Mô hình kinh tế Chặn Đứng Dịch Bệnh Tôm

Chặn Đứng Dịch Bệnh Tôm

Ngày đăng 20/04/2012

Chặn Đứng Dịch Bệnh Tôm

Vào vụ nuôi tôm 2012, người dân các tỉnh ven biển vùng bán đảo Cà Mau hết sức thận trọng, tìm đủ mọi cách ứng dụng kỹ thuật, vệ sinh ao nuôi trước khi thả giống. Tuy nhiên, vùng tôm nuôi quảng canh lớn nhất nước (265.000 ha) vẫn xảy ra tôm chết.

Nhiều hộ dân thấy giá tôm nguyên liệu tăng cao, nóng lòng thả giống sớm nên tôm chết hàng loạt, dù cán bộ kỹ thuật thủy sản đã khuyến cáo. 10.000 ha nuôi tôm công nghiệp của tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu cứu cánh cho 34 nhà máy chế biến có nguyên liệu cũng chưa đạt kết quả như mong đợi...

Tại Bạc Liêu, một số hộ nuôi nhận thấy tôm bệnh chết từ năm ngoái chuyển sang thử nghiệm dùng thuốc thảo dược của một Cty để xử lý ao tôm. Hậu quả tôm vừa thả giống xuống đã chết ngay. Ông Sáu Ngoãn (Võ Hồng Ngoãn), người nuôi tôm giỏi có tiếng  ở xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu, cho biết: Vừa qua đại diện Cty bán thuốc thảo dược trên có đến điều đình với một số hộ dân Bạc Liêu về tiền đền bù xử lý ao và con giống. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng vào vụ tôm năm nay vẫn chưa hết rủi ro, thiệt hại nhiều. Đặc biệt thấy có hiện tượng bệnh tôm mới xuất hiện.

Theo ông Sáu Ngoãn, trước đây bà con nghi vấn bệnh hoại tử gan tụy do dư lượng dùng thuốc BVTV tồn lưu trong đất hoặc lo sợ tôm sau 30 ngày tuổi (tính từ ngày thả nuôi) bị bệnh đầu vàng, bệnh đốm trắng. Lạ thay, sau khi phát hiện tôm chết, mang đi xét nghiệm không tìm thấy hai bệnh trên.

Hiện nay, một số người lo ngại do môi trường, phơi ao, thả tôm chậm lại để chờ các nhà nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân gây ra bệnh mới này. Riêng tôi nhận thấy việc chọn con giống khá kỹ nhưng không thể tuyệt đối hết được, vì không thể xét nghiệm cả mấy trăm ngàn con cùng một lúc. Do đó tôm bị cảm nhiễm nhiều cũng không biết.

Theo Chi cục Thú y Sóc Trăng, đến nay toàn tỉnh đã thả nuôi 7.700 ha, trong đó 7.100 ha tôm sú, chiếm 15% kế hoạch; tôm thẻ 614 ha, chiếm 30%. Diện tích tôm thiệt hại là 1.134 ha, chiếm 14,6% diện tích thả nuôi. Trong đó tôm sú thiệt hại 964 ha, chiếm 13,6% ha; tôm thẻ chết 170 ha, chiếm khoảng 27,7 % diện tích thả.

Theo kết quả xét nghiệm thì 41% mẫu do virus đốm trắng, 18% mẫu do virus đầu vàng, 6% mẫu nhiễm bệnh virus Taura. Còn lại 35% mẫu tôm chết do hoại tử gan tụy, song chưa xác định rõ tác nhân gây bệnh. Hiện tượng tôm chết phổ biến trong vòng 25 ngày cho đến 45 ngày tuổi. Trước tình hình như vậy, huyện Vĩnh Châu  đề nghị công bố bệnh đầu vàng trên tôm sú tại xã Hòa Đông và huyện Trần Đề công bố bệnh đốm trắng trên tôm sú, tôm thẻ tại xã Trung Bình.

Ông Quách Văn Tây, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Sóc Trăng, nhận xét: Năm nay các cơ quan chuyên môn vào cuộc sớm, khống chế tình hình dịch bệnh, thực hiện hỗ trợ thuốc Clorin và kết hợp bảo hiểm nông nghiệp cho hơn 400 hộ nuôi tôm. Đối với những khu vực xảy ra tôm bệnh chết, đã khuyến cáo người dân tạm ngừng thả, vệ sinh ao. Song, vấn đề khó nhất hiện nay là bệnh mới chưa xác định được tác nhân gây bệnh để đưa vào danh mục bảo hiểm bồi thường. Điều này cần Bộ NN-PTNT hướng dẫn thêm. Cục Thú y tăng cường lực lượng hỗ trợ địa phương, Trung tâm Chẩn đoán thú y TƯ xét nghiệm bệnh hội chứng gan tụy ở tôm.

Theo kế hoạch năm 2012, tỉnh Sóc trăng dự kiến đạt trên 45.000 ha nuôi tôm. Tuy vậy qua thăm dò khảo sát tiến độ thả tôm giống ở các địa phương có khả năng năm nay không đạt như kế hoạch, vì nông dân có thể bỏ diện tích ao nuôi tới 50%. Nguyên nhân do một, hai đợt thả giống tôm đều chết nên rất khó khăn, thiếu vốn. Còn với người có vốn thì lo ngại rủi ro cao, thua lỗ, họ chỉ thả thử cầm chừng ½ hoặc 1/3 diện tích ao nuôi. Trong khi đó các đại lý bán thức ăn, thuốc thú y thủy sản không bán chịu như mấy năm trước, vì sợ chủ ao tôm thất bát không trả nổi tiền nợ.

Ở Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề (Sóc Trăng), dân nuôi tôm tính toán: Đối với tôm thẻ (chân trắng) nếu nuôi tốt trong vòng 45 ngày hòa vốn, 60 ngày là người nông dân có lãi, kéo dài được 2,5 tháng có lãi cao. Tôm thẻ giá trên 100.000 đồng/kg (100 con), người nuôi có lãi trên 40-50%. Tôm sú nuôi trên 3,5 tháng đạt 50 con/kg, giá 100.000 đồng/kg là có thể xuất bán.

Tuy nhiên, một số hộ nuôi tôm thắc mắc vì sao ao nuôi tôm hoàn toàn không dùng thuốc BVTV như Cypermethrin để xử lý ao, nhưng tôm vẫn chết, mong nhà khoa học vào cuộc.

Dù vậy, giữa lúc khó khăn, một số vùng nuôi tôm tại Sóc Trăng người dân đang thử nghiệm các mô hình mới. Theo đó có những giải pháp như: Xử lý nước không diệt giáp xác bằng hóa chất mà lấy nước vào ao lắng, sau đó đưa sang ao xử lý, rồi qua kênh cấp mới đưa vào ao nuôi; chia diện tích đất thành 3 khu vực với 3 quy trình nuôi khác nhau để so sánh, đúc kết, chọn ra quy trình nuôi tối ưu. Các làm này chủ yếu là những hộ nuôi tôm quy mô lớn, có dành một phần diện tích làm ao lắng để xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi.

Ông Trần Hữu Mai (Út Mai), Hiệp hội tôm Mỹ Thanh đề xuất: “Người nuôi tôm cũng phải tự quy hoạch, thiết kế lại ao nuôi, ao lắng, kênh cấp, thoát nước cho riêng mình cho phù hợp với tình hình hiện nay. Diện tích ao lắng tối thiểu cũng phải bằng 20% diện tích ao nuôi; phải nuôi vi sinh trong ao theo công nghệ Biofloc, chứ không thể cứ bổ sung chế phẩm vi sinh một cách tràn lan như trước”.

ThS Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Sóc Trăng nhận định: Sau thời gian nuôi thuận lợi, nhiều hộ nuôi đã bỏ qua quy trình nuôi có ao lắng, lọc vì tiếc diện tích, nên chỉ còn một số ít hộ áp dụng đúng quy trình. Một số hộ khác dù muốn áp dụng cũng không được vì diện tích nuôi quá nhỏ. Vì vậy, vấn đề hiện nay là làm sao hài hòa tính hiệu quả của tất cả các mô hình nuôi.


Mỗi Ha Ớt Cho Thu Nhập Trên 200 Triệu Đồng Mỗi Ha Ớt Cho Thu Nhập Trên 200… Phú Yên: Người Mê Tôm Hùm Phú Yên: Người Mê Tôm Hùm