Chăm sóc, quản lý đàn cá bố mẹ đầu vụ nuôi
Sau mỗi vụ sản xuất giống thủy sản vào tháng 11 – 12 Dương lịch hàng năm (cuối mùa mưa) người nuôi cần kiểm tra đàn bố mẹ của mình như số lượng, tỷ lệ đực cái, tuổi sinh sản, mức độ thoái hóa của đàn cá bố mẹ, mà tiến hành những bước tiếp theo chuẩn bị cho vụ mùa mới.
Quá trình chăm sóc này thường có thời gian từ 1 – 2 tháng trước mùa vụ sinh sản chính. Hiện nay, nông hộ thường cho sinh sản tập trung các loại cá như cá tra, tai tượng, rô phi, điêu hồng, sặc rằn, rô đồng, mè, chép, cá cảnh các loại…
Chọn lựa, đào thải, chọn mới
Loại bỏ cá bố mẹ già, sức sinh sản kém, ảnh hưởng di truyền đến thế hệ sau như dị hình, nuôi chậm lớn. Chỉ chọn giữ lại những con trong độ tuổi sinh sản tốt, sức sinh sản sản cao, chọn con đực cái ở những đàn cá khác nhau, càng xa vị trí địa lý càng tốt, không chênh lệch kích cỡ, tuổi giữa cá thể đực, cái. Đa phần qua 2 – 4 mùa sinh sản nên thay đổi toàn bộ đàn cá bố mẹ do sức sinh sản kém, chất lượng đàn cá con sinh ra không cao.
Vệ sinh và điều kiện ao nuôi vỗ
Nếu sử dụng lại đàn bố mẹ cũ thì phải có nơi dự trữ cá bố mẹ ít nhất từ 1 – 3 ngày. Việc vệ sinh ao, giống như ao cá nuôi cá thịt như làm cỏ, vét bùn, bón vôi, phơi ao… khuyến khích sử dụng dây thuốc cá, vôi, hay sản phẩm có nguồn gốc vi sinh trong cải tạo ao, hạn chế sử dụng thuốc xử lý có nguồn gốc hóa học trong cải tạo ao. Ao phải có đủ ánh sáng, nhiệt độ ao nuôi vỗ tốt nhất 28 – 30 độ C. Nguồn nước cấp phải đạt các chỉ tiêu lý hóa học, diện tích ao nuôi vỗ 200 m2 trở lên tùy loài cá, mực nước ao dao động từ 1,2 – 1,8 m tùy loài cá.
Cách thức nuôi vỗ đàn cá bố mẹ
Khuyến cáo nuôi vỗ cá đực và cá cái riêng theo đúng quy trình từng loại cá nuôi như mật độ hợp lý không quá cao gây nổi đầu do thiếu ôxy. Sau thời gian nuôi vỗ từ 1 – 2 tháng thì cá bắt đầu thành thục và tham gia sinh sản, lúc này sẽ thả chung cá đực và cá cái với nhau (nếu sinh sản tự nhiên), riêng sinh sản nhân tạo thì bắt kiểm tra trứng, tinh trùng nếu đạt độ thành thục sẽ kích thích nhân tạo cho cá đẻ….
Cho ăn
Quá trình cho ăn nuôi vỗ cá bố mẹ chia làm 2 giai đoạn. Hàm lượng đạm giai đoạn nuôi vỗ tích cực (25 – 40%) phải cao hơn giai đoạn nuôi vỗ tái phát dục (20 – 25%) tùy theo từng loài cá, khẩu phần cho ăn hàng ngày 1 – 2% trọng lượng đàn cá. Có những loại cá như tai tượng, rô phi, điêu hồng, tra… có thể bổ sung thêm thức ăn xanh như bèo, rau muống băm nhỏ… với lượng 1 – 2 lần/tuần khẩu phần 5%.
Thay nước
Nên định kỳ thay hay cấp thêm nước mới 3 – 7 ngày/lần trong quá trình nuôi vỗ, hay phun nước như mưa nhân tạo để kích thích cá bố mẹ mau phát dục sớm hơn dự kiến.
Sử dụng kích dục tố
Nhằm hướng nền sản xuất thủy sản hữu cơ, khuyến khích các hình thức sinh sản tự nhiên tạo môi trường sinh thái kích thích cá đẻ như tạo giá thể, kích nước mới, thay đổi nhiệt độ… Nếu là sinh sản nhân tạo khuyến khích sử dụng kích dục tố là não thùy thay HCG hay LRHA.
Quản lý dịch bệnh
Nên thả với mật độ hợp lý không thả dày, để tạo không gian cho cá phát dục, nhất là không để thiếu ôxy khiến cá nổi đầu vào buổi sáng thì việc nuôi vỗ cá bố mẹ sẽ bị thất bại do tế bào sinh dục không phát triển và thành thục. Phòng bệnh ao nuôi bố mẹ nên sử dụng vôi, muối ăn, chế phẩm sinh học… trong cải tạo ao. Hạn chế sử dụng thuốc gốc hóa học, kháng sinh để xử lý ao nuôi hay trộn vào thức ăn trong quá trình nuôi, khuyến khích sử dụng thảo dược như tỏi, lá giác, lá xoan…
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ