Tin nông nghiệp Chăm sóc và bảo vệ các đối tượng thủy sản mùa nắng nóng

Chăm sóc và bảo vệ các đối tượng thủy sản mùa nắng nóng

Tác giả Thanh Huyền, ngày đăng 20/07/2019

Chăm sóc và bảo vệ các đối tượng thủy sản mùa nắng nóng

Từ đầu tháng 5 đến nay, thời tiết diễn biến phức tạp, đã xuất hiện đợt nắng nóng cao điểm kết hợp với mưa dông làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của các đối tượng thủy sản.

Người dân tiến hành san thưa mật độ cá nuôi trong lồng.

Để phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, người nuôi trồng thủy sản các địa phương đang chú trọng thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo vệ thủy sản.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thuân, thôn Ký Cường, xã Nam Cường (Tiền Hải) hiện đang nuôi trồng thủy sản với diện tích 5.000m2, trong đó 2.000m2 nuôi tôm thẻ chân trắng, 3.000m2 nuôi ngao giống. 

Ông Thuân cho biết: Đối với diện tích nuôi tôm, rút kinh nghiệm từ những vụ nuôi trước, mỗi khi bước vào vụ mới, tôi đặc biệt chú trọng khâu cải tạo ao đầm, xử lý nguồn nước để chủ động nguồn nước sạch trước khi lấy vào ao.

Trong quá trình nuôi, tôi luôn duy trì mực nước hợp lý trong ao để hạn chế những bất lợi do nắng nóng gây ra đồng thời thường xuyên kiểm tra ao nuôi để kịp thời điều chỉnh các thông số môi trường cho phù hợp.

Đối với ngao chủ yếu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi điều kiện tự nhiên như nắng nóng kéo dài, môi trường nước biển bị thay đổi độ mặn khiến ngao bị chết.

Vì vậy, trong quá trình chăm sóc, tôi thường xuyên vệ sinh các vây lưới để tạo sự thông thoáng; bổ sung thêm cát, san lấp các vũng đọng trên mặt bãi; khi thấy ngao bị dồn vào các chân vây thì tiến hành san thưa mật độ ngao.

Cán bộ Chi cục Thủy sản kiểm tra các thông số trong môi trường ao nuôi thủy sản.

Cũng như ông Thuân, người nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh không khỏi lo lắng các đối tượng thủy sản bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, dịch bệnh nên đặc biệt quan tâm đến khâu chăm sóc, bảo vệ, nhất là vào mùa nắng nóng. Hiện nay, toàn tỉnh có 576 lồng cá nuôi trên sông với thể tích 58.863m3, trong đó huyện Quỳnh Phụ có số lượng lồng cá nhiều nhất toàn tỉnh với 304 lồng/35.100m3. 

Gia đình ông Nguyễn Văn Thăng, thôn Tân Mỹ, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) hiện đang nuôi 10 lồng cá trên sông Luộc. Ông Thăng cho biết: Tôi thường xuyên vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ, thông thoáng để lưu thông dòng nước trong và ngoài lồng nhằm cải thiện chất lượng nước giúp cá nuôi mau lớn.

Khi thời tiết nắng nóng, tôi tiến hành san thưa mật độ cá trong mỗi lồng, tăng cường máy sục khí cung cấp oxy tránh hiện tượng thiếu oxy cục bộ. Thường xuyên kiểm tra, tu sửa lồng nuôi bảo đảm vững chắc để tránh thất thoát; dùng vôi bột cho vào túi vải treo ở các góc lồng nuôi để phòng bệnh cho cá.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản dự kiến năm 2019 là 15.020ha, trong đó nuôi nước mặn 3.100ha, nuôi nước lợ 3.374ha, nuôi nước ngọt 8.546ha và 576 lồng cá nuôi trên sông.

Đến nay, diện tích nuôi nước mặn đã đạt kế hoạch dự kiến; diện tích nuôi nước ngọt đạt 8.561ha/171 triệu con giống; diện tích nuôi nước lợ (chủ yếu là tôm) đã nuôi thả hơn 378 triệu con/2.853,46ha.

Để hạn chế tác động của thời tiết đến sức khỏe các đối tượng thủy sản, người nuôi trồng thủy sản phải thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động các biện pháp quản lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe các đối tượng thủy sản.

Đối với diện tích nuôi ngao bãi triều cần tiến hành thu hoạch ngao đã đạt kích cỡ thương phẩm; hàng ngày kiểm tra, san lấp các vũng nước đọng trên mặt bãi tránh nhiệt độ tăng cao cục bộ gây chết ngao; san thưa mật độ ngao dồn vào chân vây, vệ sinh vây, lưới tạo độ thông thoáng cho nước triều lên xuống cung cấp nguồn thức ăn cho ngao.

Đối với diện tích nuôi tôm, cá, để hạn chế nắng nóng, người nuôi sử dụng lưới đen che phủ 2/3 diện tích mặt ao bảo đảm cao hơn mặt nước trên 2m theo hình mái chóp hoặc mái bằng cố định vào cột bê tông; những ao nuôi nước ngọt có thể thả bèo tây chiếm 1/3 diện tích mặt ao làm chỗ trú nắng cho cá.

Duy trì mực nước ao nuôi tối thiểu từ 1,2m trở lên; tăng cường sục khí, quạt nước, sử dụng chế phẩm vi sinh, men tiêu hóa, vitamin C, chất khoáng trộn vào thức ăn và vãi trực tiếp xuống ao nuôi để tăng sức đề kháng, cải thiện môi trường nước và phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản.

Khi có mưa lớn cần tiến hành xả nước tầng mặt, đồng thời tăng cường sục khí đảo nước tránh hiện tượng phân tầng gây thiếu oxy tầng đáy, phát sinh khí độc. Trước và sau khi mưa sử dụng vôi với lượng từ 2 - 3kg/100m3 hòa vào nước tạt xuống ao để ổn định độ pH. Giảm từ 30 - 50% lượng thức ăn cho cá, tôm khi thời tiết thay đổi đột ngột như mưa lớn hoặc nắng nóng với nhiệt độ nước trên 33oC, ngừng cho ăn khi nhiệt độ nước trên 35oC.

Việc chủ động phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ các đối tượng thủy sản trước những ảnh hưởng của thời tiết bất thường là nhiệm vụ cấp thiết, góp phần giảm thiểu thiệt hại, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi trồng thủy sản.


Hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở huyện cù lao Chợ Mới Hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng… Lợi ích từ dừa hữu cơ Lợi ích từ dừa hữu cơ