Cá tra, basa Chăn nuôi cá tra - Thức ăn và dinh dưỡng

Chăn nuôi cá tra - Thức ăn và dinh dưỡng

Tác giả 2LUA.VN biên dịch, ngày đăng 31/05/2021

Chăn nuôi cá tra - Thức ăn và dinh dưỡng

Mặc dù cá tra có thể phát triển mạnh mẽ trong nhiều điều kiện chăn nuôi khác nhau nhưng dinh dưỡng của chúng là vấn đề rất quan trọng để chăn nuôi thành công.

Thức ăn và việc thu mua và sử dụng nguyên liệu thô để cho ăn là việc tối quan trọng đối với sự thành công và bền vững của nghề chăn nuôi cá tra. Nhưng ngành nuôi trồng thủy sản nói chung có thể được nhìn nhận theo hướng tiêu cực khi đề cập đến vấn đề thức ăn do những mối lo ngại và nhận thức về tính bền vững cũng như việc sử dụng các nguồn tài nguyên vật lý và tài nguyên sinh học.

Việc sử dụng thức ăn, các biện pháp cho ăn và tiềm năng cải tiến trong sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng có thể có tác động đáng kể đến tính bền vững.

Nhu cầu dinh dưỡng của cá tra

FAO mô tả cá tra là loài ăn nguyên liệu thức ăn đầu vào có giá trị dinh dưỡng thấp. Điều này có nghĩa là nó có thể được sản xuất hiệu quả bằng hàm lượng protein động vật, bột cá và dầu cá ít ỏi.

Cá tra không cần nhiều dinh dưỡng đầu vào như các loại cá nuôi khác

Cá tra được sản xuất bằng cách sử dụng thức ăn chăn nuôi có chứa 28 - 32% protein chủ yếu bao gồm các nguyên liệu làm từ ngũ cốc hoặc các chất dẫn xuất. Nó cũng có thể được sản xuất bằng cách sử dụng thức ăn tự chế hoặc phụ phẩm nông nghiệp cũng như chất dinh dưỡng bổ sung từ năng suất ao nuôi tự nhiên (cá tra có thể tiêu thụ chất cặn và mảnh vụn để hấp thu dinh dưỡng từ vi khuẩn và các sinh vật khác).

Khẩu phần thức ăn đầu vào chứa giá trị dinh dưỡng thấp của cá tra cũng là một lợi thế trong việc giảm chi phí thức ăn và dẫn đến chi phí sản xuất thấp hơn và sản phẩm thân thiện với môi trường hơn.

Theo các số liệu thống kê của FAO, thức ăn chăn nuôi chiếm 70 - 90% tổng chi phí sản xuất nên đối với những người chăn nuôi, việc lựa chọn sản phẩm phù hợp là vấn đề bận tâm hàng đầu.

Tổng quan về thức ăn chăn nuôi

Thức ăn viên (hình tròn hoặc hình trụ) được dùng để nuôi cá giống và cá con. Nguyên liệu được nghiền mịn trước khi tạo thành viên rồi sau đó được nén thành dạng viên từ các hạt phân tử mịn.

Nguồn protein động vật phổ biến nhất là bột cá bởi vì nó chứa một lượng đầy đủ tất cả các axit amin cần thiết để đáp ứng các nhu cầu dinh dưỡng.

Các nguồn protein động vật thay thế là bột thịt và xương và các phụ phẩm từ gia cầm, trong khi đó đậu nành, ngô và hạt bông là các nguồn protein thực vật chính.

Thức ăn chăn nuôi cá tra

Thức ăn chăn nuôi cá tra đã rất phát triển trong những năm qua. Một ví dụ là thức ăn công nghiệp có thể làm giảm bệnh tật ở cá và giảm ô nhiễm môi trường do thức ăn dư thừa, nhưng thức ăn công nghiệp đắt hơn các loại thức ăn thay thế khác như thức ăn tự chế.

Ngoài ra, cá con không thể ăn nhiều thức ăn tự chế nên thức ăn công nghiệp thường được sử dụng trong hai tháng đầu tiên trong hệ thống chăn nuôi thương phẩm. Khi giá cá trên thị trường sụt giảm thì những người nuôi có xu hướng áp dụng cả thức ăn công nghiệp lẫn thức ăn tự chế.

Thức ăn tự chế

Loại thức ăn này bao gồm hai thành phần là cám gạo và cá tạp với tỷ lệ khác nhau nhằm cung cấp hàm lượng protein cao trong suốt các giai đoạn tăng trưởng. Những người nông dân cũng đã bắt đầu sử dụng các nguồn protein thay thế như bột đậu nành, ngô, cá khô, bột xương thịt và thịt gia cầm.

Người chăn nuôi cũng trộn cám gạo, cá tạp và các thành phần khác, nấu chín hỗn hợp và sử dụng máy đùn để tạo ra thức ăn dạng sợi dài và dính.

Các chất phụ gia thức ăn cũng được bao gồm vì chúng nâng cao chất lượng thức ăn, sức khỏe cá và tốc độ tăng trưởng của cá. Những ví dụ về các chất phụ gia thức ăn chăn nuôi như là vitamin C, li-zin, chất chống oxy hóa, men vi sinh, các loại vitamin và hỗn hợp khoáng chất.

Thức ăn tươi tự chế được làm từ các nguyên liệu như gạo, bột cá và đậu nành. Chúng được nghiền mịn, trộn lại với nhau, nấu chín và để nguội trước khi được nặn thành từng nắm nhỏ hoặc ép thành viên.

Thức ăn viên thương mại

Loại thức ăn này được sấy khô và nén viên bằng dây chuyền chế biến công nghiệp. Kể từ năm 2008, xu hướng sử dụng thức ăn viên thương mại có chứa cám gạo, ngô và bột cá ngày càng tăng.

Thức ăn chăn nuôi cá thương mại được thiết kế để nổi trong nước nuôi, ngăn ngừa tích tụ cặn lắng xuống đáy ao

Mặc dù thức ăn thương mại đắt hơn nhưng chúng mang lại hệ số chuyển đổi thức ăn cao hơn và chất lượng nước tốt hơn, đồng thời được thiết kế nổi để tránh tích tụ thức ăn trong lồng hoặc dưới đáy ao.

Một số trang trại sử dụng thức ăn viên thương mại trong suốt quá trình chăn nuôi, còn những trang trại khác chỉ sử dụng thức ăn thương mại trong tháng đầu tiên và tháng cuối cùng, thời gian còn lại cá được cho ăn thức ăn tự chế.

FCR (hệ số chuyển đổi thức ăn) và phương thức cho ăn

Theo FAO, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) của cá tra được cho ăn thức ăn viên thương mại là khoảng 1.7-19 : 1. Quá trình cho cá tra ăn được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên có xu hướng sử dụng thức ăn có hàm lượng protein và khoáng chất cao để cá đạt được chiều dài tối đa.

Trong giai đoạn thứ hai, hàm lượng carbohydrate trong thức ăn tự chế thường được tăng lên để vỗ béo cá, khiến cho cá nặng hơn và do đó cho năng suất cao hơn.

Những cải thiện trong thức ăn chăn nuôi có thể góp phần đáng kể vào việc tăng tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống sót của cá và rút ngắn chu kỳ chăn nuôi.

Với mục đích phát triển ngành thức ăn chăn nuôi cá tra hơn nữa để nâng cao tính bền vững và giảm chi phí thức ăn, cần có nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và phát triển chế độ ăn không chứa bột cá cũng như cách tiếp cận toàn cầu đối với vấn đề đảm bảo lương thực bền vững.


Chăn nuôi cá tra - Chất lượng nước và an toàn sinh học Chăn nuôi cá tra - Chất lượng nước… Chăn nuôi cá tra - Sức khỏe và bệnh tật Chăn nuôi cá tra - Sức khỏe và…