Dừa Chăm sóc dừa sau hạn- mặn, những vấn đề cần quan tâm

Chăm sóc dừa sau hạn- mặn, những vấn đề cần quan tâm

Tác giả KS. Huỳnh Quang Đức - Trung tâm Khuyến nông Bến Tre, ngày đăng 24/04/2017

Chăm sóc dừa sau hạn- mặn, những vấn đề cần quan tâm

Hạn- mặn đang diễn ra khốc liệt ở trên địa bàn vùng ĐBSCL làm hàng chục nghìn ha lúa vụ Đông Xuân bị mất trắng, nhiều khu vực sản xuất cây ăn quả cũng bị thiệt hại nặng nề và có thể mất nhiều năm mới có thể khôi phục lại như ban đầu.

Phòng chống và giảm thiểu thiệt hại, thậm chí là sống chung với hạn- mặn chắc chắn sẽ là những vấn đề quan trọng mà ngành nông nghiệp nói riêng và cả nước nói chung sẽ hết sức quan tâm trong thời gian tới; trong đó, việc tìm kiếm các giải pháp nhằm giúp nông dân có thể chủ động hơn trong việc ứng phó với hạn- mặn, giảm thiểu các rủi ro, thiệt hại, tổ chức sản xuất thích ứng với điều kiện bị ảnh hưởng hạn- mặn nói riêng và biến đổi khí hậu nói chung là hết sức cấp thiết.

Dừa là cây trồng chính ở Bến Tre  được trồng khắp nơi trong tỉnh và hầu như  nơi nào trồng dừa  cũng bị ảnh hưởng  hạn- mặn ở các mức độ khác nhau. Hiện tại, dừa đang trổ hoa, đậu trái bình thường, ít thấy các biểu hiện thui bông, rụng trái. Căn cứ vào kết quả khảo sát của chúng tôi, tính trên số trái non trên cây, hiện có tuổi từ tháng thứ nhất đến tháng thứ 3, thì cao hơn khoảng 15% so với cùng kỳ của năm trước. Trên lý thuyết, nếu không có các yếu tố thời tiết bất lợi ngoài dự kiến, năng suất dừa sẽ tương đương hoặc cao hơn niên vụ 2015- 2016. Tuy nhiên, năng suất dừa sau giai đoạn bị ảnh hưởng của hạn mặn, qua  theo dõi của nhiều năm, lệ thuộc rất lớn vào việc rụng trái non vào đầu mùa mưa.

Hiện tượng rụng trái non thường xuất hiện ở giai đoạn ba tuần sau khi đậu trái và có thể kéo dài đến tháng thứ sáu. Về mặt cơ sở khoa học sự rụng trái non có thể gây ra bởi các nguyên nhân chính như sau:

+ Thiếu dinh dưỡng: Do thiếu đạm và kali, điều này khá phổ biến trong bối cảnh đất và nguồn nước bị nhiễm mặn trong thời gian dài. Ngoài ra, ở những vùng đất có phèn, do khô hạn lâu, đất nứt nẻ, cũng xuất hiện "Xì phèn" do phèn tiềm tàng trong đất bị oxit hoá tạo ra độc chất gây hại trực tiếp cho rễ cây hoặc cản trở việc hấp thu các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng.

+ Tình trạng khô hạn kéo dài sau đó xuất hiện các trận mưa lớn đầu mùa,  việc điều chỉnh cân bằng nước trong cây dừa chưa phù hợp cũng tạo nên sự nứt rụng trái.

+ Nguyên nhân sinh lý do sự thành lập "tầng rời" tại cuống quả. Nếu gặp một số điều kiện bất thuận như mưa nắng, nhiệt độ thay đổi bất thường, chế độ dinh dưỡng không phù hợp  thì sự tổng hợp các chất  ức chế sinh trưởng tăng nhanh làm cho sự cân bằng hormone trong cây thuận lợi cho việc hình thành "tầng rời", trái non dễ rụng bất kỳ giai đoạn nào.

+ Do các loại sâu bệnh tấn công như bọ cánh cứng, bọ xít, bệnh do nấm Phytopthora palmivora... gây ra. Đây là những loại sâu, bệnh thường xuất hiện nhiều trong thời điểm giao mùa nằng- mưa.

Dừa được xếp vào nhóm cây có khả năng chịu mặn khá tốt (trên 5/1.000), các nghiên cứu chuyên sâu trên dừa cho thấy khi độ mặn trong nước trên 10/1.000 và hàm lượng sunfat cao hơn 500mg/lít thì sinh trưởng, phát triển dừa bị ảnh hưởng rất rõ rệt. Dĩ nhiên điều này còn lệ thuộc vào thời gian nhiễm mặn, nhiệt độ môi trường...nhưng có thể đánh giá chung là độ mặn trong thời gian qua không phải là yếu tố hoàn toàn quyết định đến năng suất dừa, mà chỉ là một trong những yếu tố liên quan như đã phân tích trên và với góc nhìn như thế, chúng ta mới có các giải pháp phù hợp trong việc hạn chế tác động tiêu cực của hạn- mặn, giữ vửng và phát huy tiềm năng năng suất, tiếp tục nâng cao hiệu quả nghề trồng dừa.

Căn cứ vào đặc điểm sinh lý cây dừa và các điều kiện ngoại cảnh cụ thể hiện nay, người trồng dừa nên chú ý một số giải pháp canh tác cho các vườn dừa sau thời kỳ bị ảnh hưởng của hạn-mặn:

- Nhanh chóng khai thông nước trong mương vườn nhằm tăng cường lượng oxy hòa tan trong nước và tháo rửa phèn- mặn tích lũy trong nước sau những cơn mưa đầu mùa. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phục hồi và cải thiện chức năng sinh lý của bộ rễ dừa, liên quan trực tiếp đến việc phục hồi các chức năng sinh trưởng- phát triển khác, trong đó đáng chú ý là làm giảm hiện tượng rụng bông, trái, cải thiện trọng lượng trái... và đây cũng là tiền đề cho  các biện pháp canh tác khác tiếp theo.

- Bổ sung vôi cho đất, do trong điều kiện bị hạn- mặn trong thời gian dài, sự hấp thu chất canxi của cây rất kém, dẫn đến trái dễ bị nứt khi mưa nhiều, ngoài ra việc bổ sung vôi còn làm giảm tác hại của phèn, mặn  trong đất đối với cây trồng,  liều lượng vôi sử dụng khoảng 30-50 kg/1.000m2 , nên bón vôi vào đầu mùa mưa.

- Bổ sung các nguồn phân hữu cơ hoặc bồi bùn, tuy nhiên việc bồi bùn cần chú ý chỉ nên thực hiện ở các mương vườn đã rữa mặn, tránh bồi bùn kết hợp bón phân U- rê vì rất dễ gây rụng trái non khi có những cơn mưa đầu mùa lớn.

- Khi đã có nước ngọt, bắt đầu bón phân hóa học cho cây thì nên chú ý bón sớm và bón phân có tỉ lệ phân lân và kali cao hơn  chất đạm ở lần bón đầu tiên vì sau thời gian dài bị hạn- mặn, cây rất thiếu chất kali và có nhu cầu lân cao. Nếu bón phân U- rê sớm với lượng nhiều, với mong muốn cây dừa sớm phục hồi như quan niệm một số người trồng dừa là không chính xác và gây hiện tượng nứt rụng trái rất nhiều ở đầu vụ. Các lần bón sau có thể áp dụng theo quy trình bón thông thường đã được các cơ quan chuyên môn khuyến cáo. Ngoài việc tăng cường bón phân kali và lân ở đầu vụ, có thể sử dụng các loại tro bón cho dừa vì tro cũng có chứa nhiều chất lân, kali và các chất trung, vi lượng khác.

- Cần chú ý các bệnh lý do nấm Phytopthora palmivora gây ra như thối đọt, rụng trái  non tháng thứ 2-3 hàng loạt. Cần lưu ý bệnh này liên quan rất lớn đến sức khỏe cây trồng, môi trường canh tác, chế độ chăm sóc, thời tiết. Vì vậy bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc như Mataxyl, Ridomil, Aliette...để trừ bệnh  thì việc áp dụng tốt các chế độ chăm sóc như đã nêu ở phần trên mới đảm bảo hiệu quả phòng trị bệnh.

Tóm lại, khác với một số loại cây trồng khác, việc chăm sóc dừa ở thời điểm giao thời hai mùa nắng- mưa, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với năng suất, sản lượng dừa trong năm. đặc biệt sau thời gian dài bị ảnh hưởng hạn-mặn. Có thể nói rằng năng suất dừa mùa 2016- 2017,  ngoài việc phụ thuộc vào thời tiết còn phụ thuộc rất lớn  vào mức độ đầu tư và kỹ thuật chăm sóc của người trồng dừa và đây là điều mà mọi người có thể thực hiện được cho vườn dừa của mình./.


Ươm dừa giống thích ứng biến đổi khí hậu Ươm dừa giống thích ứng biến đổi khí… Kỹ thuật trồng dừa xiêm xanh (Kỳ IV) Kỹ thuật trồng dừa xiêm xanh (Kỳ IV)