Tin thủy sản Chế phẩm sinh học giúp nuôi tôm thân thiện với môi trường?

Chế phẩm sinh học giúp nuôi tôm thân thiện với môi trường?

Tác giả Thái Thuận (Theo Thefishsite), ngày đăng 10/01/2020

Chế phẩm sinh học giúp nuôi tôm thân thiện với môi trường?

Một nghiên cứu mới đây đã chứng minh rằng, sử dụng chế phẩm sinh học khi sản xuất ấu trùng tôm thẻ chân trắng có thể giúp giảm lượng khí thải nhà kính và các chất ô nhiễm khác.

Nền tảng

Mặc dù nuôi tôm đã cải thiện kinh tế và tăng cường thực phẩm cho các nước, tuy nhiên, ngành này cũng tiêu tốn nhiều năng lượng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Sản xuất tôm có thể phá vỡ sự cân bằng sinh thái của môi trường xung quanh. Đặc biệt, đối với nuôi siêu thâm canh, thâm canh, chất thải của tôm chứa nhiều dinh dưỡng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tảo nở hoa, làm giảm ôxy trong nước; ngoài ra, nuôi tôm quy mô thâm canh cũng góp phần gia tăng phát thải khí nhà kính.

Để khắc phục tình trạng này, một số người nuôi tôm đã chuyển sang sử dụng chế phẩm sinh học. Việc sử dụng chế phẩm sinh học có thể cải thiện hệ tiêu hóa và phản ứng miễn dịch của tôm; đồng thời, ức chế sự phát triển của mầm bệnh và cải thiện chất lượng nước; đặc biệt, chế phẩm sinh học còn cho phép các nhà sản xuất duy trì năng suất trong khi vẫn có thể giảm tác động đối với môi trường.

Dựa trên sự thành công của ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm thương phẩm, các nhà khoa học sẽ thực hiện một thử nghiệm kiểm tra xem việc bổ sung chế phẩm sinh học có tác động tích cực đến giai đoạn sản xuất ấu trùng hay không?

Nghiên cứu

Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu, thông số kỹ thuật trong giai đoạn sản xuất ấu trùng của 15 trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) ở Mexico. Họ đã kiểm tra nhiệt độ nước, lượng chế phẩm sinh học (nếu có) được sử dụng trong quá trình sản xuất, trọng lượng ấu trùng, thức ăn, mật độ ương và số lượng lô sản xuất được mỗi năm. Sau khi thu thập dữ liệu này, các nhà khoa học đã thực hiện một phân tích so sánh để từ đó tạo ra một mô hình minh họa mối quan hệ giữa việc sử dụng chế phẩm sinh học và quá trình sản xuất ấu trùng tôm.

Dựa trên dữ liệu có sẵn, họ nhận thấy rằng, khi sử dụng chế phẩm sinh học, môi trường nước ổn định hơn và không cần phải thay nước thường xuyên. Cùng đó, chế phẩm sinh học cũng góp phần gia tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong nước, đảm bảo cho ấu trùng phát triển. Do việc trao đổi nước xảy ra ít hơn nên có thể kết luận rằng, sử dụng chế phẩm sinh học sẽ làm giảm chi phí năng lượng chung cho người nuôi.

Bên cạnh đó, theo các nhà khoa học, ở các trang trại sử dụng chế phẩm sinh học nồng độ chất dinh dưỡng trong nước thải được giảm đi đáng kể, điển hình là nitơ và phốt pho, nồng độ chất độc cũng thấp hơn so với những nơi không sử dụng. Đặc biệt, lượng khí thải CO2 cũng giảm khá nhiều, kết quả nghiên cứu cho thấy, CO2 giảm khoảng 55% khi sử dụng chế phẩm sinh học. 

Kết luận

Các tác giả của nghiên cứu nhấn mạnh, nghiên cứu này là một đánh giá sơ bộ - họ sẽ cần thực hiện đánh giá vòng đời (LCA) để thấy được tác động toàn diện của việc sử dụng chế phẩm sinh học và đưa ra kết luận cụ thể. Do tính chất thăm dò của nghiên cứu, các tác giả đã không cung cấp loại hoặc liều lượng chế phẩm sinh học được sử dụng trong các trang trại. Ngoài ra, các tác giả cũng lưu ý rằng, dữ liệu sản xuất từ nhiều trang trại ở các khu vực khác nhau sẽ là cơ sở giúp khẳng định thông tin chính xác cho nghiên cứu này. Tuy nhiên, dựa trên các kết quả và phân tích từ nghiên cứu này, các tác giả đưa ra kết luận rằng, bổ sung chế phẩm sinh học có thể trở thành yếu tố cốt lõi trong sản xuất ấu trùng tôm bền vững và đóng góp đáng kể cho các sáng kiến phát triển ngành tôm bền vững.

 


Biện pháp chống rét cho thủy sản Biện pháp chống rét cho thủy sản Nuôi tôm nhiều giai đoạn trong nhà kính tại Hà Tĩnh Nuôi tôm nhiều giai đoạn trong nhà kính…