Mô hình kinh tế Chăn Nuôi An Toàn Sinh Học Hướng Đi Tất Yếu

Chăn Nuôi An Toàn Sinh Học Hướng Đi Tất Yếu

Ngày đăng 02/04/2014

Chăn Nuôi An Toàn Sinh Học Hướng Đi Tất Yếu

Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, nếu không chủ động phòng, chống kịp thời thì người chăn nuôi, nhất là những hộ chăn nuôi quy mô lớn, rất dễ “trắng tay” nếu chẳng may bùng phát dịch.

Mặt khác, ngoài việc phòng bệnh cho gia súc, gia cầm để bảo vệ tài sản của mình, người dân cũng cần thực hiện song song các biện pháp để bảo đảm sản phẩm sạch khi đến tay người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ môi trường xung quanh. Lúc này, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (ATSH) chính là phương án tối ưu, không chỉ ở gia cầm mà cả trên các đàn gia súc.

Nếu chỉ chăn nuôi theo phương pháp truyền thống thì dù có tiêm phòng vắcxin đầy đủ vẫn tồn tại rủi ro, vì có rất nhiều con đường mang nguồn bệnh đến chuồng trại, bên cạnh đó, cũng không có loại vắcxin nào đạt hiệu quả phòng bệnh 100%.

Do đó, nếu biết kết hợp đúng cách giữa ATSH và vắcxin tiêm phòng thì người chăn nuôi sẽ không còn lo sợ dịch bệnh tấn công. ATSH không chỉ giúp các hộ chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh hiệu quả mà còn giúp cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm nhờ đáp ứng các tiêu chí an toàn thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm sạch.

Ông Lê Văn Kiển (ấp 7, xã Vĩnh Công, Long An) được cán bộ khuyến nông xã giới thiệu tham gia quy trình thực hành chăn nuôi VietGAHP của Dự án LIFSAP. Được hỗ trợ những trang thiết bị, máy móc cơ bản như motor bơm nước, bình chứa nước 500 lít cho heo, tủ thuốc thú y,… cùng một khoản tiền để nâng cấp chuồng trại, ông đã bắt tay thực hiện ngay trên đàn heo của gia đình.

Theo ông, các quy định khi thực hiện theo hướng ATSH khá nghiêm ngặt nhưng cũng không quá khó thực hiện, bởi vì chỉ cần tuân thủ tốt thì đàn heo khỏe mạnh, năng suất cao, người hưởng lợi trực tiếp chính là bản thân người chăn nuôi.

Khi tham gia nhóm GAHP, chuồng trại phải cách biệt khu nhà ở và nguồn nước sinh hoạt, có hàng rào kín và kiên cố, cổng ra vào có hố vôi khử trùng; nền chuồng không được đọng nước, mái không dột và có rèm che để tránh gió lùa; có hệ thống xử lý chất thải lỏng và chất thải rắn, tránh làm ô nhiễm môi trường.

Con giống khi đem về phải có nguồn gốc rõ ràng, được tiêm phòng đầy đủ và phải cách ly theo thời gian quy định mới được nhập đàn, không nuôi lẫn các lứa heo khác nhau và nuôi chung với các loài vật khác. Thức ăn cho heo phải lựa chọn những công ty uy tín, còn hạn sử dụng, không bị nấm mốc, nhiễm khuẩn, được pha trộn theo đúng kỹ thuật và tỷ lệ nhất định, đồng thời được bảo quản ở nơi khô ráo, ngăn chặn được côn trùng, ruồi bọ…

Nước uống cho vật nuôi cũng phải được xử lý lắng, lọc, sát trùng đầy đủ. Chăn nuôi theo hướng ATSH thì công tác tiêu độc, khử trùng phải thực hiện thường xuyên: Phải xông xịt sát trùng chuồng trại trước khi nuôi 7 ngày và ngay sau khi xuất bán; khử trùng định kỳ toàn bộ chuồng trại và khu vục xung quanh (trừ máng ăn, máng uống) mỗi tuần 1 lần trong suốt quá trình nuôi. Đặc biệt, công tác tiêm phòng theo đúng quy trình của cơ quan thú y phải được thực hiện nghiêm ngặt để bảo vệ sức khỏe cho đàn gia súc,…

Một điểm đặc trưng khi tham gia nhóm GAHP là mỗi hộ phải có một quyển sổ ghi chép lại toàn bộ quá trình chăn nuôi từ lúc còn nhỏ đến khi xuất chuồng. Lợi ích của quyển sổ này là được cập nhật hằng ngày, từ việc theo dõi sức khỏe, cân nặng của heo đến việc tiêm phòng, loại thuốc, ngày tiêm, tiền khấu hao thức ăn, thuốc bổ, tiền vệ sinh chuồng trại, tiền lời khi xuất bán,…

Theo ông Kiển, quyển sổ này chính là “cánh tay đắt lực” của người chăn nuôi vì được sắp xếp rất khoa học, hợp lý nên dễ dàng tra cứu thông tin, theo dõi đàn gia súc, nhờ đó, người chăn nuôi sẽ có biện pháp khắc phục khi tình huống xấu xảy ra.

Tương tự với gia súc, chăn nuôi gà thả vườn theo hướng ATSH cũng không có nhiều khác biệt. Theo ông Trần Ngọc Trát (ấp Ái Ngãi, xã Phú Ngãi Trị) - chủ một trang trại với số lượng trên 2.000 con, cho biết, tham gia chương trình này người chăn nuôi phải thực hiện nghiêm túc các yêu cầu như: Chuồng trại phải ở nơi khô ráo, thoáng mát, có hàng rào ranh giới, vùng đệm, hàng rào bên trong cách ly vùng chăn nuôi. Cổng trại có hệ thống bơm và vòi nước để dễ dàng vệ sinh; có hố sát trùng để diệt khuẩn, cách ly nguồn bệnh.

Xung quanh mỗi dãy chuồng có rãnh thoát nước thải, chất thải lỏng trước khi thải ra môi trường phải được xử lý, chất thải rắn phải được xử lý khỏi mầm bệnh trước khi dùng vào mục đích khác, chuồng nuôi thoáng mát vào mùa hè và kín, ấm vào mùa đông. Lịch tiêm phòng các bệnh nguy hiểm như dịch tả, H5N1, tụ huyết trùng,... phải tuyệt đối tuân thủ theo khuyến cáo của cơ quan thú y.

Máng ăn, lồng úm gà con, bể tắm cát, dàn đậy cũng được xây dựng theo đúng chuẩn và sau khi xuất chuồng phải có thời gian trống để tiêu độc khử trùng trước khi tái đàn. Với biện pháp chăn nuôi theo hướng ATSH, người dân cũng phải thường xuyên quan sát những biểu hiện bất thường của đàn gà do thời tiết thay đổi hay do dịch bệnh xảy ra để có hướng xử lý kịp thời,…

Tương tự như sổ ghi chép quy trình chăn nuôi heo theo VietGAHP, quyển sổ nhật ký chăn nuôi gà ATSH cũng có đầy đủ thông tin để người chăn nuôi cập nhật hằng ngày tình trạng sức khỏe con vật, tính toán được lượng thức ăn tiêu thụ trong suốt quá trình, ngày tiêm phòng, loại thuốc đã dùng, hạch toán kinh tế, ghi nhận lời - lỗ, tỷ lệ hao hụt đầu con,…

Từ ngày áp dụng ATSH tại trang trại của mình, đàn gà nhà ông rất khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển rất tốt, trong thời gian sắp tới, ông vẫn tiếp tục áp dụng thực hiện quy trình ATSH này để bảo đảm an toàn cho gia đình và góp phần bảo vệ những người xung quanh.

Theo Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành - Trần Lê Mỹ Linh, chăn nuôi theo hướng ATSH kết hợp tiêm phòng theo lịch thì sẽ không còn lo ngại dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt sẽ giảm, đồng thời tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.

Với mô hình chăn nuôi sạch này, người nuôi phải thực hiện đúng nguyên tắc “Ăn sạch, uống sạch, ở sạch”, tức là vật nuôi phải ăn đầy đủ dinh dưỡng, thức ăn bảo đảm vệ sinh theo tiêu chuẩn; nước uống được lọc và diệt khuẩn; sát trùng chuồng trại định kỳ để tiêu diệt mầm bệnh, môi trường xung quanh không hôi thối, ô nhiễm, xử lý chất thải bằng hầm biogas,...

Đặc biệt, khi áp dụng ATSH thì vật nuôi không được dùng chất tăng trọng và chất tạo nạc, không dùng kháng sinh cấm để chữa bệnh hay phòng bệnh; với các loại kháng sinh được sử dụng thì phải ngưng dùng trước khi giết thịt theo khuyến cáo của từng loại thuốc, do đó, sẽ không lo ngại vấn đề tồn lưu kháng sinh trên thịt, trứng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Với những hiệu quả mà ATSH mang lại, người dân chưa tham gia chăn nuôi ATSH có thể liên hệ khuyến nông viên để được hướng dẫn, dù ban đầu cần phải hoàn thiện về chuồng trại, trang thiết bị nhưng tính về lâu dài thì sẽ rất tiết kiệm, vừa giảm chi phí, không còn lo ngại dịch bệnh tấn công, tăng hiệu quả kinh tế mà lại ngăn chặn được dịch bệnh lây sang người”.

Chăn nuôi ATSH: "Tốt cho người chăn nuôi, tốt cho cộng đồng, tốt cho người tiêu dùng" là hướng đi tất yếu cho người chăn nuôi.


Heo Được Giá, Người Nuôi Tăng Đàn Heo Được Giá, Người Nuôi Tăng Đàn Lễ Hội Thả Cá Trên Sông Hậu An Giang Lễ Hội Thả Cá Trên Sông Hậu An…