từ năm 2010, với diện tích trên 400ha, trong đó nhiều nhất là tại cánh đồng liên kết xã Bình Thạnh Trung với 360ha.
Ông Tô Minh Lộc - Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Lấp Vò chia sẻ: “Đến nay, việc cấy nấm xanh được nhân rộng tại các xã như Bình Thạnh Trung, Long Hưng A, Long Hưng B, Vĩnh Thạnh, Định An. Qua đó, giảm số lần phun thuốc từ 1 đến 2 lần, tiết kiệm được 1 - 1,5 triệu đồng/ha.
Nông dân Huỳnh Văn Nối ngụ ấp Tân Thạnh, xã Bình Thạnh Trung tham gia ứng dụng nấm xanh trong phòng, trừ rầy nâu ngay từ buổi đầu, chia sẻ: “Một công lúa, nếu sử dụng thuốc hóa học thì tốn khoảng 500 ngàn đồng, còn nếu dùng nấm xanh thì tốn 200 - 300 ngàn đồng/công. Làm xong vụ lúa năm nay, nấm xanh dạt vô bờ đê, qua vụ sau, mình sạ lúa là nấm sinh sản nhanh lắm, rất có lợi cho vụ sau”
Còn anh Nguyễn Văn Điệt ấp Tân Thạnh, xã Bình Thạnh Trung có diện tích đất trồng lúa khoảng 1,7ha, các vụ lúa từ năm 2010 đến 2012 anh đã ứng dụng thành công việc cấy nấm xanh trên lúa, năng xuất thu hoạch đạt cao hơn, gia đình anh tiết kiệm được chi phí cho phân thuốc từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng mỗi mùa vụ.
Anh Nguyễn Văn Điệt chia sẻ: “Lúc đầu tôi cũng sợ không hiệu quả nên có 2 thửa ruộng, chỉ sử dụng nấm xanh một thửa, thửa kia dùng thuốc hóa học thì thấy sử dụng nấm xanh có hiệu quả hơn. Qua năm sau tôi dùng nấm xanh cho toàn bộ diện tích. Một mùa vụ sử dụng khoảng 2 lần, năng suất cao hơn, hiệu quả tốt hơn”.
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi thì một số bà con nông dân áp dụng chương trình này đang gặp khó khăn. Ông Tô Minh Lộc - Trưởng Trạm BVTV huyện cho biết thêm: “Khó khăn trong việc triển khai mô hình nấm xanh là một số nông dân chưa hiểu hết vai trò của nấm xanh trong phòng, trừ rầy nâu nên chưa mạnh dạn áp dụng, tuy nhiên một số nông dân tham gia nuôi cấy và ứng dụng thấy hiệu quả phòng trị, kéo dài qua nhiều vụ.
Khó khăn thứ hai là do ngành không tiếp tục nuôi cấy, bà con nông dân phải tự liên hệ với các công ty nên áp dụng chương trình này cũng chậm lại.
Để thực hiện được chương trình này đạt hiệu quả cao, cần sự quan tâm của các ban, ngành, đoàn thể, các nhà chuyên môn, cũng như chính quyền địa phương trong vận động nông dân, hỗ trợ về kỹ thuật cũng như kinh phí để giúp nông dân phòng trị rầy nâu đạt hiệu quả, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, tăng giá trị hạt lúa”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ