Chăm Sóc Vườn Cây Hồ Tiêu Trong Mùa Mưa
Việt Nam là nước có sản lượng hạt tiêu xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới với gần trăm ngàn tấn, đạt kim ngạch hàng trăm ngàn USD/năm. Cây tiêu phân bố trải dài trên các miền quê đất nước, nhưng chủ yếu tập trung ở các vùng Bắc trung bộ, duyên hải Nam trung bộ, Tây nguyên, Đông nam bộ, tạo công ăn việc làm và thu nhập đáng kể cho hàng chục ngàn hộ nông dân, giúp nông dân khai thác có hiệu quả những vùng đất ba zan, đất xám, đất phù sa cổ ở trung du và miền núi.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây bệnh chết nhanh cây hồ tiêu (cây tiêu) do loại nấm Phytophthora gây ra xuất hiện khá nhiều trong các vườn tiêu ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Bình Định,... gây thiệt hại đáng kể đến kinh tế hộ và kinh tế chung.
Nhiều hộ trồng tiêu phải “buồn thiu” vì bó tay nhìn những trụ tiêu đã mất công vun trồng hàng chục năm bỗng dưng héo rũ rồi chết, có hộ trồng nhiều diện tích phải điêu đứng vì nhiều cây tiêu trên vườn bị chết. Loại nấm này tiềm ẩn trong môi trường đất, nước, tàn dư cây trồng, cỏ trong vườn, phát triển rất nhanh trong điều kiện mùa mưa ẩm độ cao, ánh sáng yếu. Bào tử nấm xâm nhiễm gây hại cây bắt đầu từ bộ rễ rồi lan truyền lên thân và lá cây làm cây héo rũ chết ẻo rồi héo khô. Kiểm tra bộ rễ và gốc cây người ta thấy rễ và gốc cây bị thối, hoạt động sinh lý trong cây bị rối loạn-đình đốn, làm cho lá vàng rồi rụng, các “khớp” đốt thân rời rã làm cây héo xụi rồi chết.
Thời gian từ khi thấy triệu chứng bệnh trên thân lá đến cây chết rất ngắn, người làm vườn không kịp trở tay, chưa có thuốc đặc trị cấp và đành bó tay nhìn cây chết, vì thế người ta gọi là bệnh chết nhanh cây tiêu. Hiện tượng này thường xuất hiện vào cuối mùa mưa, đầu mùa khô. Để hạn chế cây bị bệnh người làm vườn phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng là chính (điều trị nguyên nhân) ngay trong mùa mưa. Qua các tài liệu kỹ thuật và kinh nghiệm thực tế nhiều nơi, chúng tôi xin khuyến cáo bà con thực hiện một số biện pháp kỹ thuật cơ bản dưới đây:
- Tạo hệ thống rãnh thoát nước trên vườn để thoát nước khi có mưa lớn, không để nước đọng trên vườn tiêu, nhất là ở gốc tiêu. Ở những vườn tương đối bằng phẳng thoát nước khó thì nên đào những hố hoặc rãnh sâu giữa các hàng cây để tích nước thoát nước cục bộ.
- Dọn sạch cỏ và mọi tàn dư thực vật trên vườn, xới đất mặt vườn để đất thoáng khí, cắt tỉa những cành lươn trên cây.
- Tỉa bớt cành những cây choái hoặc cây trồng khác trên vườn để tạo sự thông thoáng, giảm ẩm độ trong vườn cây, làm giảm sức cản để hạn chế cây đổ ngã trong mùa mưa bão. Việc làm này rất cơ bản và hiệu quả để giảm thiểu ẩm độ đất và không khí trong vườn, tạo sự thông thoáng vườn cây, không ảnh hưởng gì đến các cây trồng vì mùa mưa là khoảng thời gian nghỉ qua đông của cây để sang xuân sẽ bắt đầu một chu kỳ sinh trưởng và phát triển.
* Chăm sóc cây tiêu vào đầu mùa mưa và đầu mùa nắng:
Bón lót vào đầu mùa mưa và đầu mùa nắng. Tùy đặc điểm thời tiết, mùa nắng và mùa mưa ở mỗi vùng miền khác nhau để xác định thời gian bón phân cho thích hợp; chẳng hạn như ở tỉnh Bình Định thì đầu mùa mưa vào khoảng trung tuần tháng 9, đầu mùa nắng vào khoảng tháng 1 dương lịch. Bón lót từ 10-15 kg phân chuồng đã ủ hoai mục cho một trụ tiêu; bón thúc các loại phân NPK hoặc phân đơn phối hợp, bón đúng cách và đúng lượng theo qui trình kỹ thuật hoặc theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Nếu bón phân đơn thì nên bón phân lân Văn Điển vì loại phân này có hàm lượng Mg và vôi cao sẽ làm tăng sức kháng bệnh của cây. Trong quá trình chăm sóc cần tránh làm tổn thương bộ rễ, gốc cây để ngăn ngừa nấm bệnh xâm hại.
Sử dụng một trong số các loại thuốc: Vialphos 80WP, Mataxyl 500WP, Vilaxyl 35BHN, Agri-Fos 400, ANLIEN-annong 400SC,… để phun phòng bệnh vườn cây. Nồng độ dung dịch thuốc phun là 0,2%; phun lần 1 vào đầu mùa mưa, lần 2 vào giữa mùa mưa, lần 3 vào cuối mùa mưa; phun đều toàn thân cây và tất cả số cây tiêu trên vườn. Ngoài ra có thể dùng các loại thuốc nói trên hoặc Bordeaux pha loãng ở nồng độ 1%, Oxyclorua đồng (pha như hướng dẫn trên bao bì) tưới vào mỗi gốc cây từ 2-3 lít vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa.
Thường xuyên kiểm tra vườn cây, phát hiện kịp thời những cây bị bệnh để điều trị, nếu điều trị không được thì chấp nhận đào bỏ đưa ra khỏi vườn và tiêu hủy. Tưới vào mỗi hố đào cây chết khoảng 0,5 kg vôi bột để sát trùng diệt mầm bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ