Tin nông nghiệp Chăm sóc ổi bằng phân bón NPK-S Lâm Thao

Chăm sóc ổi bằng phân bón NPK-S Lâm Thao

Tác giả KS. Tăng Bá Dương, ngày đăng 11/09/2019

Chăm sóc ổi bằng phân bón NPK-S Lâm Thao

Ổi là loại cây ăn quả lâu năm và được trồng nhiều ở các vùng miền của nước ta. Quả ổi có giá trị dinh dưỡng cao và được nhiều người tiêu dùng ưa thích.

Nông dân tỉnh Hải Dương được mùa ổi nhờ phân bón Lâm Thao.

Để giúp bà con nông dân trồng ổi có năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế cao, cần lưu ý một số khâu kỹ thuật sau:  

1. Chọn giống

Trước đây có một số giống được nhiều người biết là ổi Bo Thái Bình, ổi đào, ổi mỡ, ổi xá lỵ, ngoài ra còn có các giống ổi ruột vàng, ổi gang, ổi sẻ… Hiện có  một số giống ổi mới như ổi ruột đỏ TN2, ổi không hạt TN2, ổi trắng số 1, ổi trắng số 2, ổi đào 138, ổi đào 251, ổi đào 102, ổi Đài Loan…  

2. Thời vụ trồng và khoảng cách

Ở miền Bắc tốt nhất là trồng vào vụ xuân (tháng 2 - 4), ngoài ra là vụ thu (tháng 8 - 10) với khoảng cách 4 x 4m hoặc 5 x 5m. Đào hố trồng: Kích thước hố trồng dài x rộng x sâu: 50cm x 50cm x 50cm. Toàn bộ công việc chuẩn bị hố trồng, bón lót phải được tiến hành trước khi trồng ít nhất 1 tháng.

Cách trồng: Khơi một hố nhỏ chính giữa hố đào, xé bỏ túi bầu và nhẹ nhàng đặt cây xuống hố, đặt bầu cây giống vào sao cho cổ rễ bằng hoặc thấp hơn mặt đất 2 - 3cm, lấp đất và dùng tay nén chặt xung quanh gốc. Cần tủ gốc giữ ẩm cho cây sau khi trồng bằng rơm rạ hoặc cỏ khô hoặc bèo tây.  

3. Bón phân NPK-S Lâm Thao

Bón lót: Bón cho mỗi hố (mỗi cây) 25kg phân chuồng + 1,5-2kg NPK-S*M1 5.10.3-8.

Sử dụng phân hỗn hợp NPK-S*M1 12.5.10-14 bón cho cây ổi ở thời kỳ kiến thiết cơ bản, bón 4 lần/năm với tổng liều lượng như sau: Năm thứ nhất bón 0,5kg; năm thứ hai 0,75kg; năm thứ ba 1g.

Sử dụng phân hỗn hợp NPK-S Lâm Thao cho cây ổi thời kỳ kinh doanh (kg/cây) (Xem bảng):

Tuổi cây Loại phân Sau thu hoạch Trước khi ra hoa Sau đậu quả 1 tuần Quả đang lớn
4-5 NPK-S*M1 5.10.3-8 1-1,5
NPK-S*M1 12.5.10-14 2,0-2,5
NPK-S 10.5.12-5 1-2 2-3
>6 NPK-S*M1 5.10.3-8 2-3
NPK-S*M1 12.5.10-14 3-4
NPK-S 10.5.12-5 2-3 3-4

 

4. Tỉa cành và tạo tán

Mục đích tạo cho cây ra cành lộc mới để ra hoa, ra quả theo ý muốn. Tỉa cành giúp tạo bộ tán đẹp cho cây, hạn chế sâu bệnh hại và cành không hiệu quả. Tiến hành bấm ngọn sớm khi cây ổi cao 40 - 50cm để cây phát sinh các cành cấp I. Nên để 3 - 5 cành cấp I phân đều ra các hướng, trên các cành cấp I tỉa bỏ các cành tăm, cành mọc sâu vào trong tán.  

5. Bọc ổi

Khi ổi có đường kính khoảng 2 - 3cm, tiến hành bọc quả. Bao quả bằng 2 túi, lưới xốp và nilon trắng kích thước 10 x 12cm, lồng 2 túi vào nhau, trong lưới xốp, ngoài bao nilon, đáy đục vài lỗ nhỏ để thoát hơi nước, tránh thối quả; đưa miệng túi vào bao quả, dùng băng dính kín miệng tới cuổng quả hoặc một phần cành.

Giống ổi không hạt bón phân Lâm Thao tăng năng suất, chất lượng quả.

Như vậy sẽ đảm bảo cho đến khi quả chín không bị nhiễm bất cứ sâu bệnh nào, ngăn chặn được mọi yếu tố độc hại có thể tác động từ môi trường, sản phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu không có điều kiện, có thể bọc quả ổi bằng một lớp nilon với kỹ thuật như trên.

Bên cạnh đó trồng xen ổi trong vườn cam, quýt, quất cũng sẽ hạn chế một số loại sâu bệnh và làm phong phú thêm mặt hàng trái cây.  

6. Phòng trừ một số sâu bệnh hại chính

6.1. Sâu hại

a) Ruồi đục quả:

- Đặc điểm gây hại: Ruồi các trưởng thành dùng ống đẻ trứng chọc sâu vào vỏ trái đẻ trứng. Dòi nở ra đục ăn trong quả, tuổi càng lớn càng đục sâu vào phía trong làm quả bị thối.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Thu hoạch quả kịp thời, không để chín lâu trên cây và thường xuyên thu nhặt, tiêu hủy quả bị rụng, bị ruồi gây hại.

+ Dùng bẫy bả dẫn dụ ruồi đực, ruồi cái bằng thuốc Vizubon, Finiki...

b) Rệp sáp:

- Rệp cái đẻ trứng thành bọc bên ngoài có lớp sáp trắng bao phủ. Rệp non mới nở có màu hồng, hình bầu dục, di chuyển nhanh đến vị trí thích hợp thì sống cố định, tiết sáp trên cơ thể. Rệp sống tập trung thành đám ở mặt dưới lá và cuống quả, hút nhựa làm lá vàng, trái nhỏ phát triển kém, kèm theo chỗ có rệp nấm bồ hóng đen phát triển làm mất mã quả.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Những vị trí có rệp dùng biện pháp thủ công phun rửa bằng dung dịch pha nước rửa chén.

+ Dùng thuốc hóa học để phun như Oncol, Ortus, Pegasus…

6.2. Bệnh hại

- Ổi thường hay bị một số bệnh như đốm lá, rỉ sắt, sương mai và thán thư…

- Biện pháp phòng trừ:

+ Tỉa cành tạo độ thông thoáng cho cây, chăm sóc bón phân đầy đủ, bón cân đối các loại dinh dưỡng đa lượng NPK-S của Lâm Thao kết hợp phun các loại phân bón lá vi lượng…

+ Thu dọn và tiêu hủy lá bị bệnh.

- Khi cây bị bệnh sử dụng các loại thuốc đặc trị phun trừ:

+ Bệnh đốm lá, gỉ sắt, thán thư sử dụng các loại thuốc đặc hiệu phun trừ như: Score 250EC, Anvil 5SC...

+ Bệnh sương mai sử dụng thuốc phòng trừ như: Ridomil 68WG, Boocđô 1%, Daconil 75WP...  

7. Thu hoạch

Chấm dứt phun xịt thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích sinh trưởng trước khi thu hoạch từ 10 - 15 ngày. Nên thu hoạch khi quả đạt độ chín sinh lý (màu xanh trên quả bắt đầu nhạt đi) để quả có chất lượng ngon nhất và bảo quản lâu hơn. Thời điểm thu hoạch tốt nhất là vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.


Giống hồng giòn không hạt MC1 Giống hồng giòn không hạt MC1 Nuôi bò thịt thu nhập ổn định Nuôi bò thịt thu nhập ổn định