Chăn Nuôi Lợn Theo Hướng Công Nghiệp Và Liên Kết 4 Nhà Ở Cam Thanh (Quảng Trị)
Không còn giữ lối chăn nuôi theo tập quán lạc hậu, tự cung tự cấp như những năm trước, giờ đây, phần lớn nông dân ở xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã đổi mới tư duy, chú trọng phát triển chăn nuôi theo mô hình tập trung, đầu tư con giống chất lượng, chuồng trại bài bản.
Đặc biệt, phong trào liên kết 4 nhà “Nhà nước- nhà nông- nhà khoa học- nhà doanh nghiệp” trong chăn nuôi lợn được bà con tích cực hưởng ứng. Nhờ vậy đã mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội ở địa phương phát triển.
“Mũi nhọn” kinh tế
Cam Thanh có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 300 ha với dân số 2.700 người. Trong đó, hộ sản xuất nông nghiệp chiếm 60%, hội viên Hội Nông dân 480 hộ, chiếm 100% hộ sản xuất nông nghiệp. Trước đây, ngoài việc làm ruộng, vườn, hầu như gia đình nông dân nào cũng chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, bình quân một năm chỉ nuôi 1-2 lứa, mỗi lứa chỉ 2-3 con. Do đó, đời sống của họ vẫn còn khó khăn, ít hộ khá, giàu.
Xác định lợi thế của địa phương nằm trên hai tuyến quốc lộ 1 và đường Xuyên Á, có chợ Ngã Tư Sòng thuận lợi cho việc giao thương và buôn bán, những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, đoàn thể về giúp người dân mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế có giá trị cao, nêu cao vai trò của Hội Nông dân xã trong vận động hội viên nông dân xây dựng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, đặc biệt là chuyển đổi cách chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp và liên kết “4 nhà”.
Được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền xã, các cấp Hội Nông dân về khoa học kỹ thuật cũng như vốn vay, giao đất, năm 2004, gia đình anh Hồ Văn Dương ở thôn An Bình đã khai hoang đất hoang hóa ngập úng để cải tạo làm kinh tế trang trại theo mô hình lúa-cá.
Đến năm 2008, hưởng ứng phong trào chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp và liên kết “4 nhà”, anh mở rộng mô hình kinh tế cá-lúa-lợn trên diện tích 6 ha, trong đó, khối lượng đất đào đắp đê bao trên 20.000 m3. Tổng kinh phí anh đầu tư đào đắp, xây dựng đê bao, rào chắn gần 1 tỷ đồng, xây dựng chuồng trại chăn nuôi công nghiệp quy mô gần 1,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, anh đầu tư xây dựng hệ thống nước thải theo đúng quy định với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng, trong đó Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng. Từ đó đến nay, nhờ nắm bắt đúng kỹ thuật chăn nuôi nên anh chủ động phòng chống dịch bệnh, số lượng lợn trong chuồng trại của gia đình anh ổn định bình quân 1.000 con/lứa, mỗi lứa xuất chuồng được 100 tấn lợn thịt.
Nhờ có doanh nghiệp bao tiêu số lượng lợn thịt, gia đình anh yên tâm đầu tư và mở rộng mô hình chăn nuôi. Không chỉ vươn lên làm giàu chính đáng, anh còn tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, tổng giá trị về tài sản của gia đình anh gần 5 tỷ đồng.
Những mô hình lợn-lúa-cá khác ở Cam Thanh cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao như hộ anh Nguyễn Văn Phước đầu tư chăn nuôi lợn 100 con/lứa (đang phát triển số lượng lên 200 con) và nuôi cá trên diện tích 1,5 ha; hộ chị Hồ Thị Lan từ chăn nuôi 20 con lợn nái năm 2005 phát triển lên 40-50 con năm 2004 và 200 con lợn thịt/lứa...
Có thể nói, chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp và liên kết “4 nhà” đã trở thành phong trào và “mũi nhọn” kinh tế ở Cam Thanh hiện nay. Qua thực hiện mô hình, các hộ nông dân đã giúp đỡ lẫn nhau trong kỹ thuật chăn nuôi, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Anh Nguyễn Văn Thức, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thanh cho biết: “Để thực hiện mô hình chăn nuôi lợn có hiệu quả cao, Hội đã giúp hội viên nông dân tìm kiếm con giống chất lượng; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, xây dựng chuồng trại đúng quy cách. Hội lấy những hộ điển hình về chăn nuôi theo hướng hiện đại làm mẫu để tuyên truyền, vận động, khuyến khích hội viên chuyển đổi cách chăn nuôi theo hướng tập trung, có quy mô hơn.
Nhằm giúp hội viên đảm bảo về kinh phí đầu tư xây dựng mô hình, Hội đứng ra tín chấp cho vay giải quyết việc làm cho bà con với tổng số vốn vay trên 1 tỷ đồng. Thấy được lợi ích trước mắt và lâu dài, nhiều hộ đã tích cực thực hiện mô hình chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp và liên kết “4 nhà” và xem đây là điều kiện để phát triển kinh tế bền vững”.
Đầu vào thuận, đầu ra khó
Việc liên kết “4 nhà” trong mô hình chăn nuôi lợn ở Cam Thanh nhìn chung được thực hiện khá tốt. Người dân đã có ý thức cao giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt trong thực hiện mô hình. Họ được trang bị đầy đủ kiến thức chăn nuôi nên đã áp dụng khoa học kỹ thuật theo hướng thương phẩm, sản xuất hàng hóa, lựa chọn con giống có năng suất, sản lượng cao. Đây là cách làm ăn hiệu quả, góp phần nâng cao nguồn thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất ở đây vẫn là khâu tiêu thụ.
Không phải ai cũng may mắn như anh Hồ Văn Dương khâu nối với doanh nghiệp bao tiêu hoàn toàn sản phẩm, để xuất chuồng, nhiều hộ nông dân phải tự thân vận động tìm kiếm doanh nghiệp, thương lái nên giá cả bấp bênh. Do khó khăn trong nhập và xuất hàng nên nhiều doanh nghiệp không mấy mặn mà việc liên kết với nhà nông.
Anh Thức cho biết thêm: “Việc chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp ở xã đang rất thuận lợi, song để tìm kiếm đầu ra cho việc xuất chuồng ổn định của bà con thật khó. Toàn xã chỉ có một vài hộ liên kết được với doanh nghiệp, còn lại phần lớn nông dân phải bán nhỏ lẻ cho thương lái với giá thấp. Do đó, nhiều hộ không dám đầu tư phát triển mạnh hơn mặc dù tiềm lực họ có.
Để nhân rộng mô hình này, chúng tôi rất mong các cấp, các ngành sớm có quy hoạch vùng chăn nuôi, cấp đất cho nông dân xây dựng chuồng trại; hỗ trợ cho nông dân về khoa học kỹ thuật, con giống, vay vốn ưu đãi với số lượng lớn hơn, đặc biệt là tìm đầu ra cho sản phẩm để kích cầu, động viên kịp thời cho họ yên tâm sản xuất.”
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ