Chế phẩm sinh học dùng trong nuôi tôm thẻ chân trắng
Chế phẩm sinh học là gì ?
Chế phẩm sinh học, hay probiotics là hỗn hợp bổ sung các vi sinh vật sống tác động có lợi đối với vật chủ nhờ cải thiện hệ vi sinh vật trong ruột của vật chủ hoặc sống tự do trong môi trường, cải thiện việc sử dụng thức ăn hoặc tăng cường giá trị dinh dưỡng của thức ăn, cải thiện chất lượng nước của môi trường sống.
Ngoài ra probiotics còn được coi là một hệ vi sinh vật sống, là toàn bộ hoặc các thành phần của vi sinh vật có lợi cho sức khỏe vật chủ.
Thay cho việc tiêu diệt các bào tử vi khuẩn, chế phẩm sinh học được sản xuất với mục đích kích thích sự gia tăng các loài vi khuẩn có lợi trong ao.
Chế phẩm sinh học dùng trong nuôi tôm gồm các nhóm: Thức ăn bổ sung, tăng cường miễn dịch, gây màu, phân hủy mùn bã hữu cơ.
Chế phẩm sinh học dùng trong nuôi tôm rất đa dạng và phong phú về dòng loại, thành phần của chế phẩm là vi sinh vật sống có lợi cho tôm, cải thiện giá trị dinh dưỡng của nguồn thức ăn cung cấp, hổ trợ tiêu hóa, nâng cao khả năng kháng bệnh, ngoài ra còn tăng cường hệ miễn dịch cho tôm.
Cơ chế tác động của chế phẩm sinh học
Tăng cường phản ứng miễn dịch: Hỗn hợp của dòng vi khuẩn Bacillus và vibrio sp.
có ảnh hưởng tích cực đến sự tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng và có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại những ảnh hưởng của vi khuẩn Vibrio harveyi và vi rút đốm trắng.
Sự bảo vệ này được kích thích bởi hệ thống miễn dịch bằng cách gia tăng thực bào và sự hoạt động của kháng khuẩn.
Cung cấp dinh dưỡng đa lượng và vi lượng: Một số nghiên cứu cho rằng vi sinh vật có tác động có lợi trong quá trình tiêu hóa của động vật thủy sản.
Một số vi sinh vật có thể hổ trợ như nguồn thực phẩm bổ sung và hoạt động của hệ vi sinh trong đường tiêu hóa, có thể là nguồn cung cấp vitamin hoặc những acid thiết yếu cần thiết.
Tiết ra chất ức chế: một số vi khuẩn có lợi có thể sản xuất ra siderophores được ứng dụng trong chế phẩm sinh học để cạnh tranh với mầm bệnh bằng cách sản sinh ra siderophores và cạnh tranh sắt với tất cả các sinh vật cần sắt trong môi trường.
Trong nuôi thủy sản, Thalassobacter utilis có tác dụng ức chế chống lại vi khuẩn Vibrio anguillarum, giảm lượng vi khuẩn Vibrio sp.
trong nước ương, làm tăng tỷ lệ sống của ấu trùng tôm.
Cạnh tranh dinh dưỡng và năng lượng: Nhiều quần thể vi sinh vật cùng tồn tại trong cùng một hệ sinh thái thì sẽ có sự cạnh tranh về dinh dưỡng và năng lượng chủ yếu xảy ra ở nhóm dị dưỡng như cạnh tranh các chất hữu cơ.
Tương tác với thực vật thủy sinh: Theo các nghiên cứu gần đây một số dòng vi khuẩn có khả năng tiêu diệt một số loài tảo, đặc biệt là tảo gây ra hồng triều.
Những dòng vi khuẩn này có thể không tốt với bể ương ấu trùng bằng nước xanh, tuy nhiên nó sẽ có lợi cho sự phát triển quá mức của tảo trong ao nuôi.
Nhiều dòng vi khuẩn khác cũng có khả năng kích thích sự phát triển của tảo.
Cải thiện chất lượng nước: Một số loài thuộc nhóm vi khuẩn Bacillus (Bacillus subtilis, Bacillus licheniformis, Bacillus sp.,..) dùng để làm sạch môi trường nhờ khả năng sinh các enzyme (proteaza, amylaza, xenlulaza) phân hủy các hợp chất hữu cơ và kiểm soát sự phát triển quá mức của vi sinh vật gây bệnh do cơ chế cạnh tranh nguồn dinh dưỡng giữ cho môi trường luôn ở trạng thái cân bằng sinh học.
Nhóm vi khuẩn Bacillus có thể sản xuất ra hàng loạt enzyme-exo, nó rất có hiệu quả đối với việc phá vỡ các phân tử lớn như protein và chất béo.
Khi các dòng vi khuẩn Bacillus được thêm vào ao nuôi thường xuyên và ở mật độ cao, nó sẽ phân hủy các chất hữu cơ nhanh hơn những ao tự nhiên không có bổ sung vi khuẩn.
Vi khuẩn Bacillus sẽ khử đạm, làm giảm chất thải hữu cơ và sử dụng nitrate khi thiếu oxi, đặc biệt vi khuẩn phát huy hiệu quả đáng kể trên đáy ao.
Ứng dụng của chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản
Nuôi trồng thuỷ sản là một trong những nghề sử dụng tài nguyên thiên nhiên là đất và nước, luôn gắn bó với môi trường sinh thái, vừa phát triển một cách bền vững, lâu dài.
Việc sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước môi trường nuôi trồng thuỷ sản là một phương án tối ưu đang được sử dụng khá phổ biến hiện nay.
Việc sử dụng chế phẩm sinh học sẽ hạn chế sử dụng hoá chất và kháng sinh, tạo điều kiện thuận lợi nước ta bước vào thị trường khó tính một cách thuận lợi mà không phải gặp rào cản gì.
Các chế phẩm sinh học sử dụng trong nuôi trồng thủy sản hiện nay có thể chia làm 3 nhóm:
Nhóm 1: gồm các chế phẩm có tính chất Probiotic, gồm những vi sinh vật sống, chủ yếu là các vi khuẩn thuộc giống Bacillus, Lactobacillus, Saccharomyces, thường được trộn vào thức ăn cho Atemia, rotifer ăn trước khi cho các loại động vật thủy sản ăn.
Nhóm 2: gồm các vi sinh vật có tính đối kháng hoặc cạnh tranh với vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn Bacillus licheniformis, Bacillus sp, Vibrio alginolyticus.
Nhóm 3: gồm các vi sinh vật cải tạo môi trường nước như vi khuẩn Nitrosomonas, Nitrobacter, Actinomyces, các loài Bacillus khac nhau, các loài tảo, các vi khuẩn tía, không lưu huỳnh như Rhodobacter sp., Rhodospirillum, Rhodomicrobium vanneiell, R.
Palutris, Rhodopseudomonas viridis, các loại nấm Aspergillus orezae, Aspergillus niger, Rhizopus sp.
Sử dụng chế phẩm sinh học sẽ cải thiện môi trường rất tốt: Giảm các chất độc trong ao như NH3, H2S…Cải thiện màu nước, ổn định pH, cân bằng hệ sinh thái, phân huỷ các chất hữu cơ, phòng tảo nở hoa và hấp thu nguồn tảo chết, tăng lượng oxy hoà tan trong ao; giúp tôm hấp thụ thức ăn tốt, giảm hệ số tiêu thụ thức ăn, kích thích hệ miễn dịch và đề kháng bệnh; giảm sốc khi môi trường biến đổi.
Chế phẩm sinh học có ưu điểm hơn hẳn các loại hoá chất và kháng sinh ở chỗ hạn chế được tối đa độc tố gây hại cho tôm.
Thời điểm sử dụng chế phẩm sinh học trong ao nuôi tôm
Khi cải tạo ao chuẩn bị vụ nuôi: sử dụng chế phẩm vi sinh để cấy vào ao nuôi lúc mới lấy nước vào và trước khi thả tôm giống 2 ngày sẽ giúp mật số vi sinh có lợi có sẳn trong ao để hạn chế vi khuẩn gây hại có cơ hội phát triển.
Định kỳ sử dụng CPSH hàng tuần để trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng chống lại mầm bệnh cho tôm, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn đồng thời sử dụng định kỳ vi sinh xử lý môi trường nước cứ mỗi 5- 7 ngày dùng 1 lần, khi đáy ao gần cuối vụ nuôi bị dơ thì nên dùng CPSH trộn với Zeolite để xử lý đáy ao sẽ hiệu quả hơn.
Khi mật độ tảo trong ao nhiều, màu sậm, độ trong thấp hơn 30 cm hay màu nước thay đổi liên tục, bọt trong ao nhiều thì cũng nên sử dụng vi sinh để cắt tảo, xử lý tảo tàn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ