Mô hình kinh tế Chăn Nuôi Tìm Lối Đi An Toàn

Chăn Nuôi Tìm Lối Đi An Toàn

Ngày đăng 28/06/2013

Chăn Nuôi Tìm Lối Đi An Toàn

Khi ngành chăn nuôi được xác định là quan trọng, cần phát triển bền vững thì tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này lại trồi sụt thất thường. Đến nay, chăn nuôi vẫn loay hoay với bài toán, làm thế nào để phát triển an toàn, bền vững, ổn định thị trường thực phẩm trong nước.

Tăng giảm thất thường

Đời sống người dân ngày một nâng cao thì nhu cầu tiêu thụ các loại thực phẩm tươi sống như thịt, trứng, sữa… cũng tăng. Chăn nuôi trong nước dù được coi là có tiềm năng nhưng vẫn chưa thể cung cấp đủ nhu cầu, năm nào, Việt Nam cũng phải tốn hàng triệu USD nhập khẩu các loại thực phẩm để bổ sung lượng thiếu hụt cho thị trường trong nước.

Tuy nhiên, dù được xác định là quan trọng, nhưng chăn nuôi vài năm trở lại đây luôn trồi sụt, tăng giảm thất thường do dịch bệnh, thời tiết, sự mất ổn định của nguyên liệu đầu vào.

Dù từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 nhằm từng bước tạo ra lượng thịt đủ để cung cấp cho thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Theo  đó, giai đoạn 2011-2015, tốc độ phát triển ngành chăn nuôi phải đạt từ 6-7%, giai đoạn 2015-2020 đạt từ 5-6%. Nhưng, tính đến cuối năm 2010, mới có 11 địa phương xây dựng xong chiến lược phát triển chăn nuôi an toàn cho địa phương mình.

Trên thực tế, những năm gần đây, ngành chăn nuôi, đặc biệt là nông dân gặp rất nhiều khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, dịch bệnh liên miên, thời tiết giá rét bất thường. Nguyên nhân được giới chuyên gia phân tích, nước ta quá lệ thuộc vào nguồn thức ăn nhập khẩu.

Chưa nói tới thức ăn tinh, thức ăn bổ sung mà ngay cả những mặt hàng nông sản rất quen thuộc như ngô, khô dầu đậu tương... cũng phải nhập. Trong khi đó, chăn nuôi nước ta hiện nay chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, hệ thống thú y còn nhiều hạn chế.

Bằng chứng là từ đầu năm 2011 đến nay, người chăn nuôi liên tiếp phải đối mặt những khó khăn như thời tiết bất lợi hồi đầu năm làm chết hơn 65.000 gia súc, dịch bệnh kéo dài hơn nửa năm nay trong khi, nguyên liệu đầu vào của ngành tăng chóng mặt. Cũng bởi vậy, trong quý I, chăn nuôi gia súc đã giảm 1%.

Chưa dám nghĩ tới xuất khẩu thịt

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, lâu nay chúng ta đang quan niệm chăn nuôi chủ yếu để xóa đói, giảm nghèo nhưng đã đến lúc chúng ta phải xác định chăn nuôi để làm tăng giá trị gia tăng hay làm giàu. Bên cạnh đó, cũng phải xác định hướng sắp tới của ngành không phát triển ồ ạt về đầu con, mà tùy theo địa phương, từng điều kiện đất đai, thời tiết, khí hậu từng vùng miền mà lựa chọn quy mô phù hợp.

“Hiện nay, ngành chăn nuôi đang phát triển kém bền vững, thể hiện rõ nhất là dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Tại các tỉnh miền núi phía Bắc thì chuyện trâu, bò chết rét đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Đặc biệt, vấn đề cạnh tranh giá cả đầu ra cũng bấp bênh nên người chăn nuôi nói chung thu lại hiệu quả không cao”, ông Sơn phân tích.

Theo ông Sơn, để ngành chăn nuôi thực sự phát triển vững và tạo ra “giá trị gia tăng” cần phải tái cấu trúc lại ngành chăn nuôi. Thay đổi nhận thức của người chăn nuôi tồn tại từ bao đời nay. Thêm vào đó, cần tạo mọi điều kiện cho các chủ trang trại cũng như doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn, bởi vì hiện nay, hầu hết các chủ trang trại, doanh nghiệp đều kinh doanh với vốn theo kiểu “giật gấu, vá vai” bằng các nguồn khác nhau, trong khi tỷ lệ lãi suất trong chăn nuôi thấp nên hiệu quả không lớn. Ông Sơn nói: “Là một nước có thế mạnh về chăn nuôi, nhưng tỷ trọng xuất khẩu hàng chăn nuôi còn rất hạn chế do giá thành của chúng ta còn quá cao, bên cạnh đó thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm có lúc chưa được đảm bảo”.


Nỗ Lực Triển Khai Các Đề Tài, Dự Án Khoa Học Ứng Dụng Vào Sản Xuất Nỗ Lực Triển Khai Các Đề Tài, Dự… Nông Dân Bị Thiệt Hại Vì Trồng Giống Bắp NK67 Nông Dân Bị Thiệt Hại Vì Trồng Giống…