Tin nông nghiệp Chăm sóc phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm

Chăm sóc phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm

Tác giả Vương Thị Chung - Trạm khuyến nông Thạch Thất, ngày đăng 26/06/2020

Chăm sóc phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm

Hiện nay, ở các tỉnh miền Bắc tiết trời mùa xuân chuẩn bị bước sang hè, thời tiết biến đổi thất thường trời se lạnh, mưa phùn, độ ẩm cao mầm bệnh trong môi trường tăng mạnh làm phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.Thời tiết giao mùa diễn biến phức tạp, làm cho vật nuôi không kịp thích nghi hay bị nhiễm một số bệnh về đường hô hấp và đường ruột tạo điều kiện cho các dịch bệnh lây lan.

Đối với trâu, bò một số dịch bệnh hay nhiễm như bệnh tụ huyết trùng, viêm phổi ở bê nghé non, bệnh lở mồm long móng, bệnh cước chân, bệnh chướng bụng đầy hơi. Đối với lợn là các bệnh tai xanh, lở mồm long móng, đặc biệt hay mắc 04 bệnh đỏ (tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn, đóng dấu); Ở lợn con hay mắc hội chứng tiêu chảy, viêm phổi, E.coli ... Đối với gia cầm một số bệnh hay gặp như bệnh Gumboro, Newcastle, bệnh cúm, hội chứng tiêu chảy, H5N1... Ngoài ra do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, không tập trung cùng tâm lý chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh của nhiều hộ dân góp phần làm cho dịch bệnh phát triển và lan rộng. Vì vậy, để chủ động phòng chống dịch bệnh xảy ra, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi trong giai đoạn chuyển mùa người chăn nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Về chuồng trại: Những ngày mưa phùn, ẩm độ cao cần giữ ấm cho con vật, nhất là đối với gia súc, gia cầm non. Với bê nghé non chăn thả muộn, về sớm. Những ngày trời rét dưới 150C không nên chăn thả gia súc, gia cầm ra ngoài đồng. Thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi, vệ sinh máng ăn, máng uống cho đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo nền chuồng nuôi luôn khô ráo, sạch sẽ.

Chăm sóc nuôi dưỡng gia súc, gia cầm: Tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng cho đàn gia súc, gia cầm đảm bảo dinh dưỡng đủ chất và lượng nhằm nâng cao sức đề kháng cho con vật, chống lại các tác động bất lợi của thời tiết hạn chế phát sinh dịch bệnh. Kiểm tra tình trạng ăn uống của vật nuôi, cách ly kịp thời những con có biểu hiện khác thường, chẩn đoán và điều trị nếu cần thiết. Khi thời tiết có thay đổi cần chú ý che chắn chuồng trại, tránh gió lùa, nhất là những ngày có gió mùa đông bắc. Bổ sung các loại khoáng chất, vitamin để giúp cho con vật nâng cao sức đề kháng, ngăn chặn mầm bệnh. Đối với lợn và gia cầm có thể bổ sung vào thức ăn, nước uống một số vitamin, khoáng chất, chất điện giải cho con vật ăn trực tiếp.

Phòng chống dịch bệnh: Tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của Chi cục thú y, một số vác xin cần tiêm: Đối với trâu, bò tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Đối với lợn tiêm phòng 04 bệnh đỏ (tụ huyết trùng, phó thương hàn, đóng dấu lợn, dịch tả lợn), bệnh tai xanh, lở mồm long móng; với lợn nái tiêm thêm vắcxin leptospira, suyễn lơn; với lợn con tiêm Ecoli. Đối với đàn gia cầm (gà tiêm vac xin Newcastle, Gumboro, Cúm; thủy cầm tiêm Cúm, Dịch tả). Cần cách ly vật nuôi ốm, chết ra khỏi đàn, không được bán hoặc phát tán, không được sử dụng lại thức ăn thừa của những vật nuôi bị bệnh cho vật nuôi khác. Phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan, chính quyền địa phương cấp xã tăng cường công tác kiểm dịch gia súc, gia cầm, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi nhằm phát hiện sớm dịch bệnh, báo cáo kịp thời với cán bộ thú y cơ sở hoặc cơ quan thú y địa phương để có biện pháp xử lý, ngăn chặn dịch bệnh lây lan./.


Phòng bệnh cho gia súc – gia cầm trong mùa hè Phòng bệnh cho gia súc – gia cầm… Biện pháp trị bệnh chướng hơi dạ cỏ cho trâu bò Biện pháp trị bệnh chướng hơi dạ cỏ…