Chất Lượng Hải Sản Sau Thu Hoạch Nút Thắt Ở Khâu Bảo Quản
Theo thống kê, trữ lượng cá ở vùng biển Khánh Hòa khoảng 116.000 tấn, hàng năm cho phép khai thác hơn 70.000 tấn. Tuy nhiên, sản lượng hải sản đưa vào chế biến, xuất khẩu của tỉnh chỉ khoảng 50%. Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng hải sản sau thu hoạch không cao.
Chất lượng thấp
Lý giải về nguyên nhân chất lượng hải sản sau khai thác không cao, nhiều ý kiến cho rằng, tuy đội tàu khai thác trên địa bàn tỉnh có hơn 9.800 chiếc (hầu hết là tàu vỏ gỗ) nhưng chỉ có 1.200 chiếc khai thác xa bờ. Trong đó, chỉ có khoảng 500 chiếc đánh bắt khơi xa.
Tuy những tàu này được trang bị tương đối đầy đủ phương tiện, thiết bị khai thác, nhưng thiết bị bảo quản sản phẩm tiên tiến chưa được chú trọng đầu tư. Điều này khiến chất lượng thủy sản sau khai thác chưa đảm bảo, hiệu quả của các chuyến đi biển giảm sút.
Ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa cho rằng: “Hiện nay, tổn thất sau thu hoạch đối với các nghề khai thác xa bờ lên đến 50 - 60%. Tồn tại lớn nhất trong khai thác xa bờ là công nghệ bảo quản sau thu hoạch trên tàu vỏ gỗ của ngư dân quá thô sơ.
Tuy đã có nhiều nghiên cứu để cải tiến trong cách bảo quản, nhưng đến nay vẫn chưa mang lại kết quả khả thi do không thể thay đổi kết cấu các hầm chứa trên tàu vỏ gỗ. Bên cạnh đó, nhiều chủ tàu không cải tiến hầm bảo quản để tăng chất lượng sản phẩm do lo ngại chi phí đầu tư...”.
Theo chia sẻ của ngư dân Nguyễn Ngọc Tân (chủ tàu KH99838 TS), từ trước đến nay, ngư dân thường bảo quản hải sản khai thác theo cách truyền thống là ướp nước đá xay. Với cách này, hầm bảo quản không đảm bảo kỹ thuật dẫn đến độ lạnh không đạt nên chất lượng sản phẩm sau khai thác giảm sút.
“Do thiếu kinh phí nên chúng tôi chưa thể trang bị hầm bảo quản tiên tiến. Mỗi chuyến biển đều kéo dài hơn 20 ngày, nên khi về đến bờ, hơn 60% lượng cá bị chê là chất lượng kém. Chất lượng hải sản không cao nên việc tiêu thụ gặp khó khăn, giá thấp”, ông Tân cho biết.
Nhiều phương pháp bảo quản tiên tiến
Để nâng cao chất lượng hải sản sau khai thác, đảm bảo hiệu quả mỗi chuyến biển, tăng lợi nhuận cho ngư dân, ngoài các yếu tố về dự báo ngư trường, ứng dụng trang thiết bị, kỹ thuật khai thác hiện đại, phát triển đội tàu dịch vụ..., việc đầu tư hệ thống và công nghệ bảo quản tiên tiến rất quan trọng, nhất là với các tàu khai thác xa bờ.
Do loại tàu này có thời gian bám biển dài ngày nên việc bảo quản hải sản bằng các công nghệ mới như: băng lỏng, lạnh thấm hay xây dựng hầm bảo quản bằng vật liệu dưới dạng bọt xốp polyurethane (PU)... sẽ nâng cao được chất lượng hải sản sau khai thác.
Ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Đức (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: “Với công nghệ lạnh thấm, giá trị đầu tư cho hệ thống bảo quản sử dụng công nghệ chỉ từ 350 đến 400 triệu đồng/hệ thống đối với tàu có công suất 800 - 1.200CV.
Công nghệ này sử dụng một hệ thống phát lạnh gồm: một máy lạnh công suất 20 mã lực, hệ thống ống trao đổi nhiệt lắp đặt xung quanh thân và đáy của hầm lạnh duy trì cho nước đá không tan chảy trong suốt quá trình tàu hoạt động trên biển. Việc lắp đặt cũng đơn giản, không chiếm nhiều không gian trên tàu. Hiện nay, công nghệ bảo quản trên đã được ngư dân một số địa phương sử dụng và đánh giá cao về hiệu quả”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản (Trường Đại học Nha Trang) cho hay, trước đây, ngư dân thường xây dựng hầm bảo quản bằng xốp ghép đã khiến cho hiệu suất sử dụng đá trong bảo quản chỉ đạt 50 - 60%; mức độ suy giảm chất lượng sản phẩm lên đến 30% trong vòng 15 ngày.
Còn với phương pháp xây dựng hầm bảo quản bằng vật liệu cách nhiệt dưới dạng bọt xốp PU, hầm được lót bằng inox (có thời gian sử dụng lên đến 20 năm).
Khi phun, bọt xốp PU sẽ bám chặt vào vách ngăn và mặt trong của vỏ tàu, giúp ngăn không cho thấm nước, giữ lạnh rất tốt. Nhờ vậy, khối lượng nước đá mang theo được sử dụng đạt đến 95%, chất lượng cá được đảm bảo...
Khó khăn lớn nhất của ngư dân trong việc đầu tư hệ thống bảo quản sản phẩm thủy sản sau khai thác chính là vốn đầu tư. Để tháo gỡ khó khăn này, trước đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 63 và Quyết định 65 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.
Qua đó tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để trang bị hệ thống bảo quản hải sản sau thu hoạch, khai thác. Mới đây nhất, Nghị định 67 của Chính phủ cũng có chính sách ưu đãi tín dụng dành cho ngư dân khi đóng mới tàu, trang bị trên tàu, trong đó có máy móc thiết bị bảo quản hải sản.
Ông Nguyễn Ngọc Tân cho biết: “Gia đình tôi đã có một chiếc tàu vỏ gỗ. Tôi đã đăng ký để vay vốn đóng thêm một chiếc tàu vỏ composite theo chính sách ưu đãi của Nghị định 67. Nếu được duyệt cho vay, tôi sẽ trang bị cho chiếc tàu này đầy đủ thiết bị, nhất là hệ thống bảo quản hải sản tiên tiến để vươn khơi.
Ra khơi bằng chiếc tàu hiện đại như thế, chắc chắn chất lượng sản phẩm khi đưa về bờ sẽ tăng, giá bán sẽ cao hơn nhiều. Một khi chuyến biển trở về hiệu quả, ngư dân sẽ yên tâm hơn để bám biển”.
Ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa: Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, bên cạnh quan tâm đến đóng mới tàu bằng loại vật liệu gì, thiết kế ra sao để phù hợp với ngành nghề khai thác, ngư dân còn rất quan tâm đến việc trang bị hệ thống bảo quản tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác nhằm gia tăng hiệu quả của mỗi chuyến biển.
Hiện nay, vấn đề khó khăn nhất là nâng cấp hệ thống bảo quản cho đội tàu vỏ gỗ hàng ngàn chiếc trên địa bàn. Nếu việc nâng cấp này thành công thì chắc chắn hiệu quả của ngành khai thác thủy sản sẽ tăng vượt bậc.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ