Tin nông nghiệp Chàng kỹ sư công nghệ thông tin thành công với nghề… nuôi lươn

Chàng kỹ sư công nghệ thông tin thành công với nghề… nuôi lươn

Tác giả Gia Phú, ngày đăng 10/10/2017

Chàng kỹ sư công nghệ thông tin thành công với nghề… nuôi lươn

Anh La Hữu Lộc, sinh năm 1982, ở P. Thới An Đông, Q. Bình Thủy, TP. Cần Thơ vốn là kỹ sư công nghệ thông tin nhưng đã bỏ công việc làm công nghệ thông tin ở Singapore về Việt Nam thực hiện ước mơ nuôi lươn, mỗi năm lãi hơn 600 triệu đồng.

Anh Lộc đang chăm sóc lươn giống chuẩn bị xuất bán

Với niềm đam mê kinh doanh và tinh thần học hỏi, chịu khó và hơn hết anh nhận thấy ở con lươn đồng có tiềm năng và nhu cầu của thị trường lớn nên anh đã chọn nuôi và gắn bó với nghề nuôi lươn giống và lươn thương phẩm. Để thực hiện ước mơ, anh dùng hết số tiền dành dụm khi làm việc ở nước ngoài cộng thêm tiền mượn gia đình, được hơn 1 tỷ đồng mở trại nuôi lươn giống Tam Lộc với diện tích khoảng 3.000 m2, gần 70 bồn nuôi lươn. 

Thời gian đầu, anh gặp rất nhiều khó khăn, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc lươn nên 2  năm đầu tiên trại lươn thịt của anh phát triển không tốt, chỉ có năng suất 2 - 3 tấn/năm, lỗ vốn, tốn nhiều công sức. Nhưng thất bại không nản, mỗi lần có bệnh gì lạ, hay lươn có biểu hiện bất thường, anh đều học hỏi kinh nghiệm điều trị và ghi chép cẩn thận để rút kinh nghiệm. Nguyên nhân thất bại anh rút ra là do thiếu nguồn con giống chất lượng ổn định đó là yếu tố đầu vào. Những năm sau đó, do nguồn con giống có giới hạn và càng ngày ít đi, anh Lộc nuôi song song lươn thịt và ươm thêm con giống. Thời gian nuôi thử nghiệm lươn bố mẹ, cũng như lần đầu tiên nuôi lươn thịt, anh cũng vướng phải một số khó khăn. Dần dà, anh cũng nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật sản xuất ươm nuôi lươn bột. 

“Để có nguồn con giống tốt trước hết chọn lươn bố mẹ phải khỏe mạnh do đó phải chọn lựa cẩn thận những con khỏe, đẹp để làm giống. Điều quan trọng thứ hai là cần phải kỹ lưỡng chọn đất thích hợp cho lươn đẻ trứng. Bên cạnh đó, thời tiết là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng con giống sinh sản nhiều hay ít” - anh Lộc tâm sự.

Thấy hiệu quả nuôi lươn giống cao hơn lươn thịt, anh Lộc đã chuyển hẳn sang nuôi lươn giống. Hiện tại, với số lượng 30 bồn nuôi lươn bố mẹ, trang trại của anh mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 1 triệu con giống cho bà con chăn nuôi. 

Anh Lộc đang đầu tư mở rộng diện tích trang trại mua thêm trang thiết bị dụng cụ chăn nuôi. Về giá  lươn giống, tùy theo ngày tuổi và kích cỡ sẽ có giá bán khác nhau. Lươn giống kích cỡ từ 1.400 - 1.600 con/kg giá 3.000 đồng/con, từ 500 - 700 con/kg giá 4.000 đồng/con, từ 250 - 350 con/kg giá 5.000 đồng/con... Lợi nhuận hàng năm từ trại lươn giống của anh, từ bán lươn giống và bán lươn thương phẩm lãi trên 600 triệu đồng. Bà con nông dân đến mua lươn giống của anh về nuôi sẽ được trang trại hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, cũng như cách thức xây dựng trang trại sao cho phù hợp.

Với những thành công ban đầu, những kinh nghiệm quý báu, anh dự định sắp tới sẽ đầu tư thêm trang trại nuôi lươn thịt theo tiêu chuẩn VietGap để cho con lươn đồng vào siêu thị và thành lập tổ hợp tác chuyên thu mua bao tiêu lươn thịt cho bà con nông dân chăn nuôi; đưa nghề  nuôi lươn trở thành một trong những nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao ở đồng bằng sông Cửu Long.


Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (từ 10 - 16/10) Những dịch bệnh hại cần chú ý trong… Nông dân chế tạo máy băm rác mía Nông dân chế tạo máy băm rác mía