Cây Xóa Nghèo Ở Long An
Mặc dù không có thế mạnh về cây ăn trái so với các địa phương như Tiền Giang, Bến Tre…, tuy nhiên, gần 10 năm nay, cây thanh long đã trở thành cây xóa nghèo của nhiều hộ gia đình trên vùng đất Châu Thành, tỉnh Long An.
Những ngày cuối tháng 4/2013, nhà vườn ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An đang thu hoạch vụ thanh long trái vụ. Ở các xã Dương Xuân Hội, Long Trì, An Lục Long… cảnh mua - bán khá nhộn nhịp. Khi màn đêm vừa buông, trên những cánh đồng thanh long bừng lên ánh điện. Anh Nguyễn Văn Á, ấp Hội Xuân, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành cho biết, từ ngày anh cùng nhiều hộ dân trong huyện trồng thanh long trái vụ bằng hình thức xông đèn, kinh tế gia đình đi lên thấy rõ. Trước đây, khi chưa "bén duyên" với cây thanh long, anh Á sử dụng 2 công đất của mình để trồng lúa.
Diện tích đất ít, dù vợ chồng anh chăm chỉ làm ăn nhưng cuộc sống vẫn không khá hơn. Rồi phong trào trồng thanh long nở rộ, anh Á quyết "liều" một phen. Ngay vụ đầu tiên, hiệu quả kinh tế của cây thanh long cao hơn so với cây lúa; nhu cầu thị trường tăng, nhiều nông dân trồng thanh long bắt đầu áp dụng biện pháp xông đèn để làm vụ nghịch. Ăn nên làm ra, anh Á tiếp tục mua thêm 3 công đất nữa để trồng thanh long. Mỗi năm, 5 công đất này đã mang lại lợi nhuận cho gia đình anh trên 100 triệu đồng. Từ hoàn cảnh khó khăn đến nỗi có lúc muốn cho con nghỉ học, nay cuộc sống gia đình khá ổn định, con cái được anh cho ăn học đến nơi đến chốn.
Không chỉ anh Nguyễn Văn Á, nhiều hộ dân khác trong huyện Châu Thành cũng vươn lên thoát nghèo, cuộc sống khấm khá nhờ cây thanh long. Gia đình anh Cao Văn Cư, ấp Mỹ Xuân, xã Dương Xuân Hội cất được căn nhà ngói khang trang nhờ thanh long. Anh Cư cho biết: "Thấy bà con trong xã trồng cây thanh long mang lại hiệu quả, tôi đã sử dụng hết số tiền dành dụm, vay tiền ngân hàng để mua đất trồng thanh long. Gần hai mươi năm qua, cây thanh long đã mang lại cho gia đình tôi cuộc sống khấm khá hơn". Bên cạnh thanh long ruột trắng, anh Cư cũng trồng thêm 2 công thanh long ruột đỏ, đây là giống thanh long mang lại giá trị kinh tế cao.
Huyện Châu Thành là vùng chuyên canh cây thanh long của tỉnh Long An với diện tích khoảng 1.200 ha, tập trung tại các xã Dương Xuân Hội, An Lục Long, Long Trì và thị trấn Tầm Vu. Ông Trương Văn Biết, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết cây thanh long xuất hiện ở vùng đất này từ rất lâu. Nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên khấm khá nhờ cây thanh long. Từ mỗi năm thu hoạch một vụ, nông dân huyện bắt đầu chuyển qua trồng trái vụ để đạt giá trị kinh tế cao hơn. Đến năm 2000, cây thanh long đã được đưa vào Nghị quyết Đảng bộ huyện Châu Thành và xem đây là cây phát triển chủ lực của huyện. Hiện mỗi héc-ta thanh long, bà con thu về lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm. Người dân của huyện đang từng bước chuyên nghiệp hóa khâu trồng thanh long, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho biết tỉnh đã quy hoạch diện tích vùng chuyên canh trồng thanh long 2.000ha tại huyện Châu Thành. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long, nhất là thị trường xuất khẩu nhằm ổn định đầu ra cho người trồng. Đồng thời, hướng tới xây dựng thương hiệu thanh long Châu Thành, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và để cây thanh long phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ