Tin nông nghiệp Chăm sóc nhãn từ quả non đến chín

Chăm sóc nhãn từ quả non đến chín

Tác giả Ths. Nguyễn Hải Tiến, ngày đăng 29/05/2017

Chăm sóc nhãn từ quả non đến chín

Người làm vườn có thể xác định đúng thời điểm nhãn chín thông qua 6 giác quan: thính giác, vị giác, khứu giác, thị giác, xúc giác và tri giác.

Thu hoạch nhãn ở Hưng Yên

1. Chăm sóc

- Cắt tỉa quả: Hiện trên các trà nhãn ở miền Bắc đã cơ bản kết thúc chu kỳ rụng quả sinh lý. Nhà vườn cần khẩn trương tiến hành cắt định quả trên cây. Tùy theo khả năng mang quả của mỗi cây để xác định lượng quả cần để lại trên cây hợp lý. Cần tỉa thưa cho các chùm quả phân bố đều trên cây, và tỉa bớt trên các chùm quả quá sai dày, cắt bỏ các quả còi cọc, quả sâu bệnh, quả quá dầy trong chùm…

- Tưới nước: Trên các vườn nhãn khô và thời tiết nắng nóng kéo dài, cần tưới nước 5 - 7 ngày 1 lần, mỗi lần tưới 15 - 20 lít kết hợp ủ gốc giữ ẩm bằng cỏ khô, rơm rạ mục. Nếu trời mưa to kéo dài, cần khơi sâu rãnh luống tiêu rút nước triệt để, tuyệt đối không để xảy ra úng ngập vườn hoặc úng cục bộ cây.

- Bón phân: Dùng hỗn hợp hạt đậu tương nghiền ủ với lân supe theo tỷ lệ 3/1 cho lên mốc xanh, bón cho cây 3 lần cách nhau 20 - 25 ngày từ ngay sau tỉa định quả. Mỗi lần bón 1,5 - 3kg/1 gốc tùy theo tuổi cây và thực thế sinh trưởng của cây. Cách bón, rải phân dưới hình chiếu tán cây rồi vét đất rãnh lấp kín. Khi quả nhãn chớm vào nước 1 bón 0,3 - 0,5kg kaliclorua/1 gốc kết hợp tưới nước. Có thể thay bón đậu tương bằng NPK Đầu trâu 13-13-13+TE, lượng 0,3 - 0,7kg/1 lần/1 gốc.

- Thuốc phòng trừ sâu bệnh chính:

+ Chế phẩm nano bạc đồng plus kết hợp với chế phẩm nano đồng oxyclorua: Phun phòng bệnh sương mai hại quả 4 lần từ khi quả nhãn bằng hạt đậu tương (kết thúc rụng sinh lý): Lần 1 - 2 cách nhau 7 - 10 ngày; lần 2 - 3 cách 12 - 15 ngày; lần 3 - 4 cách 15 - 20 ngày. Có thể thay bằng hỗn hợp thuốc Aliette 80WP + Bavistil 70FL.

+ Trecbon 0,1 - 0,2% hoặc Actara 0,02% phối trộn với dầu khoáng DC tronplus, phun kép 2 lần cách nhau 5 - 7 ngày để phòng trừ rệp các loại.

+ Supracide hoặc Antaphos trừ sâu đo xanh lớn, phun sớm khi sâu non tuổi nhỏ.

+ Trên vườn nhãn có thể có 1 số cây bị vàng lá do nấm gây hại rễ, dùng cọc cứng xâm các lỗ sâu 15 - 20cm cách nhau 25 - 30cm rồi pha loãng Ridomil Gold 68WP tưới xuống lỗ.  

2. Nhận biết nhãn chín và thu hoạch

a) Nhận biết nhãn chín: Người làm vườn có thể nhận biết đúng thời điểm nhãn chín thông qua 6 giác quan là:

Thính giác, vườn nhãn bắt đầu chín sẽ có tiếng chim chóc ríu rít tìm ăn quả.

Khứu giác, vườn nhãn chín sẽ thoảng mùi thơm đặc trưng.

Xúc giác, nắn nhẹ quả nhãn chín, sẽ thấy vỏ quả mềm, mỏng, nhẵn không gợn tay.

Thị giác, khi nhãn chín vỏ quả sẽ chuyển từ màu nâu sang nâu sáng, gai quả phẳng lì.

Vị giác, ăn quả nhãn chín hoàn toàn sẽ có vị giòn ngọt sắc.

Tri giác, từ khi nhãn tắt hoa lộ quả non tới quả chín hoàn toàn khoảng 90 ngày, trong đó, ở cuối giai đoạn này quả nhãn cần vào đủ 3 nước (mỗi nước 7 - 8 ngày) mới chín hoàn toàn. Ở nước 1, hạt nhãn chuyển từ màu hanh vàng sang màu đen, cùi quả mỏng, vị nhạt, mùi hăng tanh, vỏ quả màu xanh bánh tẻ. Sang nước 2, quả nhãn phát triển nhanh cả về khối lượng và kích thước, vỏ quả chuyển màu nâu. Nước 3, vỏ quả mỏng dần, màu nâu sáng, vườn nhãn thoảng mùi thơm. Căn cứ vào các mốc thời gian này, để tiến hành chăm sóc và thu hoạch nhãn kịp thời.

Nhãn chín quá nước, vai quả sẽ gồ lên, núm quả phình to lõm sâu vào trong quả, thịt quả nhạt, cùi quả ướt.

b) Thu hoạch: Thu hoạch đúng độ chín chất lượng quả sẽ ngon nhất. Thu hái nhãn vào các ngày nắng ráo. Tránh thu quả vào các ngày mưa, quả ăn sẽ nhạt. Cần chủ động các phương án chế biến khi nhãn chín gặp thời tiết có mưa kéo dài.

Thu hoạch nhãn theo thứ tự, từ dưới lên trên từ trong ra ngoài, chín thu trước, xanh thu sau, chùm cành la, cành gầm thu hái trước, chùm cành chỏng, cành ngọn thu hái sau, chùm trong tán thu hái trước, ngoài tán thu hái sau. Dùng kéo cắt từng chùm quả nhẹ nhàng, tránh gây xước cành, bầm giập quả. Mỗi chùm quả chỉ cắt lấy 2 - 3 lá đi kèm, nếu cắt sâu quá sẽ làm mất các mắt ngủ ra lộc thu (lộc phát triển thành cành cho quả năm sau).

Sau thu hái phải tiến hành sơ chế phân loại quả ngay, tỉa bỏ các quả hư hỏng, cắt để riêng các quả nhỏ, quả sâu bệnh, quả chín chưa hoàn toàn... chuyển sang chế biến. Sau sơ chế nếu chưa xuất bán ngay cần rải quả ra nền nhà, để giảm quá trình hô hấp của quả, gây ảnh hưởng tới chất lượng.


Đa dạng hóa nguồn vốn xây dựng NTM Đa dạng hóa nguồn vốn xây dựng NTM Cách bón phân tăng độ ngon, đảm bảo sạch, an toàn cho chè Cách bón phân tăng độ ngon, đảm bảo…