Mô hình kinh tế Chăm Sóc Cao Su Đúng Kỹ Thuật Nâng Cao Thu Nhập Cho Người Trồng

Chăm Sóc Cao Su Đúng Kỹ Thuật Nâng Cao Thu Nhập Cho Người Trồng

Ngày đăng 25/12/2013

Chăm Sóc Cao Su Đúng Kỹ Thuật Nâng Cao Thu Nhập Cho Người Trồng

Thời gian qua, nhiều nông dân thu hoạch mủ cao su theo kiểu tận thu, dẫn đến vắt kiệt sức cây cao su. Bên cạnh đó, việc chăm sóc vườn cao su chưa hợp lý làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây.

KHAI THÁC THEO KIỂU TẬN THU

Thống kê của Sở NN-PTNT, hiện toàn tỉnh Phú Yên có 3.999ha cao su, tập trung ở 2 huyện Sông Hinh và Sơn Hòa, trong đó 672ha trồng mới trong năm 2013. Trong số diện tích trên thì diện tích cho khai thác mủ thuộc dự án Phát triển cao su tiểu điền 1.800ha, số còn lại nhân dân tự trồng.

Đối với cao su khi thu hoạch, kỹ thuật cạo mủ là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất, tuổi thọ của cây. Tuy nhiên, lâu nay kỹ thuật cạo mủ, nhiều người chủ yếu “học lỏm” kinh nghiệm từ những người làm trước, rồi làm theo nên kỹ thuật không đạt. Chính vì vậy dẫn đến vỏ tái sinh của cây cao su bị sẹo, thân cây xuất hiện nhiều u lồi, làm ảnh hưởng đến năng suất mủ các vụ sau, cũng như khả năng khó cạo mủ lại trên vỏ cây tái sinh.

Không những thế, nhiều người còn “tận thu” mủ, khi cây từ 6 đến 7 năm tuổi thu theo dạng Đ3 (thu 1 đêm, nghỉ 3 đêm), rồi nâng lên mức Đ2. Ông Phạm Văn Dũng trồng cao su ở xã Ea Bá (Sông Hinh) cho biết: “Thời điểm mủ cao su có giá thì nhiều người ra sức cạo, tận thu mủ để bán kiếm tiền, dẫn đến lượng mủ giảm, cây rủ lá”.

Không những tận thu mủ, nhiều người còn vắt kiệt sức cây cao su bằng cách bôi thuốc kích thích. Trước đây vườn cao su của ông Đặng Văn Son, ở xã Ea Ly (Sông Hinh), thời kỳ thu hoạch luân phiên theo kiểu Đ2 (cách 1 đêm thu hoạch 1 đêm), mỗi ngày thu hoạch 350 cây cho 2 thùng mủ, bán khoảng 400.000 đồng.

Thế nhưng nghe thông tin bôi hóa chất vào cây, cao su cho mủ gấp đôi, ông áp dụng thử, ban đầu thấy hiệu quả nhưng sau đó cây không còn cho mủ nữa. Ông Son nói: “Khi tôi bôi thuốc vào thì lượng mủ tăng gấp đôi, nhưng một thời gian sau thì thấy vườn cao su xuống lá, từ màu xanh chuyển qua màu đỏ rồi héo dần nên tôi dừng lại”.

Bên cạnh đó, kỹ thuật bón phân không hợp lý cũng đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây cao su. Ông Đinh Văn Quyền trồng cao su tại xã Sơn Định (Sơn Hòa) cho biết: “Do không nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên vườn cây cao su của tôi phát triển chậm, cây phân nhánh, ít mủ, thời gian cho mủ cũng ngắn nên hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Bây giờ học kỹ thuật chăm sóc, cạo mủ đúng cách (đường kính 50cm trở lên mới cạo) nên năng suất mủ cao và ổn định hơn.

HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT CHO NGƯỜI TRỒNG

Ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa cho biết, huyện có 860ha cao su, trong đó 480ha cao su tiểu điền, năng suất bình quân khoảng 80 tạ mủ/ha. Để cây cao su cho năng suất cao, hiệu quả kinh tế mang lại bền vững, thời gian qua, huyện tập trung tuyên truyền, tập huấn cho nông dân về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch mủ cao su.

Mới đây, tại huyện Sơn Hòa và Sông Hinh cùng với việc khuyến khích người dân mở rộng diện tích, thâm canh cao su, phòng NN-PTNT 2 huyện phối hợp với Sở NN-PTNT tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cạo mủ và chăm sóc cao su.

Ông Nguyễn Chí Linh ở xã Sơn Định sau khi tham gia các lớp tập huấn đã bộc bạch: “Lâu nay chúng tôi tự tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cao su. Còn nay, sau khi tham gia các lớp tập huấn, hộ nào cũng biết áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc cao su theo đúng quy trình, nhờ vậy mà cây phát triển tốt”.

Còn ông Nguyễn Văn Quảng, trồng 3ha cao su ở xã Sơn Định (Sơn Hòa) cho hay: Trước đây nhiều người trồng cao su cạo mủ không đúng kỹ thuật đã làm ảnh hưởng nhiều đến quá trình sinh trưởng của cây. Khi được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, những vườn cây cao su từng bị vắt kiệt sức đã được phục hồi, thu hoạch nhiều mủ hơn. Dù giá mủ có giảm đôi chút nhưng gia đình tôi cũng thu được 40 triệu đồng/ha.

Thực tế cho thấy, với hơn 1.800ha cao su tiểu điền được trồng, trung bình mỗi hộ thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng/năm đã làm thay đổi cuộc sống của hàng nghìn hộ gia đình ở Sông Hinh và Sơn Hòa. Sở NN-PTNT xác định cao su là loại cây mang lại lợi ích cho nông dân, nên khuyến khích phát triển trồng cao su tiểu điền. Trước hết, ngành sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, trong đó chú trọng chuyển những diện tích đất trồng rừng và các loại cây khác hiệu quả thấp sang trồng cao su.

Theo các chuyên gia, để phát triển cây cao su tiểu điền theo hướng bền vững cần đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, thâm canh, chăm sóc và khai thác; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy thu mua và chế biến sản phẩm để đầu ra của cây cao su được ổn định.

Ông Nguyễn Đức Thắng, điều phối viên thuộc dự án Phát triển cao su tiểu điền (Sở NN-PTNT) cho biết: “Trong năm 2013, chương trình đã đào tạo cho 250 nông dân ở các xã Ea Trol, Ea Bá, Ea Ly (Sông Hinh), xã Sơn Long, Sơn Định (Sơn Hòa). Những người tham gia khóa đào tạo được truyền đạt những kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn cây theo từng giai đoạn, phát hiện, phòng trừ sâu bệnh trên cây cao su và kỹ thuật khai thác mủ cao su. Qua đó, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân”.


Triển Vọng Cây Ca Cao Bến Tre Triển Vọng Cây Ca Cao Bến Tre Trồng Ném Theo Quy Trình Thích Nghi Với Biến Đổi Khí Hậu Trồng Ném Theo Quy Trình Thích Nghi Với…