Cây Nho Ninh Thuận, Vì Sao Lận Đận?
Ngày đăng 19/05/2012
Gần như là nơi duy nhất ở Việt Nam hội tụ những yếu tố để phát triển cây nho, nhưng thương hiệu nho Ninh Thuận lại chưa có một vị thế xứng tầm.
Ninh Thuận là một tỉnh ở cực Nam Trung Bộ, có điều kiện đất đai và khí hậu với đặc trưng khô và nóng, ẩm, thích hợp cho cây nho sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao. Cây nho được du nhập vào Ninh Thuận từ những năm 1960 và được sản xuất thành hàng hóa vào những năm 1980. Nơi đây đã hình thành một vùng nho điển hình và tập trung lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, việc sản xuất nho hiện nay tại Ninh Thuận đang gặp nhiều khó khăn…
Câu chuyện buồn về “Nữ hoàng”
Giống nho đầu tiên được trồng tại Ninh Thuận là giống nho đỏ Red Cardinal. Cho tới bây giờ, đây vẫn là giống nho chủ lực do sản lượng tương đối cao (20 tấn/ha), kinh nghiệm của nông dân trong trồng trọt và kháng bệnh cũng như thói quen tiêu thụ trong người dân Việt Nam khá lâu đời.
Đến năm 2000, Ninh Thuận mở rộng thêm một số giống nho mới như: Nho xanh ăn tươi NH01-48, nho đen Black Queen, Red Star, Muscat Alexandria. Trong đó giống nho xanh NH01-48 là giống nho đang được trồng với diện tích lớn do cho sản lượng cao hơn giống Red Cardinal (khoảng 30 tấn/ha).
Nho Ninh Thuận có hương vị đặc trưng riêng như hình cầu, vỏ quả bóng, mỏng, có vị ngọt hài hòa với vị chua nhẹ, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo số liệu thống kê, năm 1998, Ninh Thuận có khoảng 2.300 ha cây nho. Thời điểm đó, trên toàn địa bàn, “nhà nhà trồng nho, người người trồng nho”, thậm chí “có sân chơi cũng đào lên trồng nho”. Nhờ cây nho, nhiều hộ đã thoát nghèo, làm giàu. Chỉ tính riêng giống nho đỏ (Red Cardinal) lúc bấy giờ có mặt ở 31 xã, phường thuộc 4 huyện, thị xã trong tỉnh. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, cây nho không còn vị thế như xưa.
Có một thực tế, đến Ninh Thuận bây giờ, người ta không còn thấy những vạt nho xanh mướt trải rộng như trước kia. Sau bao năm “chung thủy” với cây nho - từng được ví như cây trồng “nữ hoàng” của tỉnh, vì nhiều lý do, nhiều hộ dân đã chuyển sang canh tác những cây trồng khác.
Ông Phạm Châu Hoành, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ- Chuyên ngành thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận thừa nhận, thời gian qua, phong trào trồng nho đã có sự suy thoái. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, năm 2010 diện tích nho còn 1.650 ha, năm 2011 là 1.000 ha và đến năm 2012 chỉ còn khoảng 758 ha.
Lý giải cho sự suy thoái đó, theo ông Hoành, do ảnh hưởng của dịch bệnh cùng với việc trồng nho ồ ạt, mang tính tự phát, dẫn đến năng suất và chất lượng nho ngày càng giảm, khó tiếp cận được với thị trường. Trong đó, nguyên nhân sâu bệnh đã và đang là thách thức lớn nhất đối với Ninh Thuận trong việc phát triển cây nho.
“Do thời tiết thay đổi, mưa nhiều hơn, cây nho khó thích thích ứng. Tỉnh cũng đã đầu tư cho các đề tài nghiên cứu khoa học, như quy hoạch lại các vùng trồng nho theo các mức: Rất thích nghi, thích nghi kém và không thích nghi. Tuy nhiên, người nông dân vẫn trồng ở những vùng không thích nghi, nên hiệu quả kém”, ông Hoành cho biết thêm.
Một nguyên nhân khác, theo ông Hoành, là công tác tập huấn, tuyên truyền cho người dân kỹ thuật còn chưa tốt. Do đó, khi có dịch bệnh thì nông dân bó tay, đặc biệt là những bệnh thường xảy ra cho cây nho, gây thất thu thiệt hại gần như 100%, như bệnh hán thư, đốm mắt cua.
Người nông dân không nắm bắt được khoa học kỹ thuật, không hiểu quy trình quản lý dịch hại, nên họ đành phải từ bỏ cây nho để chuyển hẳn sang cây khác.
Song, một trong những yếu tố khiến cây nho Ninh Thuận chưa có chỗ đứng tương xứng với tiềm năng, thậm chí là mất dần vị thế của mình, đó là địa phương chưa xác định được hướng đi cùng sự đầu tư thích đáng cho cây trồng này. Và trong một thị trường mà hàng nông sản cạnh tranh ngày càng gay gắt, thì có là “Nữ hoàng”, nếu không được chăm sóc, cũng sẽ phải chịu cảnh lép vế, dù ở thị trường nội địa, chứ chưa nói đến hướng xuất khẩu.
“Tín hiệu xanh” cho cây nho Ninh Thuận
Ông Phạm Châu Hoành, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ - Chuyên ngành thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận cho biết, trong Nghị quyết Đại hội tỉnh, các Đại hội Đảng bộ gần đây, cây nho vẫn được xem là cây chủ lực trên địa bàn của tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, Ninh Thuận phấn đấu khôi phục diện tích trồng nho từ 1.500 ha đến 2.000 ha vào năm 2015, và 2.500 ha vào năm 2020.
Để đạt được mục đích đó, cây nho được định hướng phát triển theo hướng tích cực hơn, đó là trồng nho theo VietGAP (thực hành sản xuất tốt). Ngành nông nghiệp cũng đã đầu tư trên 3 tỷ đồng để hỗ trợ người nông dân về cung cấp giống nho năng suất cao, tập huấn về quy trình trồng nho an toàn…
Để tìm đầu ra cho nông dân, một trong những khâu quan trọng là xây dựng thương hiệu, đặc biệt là khi Ninh Thuận là nơi có thể sản xuất nho hàng hóa. Và một trong những “tín hiệu xanh” cho cây nho Ninh Thuận là ngày 17/2/2012, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý cho cây nho Ninh Thuận, tạo tâm lý yên tâm cho người dân trong việc khôi phục lại những diện tích từng trồng nho trước đây.
Theo đó, khu vực chỉ dẫn địa lý gồm thị trấn Phước Dân, xã Phước Thuận, xã Phước Sơn, xã Phước Hữu thuộc huyện Ninh Phước và xã Phước Nam thuộc huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Cùng với đó, các ban, ngành liên quan đã tiến hành xây dựng bộ công cụ quản lý, như xây dựng website giới thiệu về sản phẩm cây nho Ninh Thuận, xây dựng bộ hồ sơ theo dõi tiến trình sản xuất nho theo hướng an toàn…
Song song với chỉ dẫn địa lý, Hiệp hội Nho của tỉnh Ninh Thuận cũng đã ra đời, với bộ máy tổ chức bao gồm nhiều chi hội: trồng trọt, chế biến, kinh doanh và một ban kiểm tra. Quy trình trồng trọt theo quy định, chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu thì sản phẩm mới được dán tem chỉ dẫn địa lý.
Xác định cây nho là một trong những cây chủ lực để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân, Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận đã mời các nhà khoa học ở Đại học Nông nghiệp 1, các Viện, trường có liên quan giúp tỉnh giải quyết vấn đề sâu bệnh, lai tạo giống nho phù hợp với điều kiện ở địa phương và bước đầu đã có hiệu quả nhất định.
“Sau một thời gian chuyển đổi cây trồng, người dân đã quay lại canh tác cây nho. Như ở huyện Ninh Hải, là những vùng gò đồi, chủ động nước, nông dân đang phát triển diện tích nho trở lại rất lớn. Đây thực sự là tín hiệu vui để trong một thời gian không xa, thương hiệu nho Ninh Thuận sẽ được biết đến rộng khắp trên thị trường”, ông Hoành chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Feed Balancer
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Hydroponics Calculator
Pha dung dịch thủy canh
Feeding Calculator
Định mức cho tôm ăn
NPK Calculator
Phối trộn phân bón NPK
Survival Calculator
Xác định tỷ lệ tôm sống
Fertilizers Converter
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Aeration Calculator
Xác định công suất sục khí
Shrimp Converter
Chuyển đổi đơn vị tôm
Greenhouse Calculator
Tính diện tích nhà kính
Pond Calculator
Tính thể tích ao hồ