Cây Tiêu Trên Vùng Đồi Đá
Huyện Thống Nhất có khoảng 3.300 hécta đất đồi đá thuộc các xã: Quang Trung, Gia Tân 3... trước đây chủ yếu chuyên canh cây chuối vì chịu được khô hạn. Từ khi chương trình nông thôn mới đưa điện về tận các thôn, ấp, đảm bảo phục vụ sản xuất, người dân đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích những cây trồng cho hiệu quả cao.
Theo ông Bùi Đình Bưởi, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất, 2 năm qua vùng đồi đá này đã phát triển thêm gần 200 hécta cây tiêu. Đây là một trong những cây chủ lực được huyện khuyến khích nhân rộng với nhiều chính sách hỗ trợ.
* Cơ hội làm giàu
Chạy dọc theo con đường đất vào ấp Tây Kim (xã Gia Kiệm) là những vườn tiêu xanh mướt trải dài trên nền đá nhấp nhô. Vào thời điểm này, tiêu đang bắt đầu bói quả, càng gây ấn tượng về sự xum xuê, xanh tốt. Ông Phạm Phi Hổ, nông dân ở ấp Tây Kim, cho biết: “Tôi trồng tiêu đã gần 20 năm.
Khi điện về ấp, tôi mua thêm 1 hécta đất bị bỏ hoang, cải tạo lại rồi đầu tư trồng tiêu”. Vườn tiêu này đã 5 năm tuổi, vụ vừa rồi là năm thứ 3 cho thu hoạch được 3,8 tấn, thu nhập khoảng 500 triệu đồng, lợi nhuận hơn hẳn các cây trồng khác. Khi vườn tiêu ổn định về sản lượng thì có thể đạt mức trên 7 tấn/hécta. Thổ nhưỡng vùng đất này rất thích hợp với cây tiêu vì đất đá nhưng giữ ẩm tốt, lại thoát nước rất nhanh. Tiêu trồng trên đỉnh đồi, dốc đá sinh trưởng khỏe và ít bị bệnh hơn hẳn so với cây mọc dưới đất bằng, vùng trũng”- ông Hổ nói.
Ông Trần Văn Thìn, nông dân tại xã Gia Kiệm, chia sẻ: “Trồng cây trên vùng đồi đá vất vả gấp đôi nơi đất bằng. Tôi đã thử trồng cà phê, chôm chôm, bơ, chuối nhưng không thấy cây nào có giá trị cao bằng tiêu nên mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Mỗi năm tôi mở rộng thêm vài trăm gốc tiêu xen canh với cây trồng đang có theo kiểu lấy ngắn nuôi dài”.
Ông Thìn dẫn chứng về hiệu quả của việc chuyển đổi cây trồng: năm 2013 tuy vườn tiêu trong giai đoạn bói quả nhưng vẫn đạt doanh thu hơn 200 triệu đồng. Thấy được cơ hội làm giàu từ giống cây trồng này nên nhiều nông dân ở xã phấn khởi đầu tư. Tuy là đất đá nhưng nguồn nước ở đây khá dồi dào,1 giếng khoan có thể đáp ứng nhu cầu nước tưới cho vườn tiêu rộng 1,5-2 hécta.
* Xây dựng vùng chuyên canh
Cán bộ phụ trách nông nghiệp tại xã Gia Tân 3 nhận xét:”Cây tiêu đã được trồng tại địa phương nhiều năm trước. Vài năm trở lại đây, giá tiêu liên tục ổn định ở mức cao nên nông dân mở rộng diện tích rất nhanh. Xã đã đăng ký xây dựng cánh đồng lớn cho cây tiêu, tổ chức các hình thức câu lạc bộ, tổ hợp tác liên kết nông dân với nông dân. Đây cũng là đầu mối để địa phương hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật đến nông dân. Mục tiêu lâu dài là hướng đến sản xuất tập trung, liên kết với doanh nghiệp để có đầu ra bền vững hơn cho bà con”.
Ông Bùi Đình Bưởi cho biết thêm, huyện đã mời chuyên gia khảo sát và xác định có từ 450-500 hécta đất vùng đồi đá có thổ nhưỡng thích hợp phát triển cây tiêu. Địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao này theo chương trình cây, con chủ lực nhằm khai thác được tiềm năng của vùng đồi đá.
Huyện cũng thường xuyên tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật trồng tiêu cho bà con, tuyên truyền để nông dân thay đổi tập quán sản xuất, như: ưu tiên sử dụng phân hữu cơ; không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và quan tâm chọn sử dụng những dòng thuốc an toàn... Với lợi thế là vùng chăn nuôi, việc bà con tự ủ phân chuồng để bón cho cây không chỉ làm giảm chi phí sản xuất mà còn góp phần cải tạo đất, dưỡng sức bền cho cây.
Nguồn bài viết: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201411/cay-tieu-tren-vung-doi-da-2350881/
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ