Tin nông nghiệp Chanh xuất khẩu sang Hàn Quốc tín hiệu vui cho nhà vườn huyện Cao Lãnh

Chanh xuất khẩu sang Hàn Quốc tín hiệu vui cho nhà vườn huyện Cao Lãnh

Tác giả Mỹ Lý, ngày đăng 07/04/2016

Chanh xuất khẩu sang Hàn Quốc tín hiệu vui cho nhà vườn huyện Cao Lãnh

Huyện Cao Lãnh là một trong hai địa phương của Đồng Tháp sở hữu diện tích trồng chanh lớn của tỉnh, với tổng diện tích 800ha, tập trung nhiều ở các xã Bình Thạnh, Mỹ Hiệp, Mỹ Long... Do chanh là loại cây ăn trái dễ trồng, đặc biệt có thể cho rải vụ quanh năm nên những năm gần đây nhiều nhà vườn ở địa phương phát triển mạnh diện tích trồng chanh.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều loại nông sản khác, khi phát triển diện tích, tăng sản lượng thì áp lực về thị trường cũng sẽ trở nên nặng nề hơn. Theo tính toán của nhà vườn, giá thành sản xuất chanh khoảng 5 ngàn đồng/kg, trong khi đó có nhiều thời điểm chanh rớt giá thảm chỉ còn 1.500 - 2.000 đồng/kg. Đây là vấn đề mà nhiều nhà vườn trăn trở khi gắn bó với loại cây trồng này.

Chú Đặng Văn Thủy - xã viên HTX sản xuất và tiêu thụ chanh Cao Lãnh chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, bắt đầu mùa mưa giá chanh thường rớt thảm. Có lúc giá chanh thấp tới mức thu hoạch mấy trăm ký chanh mà không đủ trả tiền nhân công, giá cả biến động liên tục, chúng tôi không thể nào trở tay kịp. Vì vậy, việc doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc thỏa thuận hợp tác thu mua sản phẩm chanh tươi của HTX khiến nông dân rất phấn khởi. Chúng tôi hi vọng DN Hàn Quốc sẽ làm ăn uy tín và giữ mối gắn kết lâu dài với HTX để sản phẩm chanh của nông dân có thị trường tiêu thụ ổn định”.

Thông tin về việc DN In Jae thực hiện hợp đồng mua sản phẩm chanh của HTX, ông Phạm Minh Cường - Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ chanh Cao Lãnh cho biết: Hiện tại, doanh nghiệp Hàn Quốc đã đồng ý với chất lượng và mẫu mã sản phẩm chanh của HTX. Theo đó, mỗi tháng HTX sẽ cung cấp sản phẩm chanh tươi 4 lần tại chợ đầu mối trái cây Mỹ Hiệp, mỗi đợt khoảng 20 tấn.

Yêu cầu họ đặt ra là sản phẩm chanh phải đảm bảo sản xuất theo quy trình VietGAP, mẫu mã và chất lượng phải đồng nhất. Sau khi thu hoạch, chanh phải được sơ chế, test dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hút chân không tại HTX. Theo thỏa thuận ban đầu, Công ty In Jae đồng ý mua chanh của HTX với mức giá 20 ngàn đồng/kg (mức giá cố định cho 6 tháng đầu năm) và 12 ngàn đồng/kg (cho 6 tháng cuối năm).

Bên cạnh những tín hiệu tích cực thì hiện tại HTX cũng gặp không ít khó khăn. Với nhu cầu thu mua 80 tấn/tháng, khoảng trên 1.000 tấn/năm, thì khả năng sản xuất của HTX chỉ đáp ứng vừa đủ. Tuy nhiên, trường hợp mùa vụ gặp khó khăn do thời tiết thì khả năng cung cấp của HTX sẽ gặp trở ngại. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ nhà vườn vẫn còn e dè với việc tham gia vào HTX, cũng như hình thức liên kết với DN nước ngoài còn quá mới mẻ với người nông dân.

Ông Phạm Minh Cường tâm sự, với các yêu cầu của phía DN Hàn Quốc, khả năng HTX có thể xoay sở được. Vấn đề vô cùng cần thiết hiện tại là vận động nhà vườn tham gia vào HTX để mở rộng vùng nguyên liệu. Bởi theo định hướng lâu dài, không những HTX xây dựng vùng nguyên liêu để đáp ứng yêu cầu của DN Hàn Quốc mà mô hình này còn hướng đến những phân khúc khách hàng khác, để tạo thế cạnh tranh cho sản phẩm chanh ở địa phương.

Cho biết về định hướng trong phát triển cây chanh của địa phương trong thời gian tới, bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Bí thư Huyện ủy Cao Lãnh thông tin, để đáp ứng nhu cầu của DN nhập khẩu, bên cạnh việc hướng dẫn nông dân duy trì sản xuất theo quy trình an toàn, địa phương cũng đang hỗ trợ HTX trong việc vận động nhà vườn tham gia vào HTX để có được sản lượng ổn định.

Sắp tới, địa phương sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng diện tích sản xuất chanh an toàn ở các xã lân cận để làm vệ tinh cung ứng cho HTX. Ngoài ra, các ngành chuyên môn của huyện đang hỗ trợ HTX trong việc nghiên cứu thiết kế mẫu mã bao bì phù hợp với yêu cầu của đối tác cũng như nghiên cứu cách bảo quản nhằm hạn chế hao hụt xuống mức thấp nhất khi vận chuyển.

Song song với việc định hướng nông dân sản xuất đáp ứng xuất khẩu, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi các DN chế biến đến địa phương đầu tư, nhằm đẩy mạnh chuỗi sản xuất phát triển theo chiều sâu, khai thác tối đa tiềm năng kinh tế cho nông dân từ sản xuất nông nghiệp.


Đồng Bằng Sông Cửu Long nơi xuống giống, nơi... chờ mưa Đồng Bằng Sông Cửu Long nơi xuống giống,… Phân bón Lâm Thao chiếm trọn niềm tin của nông dân xứ vải Phân bón Lâm Thao chiếm trọn niềm tin…