Tin nông nghiệp Chăm sóc đàn vật nuôi mùa nắng nóng

Chăm sóc đàn vật nuôi mùa nắng nóng

Tác giả Thanh Huyền, ngày đăng 23/07/2019

Chăm sóc đàn vật nuôi mùa nắng nóng

Bước vào mùa nắng nóng, nhiệt độ cao khiến cho đàn gia súc, gia cầm ăn kém, giảm sức đề kháng, dễ mắc các loại dịch bệnh làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, hiệu quả chăn nuôi thấp. Để hạn chế thiệt hại kinh tế, người chăn nuôi các địa phương đang tích cực thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi.

Cho gà ăn vào sáng sớm và chiều mát để tránh tăng thân nhiệt.

Chăn nuôi gia cầm đã nhiều năm nay, gia trại của ông Đặng Văn Tuyệt ở thôn Nguyên Kinh 2, xã Minh Hưng (Kiến Xương) thường nuôi từ 4.000 - 5.000 con ngan, gà, vịt thương phẩm. Ông Tuyệt cho biết: Ngay từ khi bắt đầu thiết kế chuồng trại để chuẩn bị nuôi gà, tôi đã tham khảo qua các phương tiện thông tin đại chúng về cách thức chống nóng cho đàn gà. Chính vì vậy, chuồng trại được xây dựng cao ráo, thông thoáng, xung quanh có nhiều cây xanh tạo bóng râm, mát mẻ vào mùa hè, tránh được mưa tạt, gió lùa.

Trong quá trình chăn nuôi, chuồng trại luôn bảo đảm sạch sẽ, phân thải và chất độn chuồng được thu dọn thường xuyên để nền chuồng khô ráo, hạn chế hơi nóng bốc lên gây bệnh cho đàn gà. Những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao, tôi cho gà ăn lúc sáng sớm và chiều mát; cung cấp đủ nước sạch cho gà uống cả ngày; đồng thời, bổ sung vitamin C và các chất điện giải vào chế độ dinh dưỡng giúp gà giải nhiệt và tăng sức đề kháng.

Những ngày qua, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc trước ảnh hưởng của yếu tố thời tiết. Gia đình ông Trần Văn Bình ở thôn Tam Lạc 2, xã Vũ Lạc (thành phố Thái Bình) hiện nuôi 21 con bò sinh sản và thương phẩm. Ông Bình cho biết: Đặc tính sinh lý của trâu, bò là chịu nhiệt kém, do vậy khi thời tiết nắng nóng thường bỏ ăn, uống nhiều, sức khỏe giảm, dễ phát sinh bệnh. Để bảo đảm sức khỏe của đàn bò, tôi đặc biệt chú trọng chế độ ăn, uống và giờ chăn thả. Trong khẩu phần ăn hàng ngày của đàn bò, tôi cắt giảm lượng tinh bột, tăng cường rau xanh, củ, quả tươi và các loại vitamin, chất đạm; luôn bổ sung đủ thức ăn, nước uống tại chuồng; buổi sáng chăn thả sớm rồi dắt về sớm và buổi chiều chăn thả muộn để tránh đàn bò bị cảm nắng.

Hiện nay, đàn vật nuôi toàn tỉnh có khoảng gần 500.000 con lợn, 55.000 con trâu, bò và hơn 13 triệu con gia cầm các loại. Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, trong thời điểm nắng nóng, người chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, cần chú trọng công tác quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng, nuôi nhốt với mật độ vừa phải, chăn thả sáng sớm và chiều mát ở những nơi có bóng mát; cho vật nuôi ăn thức ăn sạch, dễ tiêu, đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp theo lứa tuổi; cho vật nuôi uống nước sạch và mát có bổ sung thêm các loại vitamin tổng hợp, chất điện giải để tăng sức đề kháng trong những ngày nắng nóng kéo dài.

Với trâu, bò cần tăng cường các loại thức ăn thô xanh, thức ăn ủ chua bảo đảm cho con vật đủ no và tăng cường quá trình trao đổi chất; nên buộc ở những nơi có cây xanh, bóng mát cho trâu, bò nghỉ ngơi; tắm, chải hàng ngày để giảm thân nhiệt cho trâu, bò. Đối với chuồng nuôi nhốt, cần thiết kế mái che, tấm chắn, hệ thống làm mát phù hợp để bảo đảm độ thông thoáng, mát mẻ khi trời nắng nóng. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thu gom và xử lý phân thải, chất độn chuồng bằng các biện pháp phù hợp; không để phân và chất thải ứ đọng sẽ sinh ra khí độc và phát sinh mầm bệnh; sử dụng các chế phẩm sinh học để hạn chế mùi hôi trong chăn nuôi.

Thường xuyên khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, vệ sinh bãi chăn thả; định kỳ phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng trại và khu vực xung quanh để tiêu diệt và hạn chế mầm bệnh. Bên cạnh đó, người chăn nuôi phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, đặc biệt là gia súc, gia cầm mới tái đàn. Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện sớm những con bị ốm để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời, tránh lây lan. Khi có vật nuôi bị ốm, chết cần báo ngay cho cán bộ thú y địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời.


Trồng dừa hữu cơ - hướng phát triển bền vững cho chuỗi giá trị cây dừa Trồng dừa hữu cơ - hướng phát triển… Hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở huyện cù lao Chợ Mới Hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng…