Mô hình kinh tế Cây Thanh Long Pô Thi An Giang

Cây Thanh Long Pô Thi An Giang

Ngày đăng 12/09/2014

Cây Thanh Long Pô Thi An Giang

Thông qua hướng dẫn kỹ thuật, ông Hồ Văn Ri (ấp Pô Thi) mạnh dạn cải tạo vườn để trồng thanh long, kết quả đạt 16 triệu đồng/công/năm và chưa kể phần bán cây giống. Đây là lần đầu tiên khu vực đất pha cát ở xã An Cư (Tịnh Biên - An Giang) xuất hiện mô hình này, chứng tỏ khả năng cây trồng thích nghi tốt và thu nhập hơn nhiều loại trên cùng mặt đất.

Ông Hồ Văn Ri cho biết, 10 công vườn hiện có là tài sản của gia đình bao năm chắt chiu, từ Nhơn Hưng vô Pô Thi lập nghiệp mới có được. “Đến nay, cây thanh long chiếm 1/3 diện tích vườn, 2/3 còn lại là nhiều loại cây ăn trái khác. Nguồn thu nhập chính vẫn là thanh long, cây tạp thường lệ thuộc vào thời tiết và mùa màng năm vầy năm khác” – ông Ri cho hay.

Thanh long xứ núi không phải không có, nhà nông làm vườn đồi, vườn rừng đều có trồng ít hoặc nhiều. Do, giống bản địa bị thoái hóa, chất lượng không ngon, người hành hương và du khách đi núi ít mặn mà với loại này. Khi xuất hiện thanh long giống mới, thanh long ruột đỏ, mọi người lập tức đón nhận, giá cả cũng chấp nhận được.

Hôm đến thăm vườn thanh long, lão nông Hồ Văn Ri luôn miệng cảm ơn Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, những thầy cô ở Trường đại học Cần Thơ, các anh công tác chuyên ngành của huyện và xã. Bởi, những người này đã cho ông nghề làm ăn mới, cây trồng mới trên khu vực đất pha cát.

Chẳng hạn như, thanh long mỗi năm cho thu hoạch 8 đợt, năm đầu tiên mỗi đợt bán trái được khoảng 2 triệu đồng/công, coi như bù đắp chi phí đầu tư ban đầu. Từ năm thứ hai, năng suất sẽ cao hơn, thu nhập cũng tăng lên. “Hàng chục năm mua đất lập vườn, chưa bao giờ được như vậy. Cho nên, mình phải ráng bám theo cây này mới được, để tranh thủ cơ hội đi trước” – ông Ri tự tin.

Lão nông Hồ Văn Ri còn tiết lộ, nhờ cây thanh long giống mới, mà ông có điều kiện kinh tế đầu tư cho việc học của con gái Hồ Thanh Thủy đã tốt nghiệp đại học và hiện là cán bộ xã An Cư, còn thằng út Hồ Minh Trí cũng tốt nghiệp đại học ngành Nông- lâm. “Nếu không có nguồn lợi từ thanh long giống mới này, chắc phải tính đến chuyện bán đất để nuôi con ăn học.

Thà nghèo, đói, chứ không để tụi nó bỏ học nửa chừng” – ông Ri thiệt tình. Đây là hiệu quả chứng minh sau 3 – 4 năm, ông đến với mô hình trồng thanh long, xứng đáng với danh hiệu “Nông dân giỏi” khu vực ấp Pô Thi. Ở xã An Cư, ngay cả huyện Tịnh Biên đều biết lão nông Hồ Văn Ri (biệt danh “Tám Ri thanh long”), còn là một gia đình hiếu học ở vùng núi.

Năm học 2014-2015, gia đình lão nông Hồ Văn Ri nhận thêm một tin vui mới: Đứa cháu nội Hồ Thị Ngọc Hà thi đậu ngành Kiểm toán Trường đại học Cần Thơ; anh của cháu Hà là Hồ Đại Dương cũng bước vào năm thứ 2 ngành Công nghệ sinh học Trường đại học Cần Thơ.

“Đó là chưa kể mấy đứa nhỏ còn đang học trung học cơ sở, trung học phổ thông. Cha mẹ nó nghèo, mình phải gánh tiếp. Không có vườn thanh long, coi như khó khăn trăm bề.

Cực khổ thiệt, nhưng thấy cháu chịu học thì mình mừng rồi” – ông Ri phấn khởi. Đối với công việc làm ăn, ông vẫn chọn cây thanh long để nâng dần diện tích, bởi dự đoán thị trường và thị phần vùng núi, loại cây này đang hấp dẫn với vườn đồi và vườn rừng.

“Ngoài việc cải tạo vườn trồng thanh long, lão nông Hồ Văn Ri còn cung cấp giống, sẵn sàng trao đổi kỹ thuật canh tác loại cây trồng mới này. Ông hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Pô Thi, xã An Cư”.


Xử Lý Chất Thải Chế Biến Thủy Sản Xử Lý Chất Thải Chế Biến Thủy Sản Huyện Cư Kuin (Dak Lak) Tiêu Lại Chết Hàng Loạt! Huyện Cư Kuin (Dak Lak) Tiêu Lại Chết…