Bưởi Chăm bón bưởi Diễn sau thu hoạch

Chăm bón bưởi Diễn sau thu hoạch

Tác giả PGS.TS. Mai Quang Vinh, ngày đăng 11/05/2019

Chăm bón bưởi Diễn sau thu hoạch

Sau thu hoạch, nếu gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi hoặc chăm sóc không đúng quy trình kỹ thuật, cây bưởi Diễn thường không ra quả vụ sau làm thất thu cho nhà vườn.

Chăm bón cây bưởi Diễn sau thu hoạch là điều kiện quyết định cho năng suất vụ sau

Nếu bón phân không cân đối, bón quá dư đạm, để đất chua sẽ làm cho cây sinh nhiều cành lá rậm rạp, hoa ra không sai, tỷ lệ đậu quả thấp, tạo điều kiện cho bệnh và các loài sâu hại tấn công, quả chín không chắc, vỏ và cơm (thịt quả) nhão, nhiều nước, ăn nhạt, không thơm ngon.

Cây bưởi Diễn ưa đất trung tính hơi kiềm, có độ pH cao thường là 6 - 7. Để cây cho quả sai, quả chất lượng cao, dễ bảo quản và bán được giá, bà con cần áp dụng một loạt các biện pháp kỹ thuật tổng hợp, trong đó bón phân cân đối đáp ứng nhu cầu các chất đa (NPK), trung lượng (Ca, Mg, Si) và các vi lượng, đặc biệt sử dụng lân nung chảy và phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng của cây.

Sau đây là kỹ thuật chăm sóc sau thu hoạch:

1) Vệ sinh tán cây

Thực hiện mỗi năm 5 lần vào thời điểm ngay sau khi thu hoạch quả và sau các đợt bưởi ra lộc ổn định. Sau khi thu hoạch quả, dùng kéo cắt bỏ triệt để những cành bị sâu bệnh, cành không có lá, cành trong tán cây, cành vượt và những cành cuống quả mới thu hoạch.

Sau các đợt lộc ổn định cũng phải cắt bỏ triệt để những cành bị sâu bệnh, cành nhỏ, cành không có lá, cành trong tán cây, cành vượt. Khi cắt phải cắt sát không để lại đoạn cành (tốt nhất nên bôi vôi vào vết cắt) để hạn chế một số sâu bệnh.

2) Cách bón phân

- Sử dụng các loại phân ĐYT NPK 5.10.3 dạng viên (N=5%; P2O5=10%; K2O=3%; S=2%; MgO=9%; CaO=15%; SiO2=14%; phân ĐYT NPK 16.6.16 (N=16%; P2O5=6%; K2O=16%; S=2%; MgO=5%; CaO=8%; SiO2=7%) ngoài ra có các chất vi lượng như B, Mn, Zn, Cu, Co...

- Lượng bón: Lượng bón nhiều hay ít phụ thuộc vào đất, tuổi cây, thời điểm bón, cũng như tiềm năng năng suất giống, tập quán thâm canh của địa phương...

- Cách bón: Bón tháng 11- 12 (cơ bản): 100% phân hữu cơ ủ hoai + 100% phân NPK 5.10.3 + 100% vôi (1-2 kg/gốc). Đào rãnh xung quanh tán, trộn đều và bón theo rãnh đào rồi dùng đất lấp kín phân.

+ Bón thúc lần 1 (đón hoa): Tháng 1 - 2 bón 40% lượng NPK 5.10.3 hoặc 16.6.16.

+ Bón thúc lần 2 (thúc quả): Tháng 4 - 5 bón 30% lượng NPK.

+ Bón thúc lần 3 (thúc quả): Tháng 7 - 8 bón 30% lượng NPK.

+ Bón thúc lần 4: Tháng 9 - 10 mỗi gốc bón 1kg NPK 16.6.16 hoặc 2kg NPK 5.10.3 (chống nứt quả).

Rắc phân, xới đất nhẹ quanh tán lấp phân. Tưới giữ ẩm thường xuyên hoặc tranh thủ sau mưa bón phân.

- Tủ gốc, thoát nước, giữ ẩm: Sử dụng các loại tàn dư thực vật, cây phân xanh, rơm rạ mục tủ gốc, thường xuyên tưới và thoát nước kịp thời giữ đủ ẩm cho cây.

- Tưới phân nước bổ sung: Nếu đất xấu, có thể ngâm thêm nước phân chuồng, ốc hến, xác súc vật với lân super (5 kg trong 100 lít nước) trong 6 - 8 tháng đến khi hoai không còn mùi thối, pha loãng nước để tưới bổ sung vào các giai đoàn chính ở trên.

Bón phân Văn Điển làm cho cây bưởi Diễn phát triển khoẻ, cân đối, lá dày ít sâu bệnh, tăng số hoa và đậu quả, quả bóng, to, nhẵn, màu sắc hấp dẫn, bưởi ngọt, nhiều nước, bảo quản được lâu dài.


Tưới nước thông minh cho bưởi Tưới nước thông minh cho bưởi Kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại chủ yếu trên bưởi bonsai Kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại chủ…