Tin nông nghiệp Chìa khóa giảm giá thành sản xuất lúa ở ĐBSCL

Chìa khóa giảm giá thành sản xuất lúa ở ĐBSCL

Author Lê Hoàng Vũ - Văn Vũ, publish date Tuesday. March 15th, 2022

Chìa khóa giảm giá thành sản xuất lúa ở ĐBSCL

Giảm chi phí sản xuất đang là bài toán lớn cho sản xuất lúa trong bối cảnh giá nhiều loại vật tư tăng cao. Nhờ Dự án VnSAT, bài toán này đã có lời giải.

Cùng với cơ giới hóa trong sản xuất, các quy trình canh tác lúa tiên tiến từ Dự án VnSAT đã giúp nông dân Đồng Tháp giảm nhiều chi phí. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Giảm nhiều chi phí nhờ canh tác tiên tiến, liên kết sản xuất

Trong hai năm qua, giá vật tư nông nghiệp luôn tăng cao, nhất là giá phân bón và thuốc BVTV gây không ít khó khăn cho nhà nông, chưa kể đến vấn đề sâu bệnh và thời tiết bất thường ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với cây lúa.

Trước những thách thức đó, nhiều nông dân ở Đồng Tháp đã mạnh dạn duy trì và phổ biến rộng rãi việc áp dụng các giải pháp giảm giá thành trong sản xuất lúa như “Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), mô hình sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước, ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0, mô hình áp dụng “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Qua đó, đã giúp người trồng lúa giảm được nhiều khoản chi phí sản xuất thông qua giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân đạm dư thừa, giảm số lần phun thuốc BVTV, giảm lượng nước tưới và thất thoát sau thu hoạch. Từ đây, các kỹ thuật mới đã góp phần tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận tăng trên cùng một diện tích sản xuất.

Có trong tay 5 ha đất sản xuất lúa làm 3 vụ/năm, kể từ vụ lúa đông xuân 2019 - 2020, gia đình ông Lâm Hùng Phong (xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, Đồng Tháp) từ sản xuất lúa theo cách tập quán cũ đã mạnh dạn thực hiện các biện pháp sản xuất lúa giảm giá thành, ứng dụng các kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” theo hướng dẫn của Dự án VnSAT. Ông Phong còn tham gia liên kết sản xuất lúa giống với doanh nghiệp nên nhiều vụ lúa qua gia đình tiết giảm được nhiều chi phí sản xuất, không phải lo đầu ra.

Ông Phong cho biết: Trong quá trình canh tác lúa luôn tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất lúa giống cho doanh nghiệp liên kết. Bên cạnh đó, được sự hướng dẫn và ứng dụng các quy trình sản xuất từ Dự án VnSAT nên đã giảm được nhiều chi phí về giống, phân bón, thuốc BVTV… Đặc biệt, được doanh nghiệp ký hợp đồng sản xuất giống nên đầu ra ổn định và giá bán cao hơn thị trường từ 500 - 1.000 đồng/kg. Do vậy lợi nhuận của gia đình ông Phong luôn cao hơn rất nhiều so với sản xuất lúa thông thường.

“Riêng phần kỹ thuật, tôi luôn tranh thủ thời gian để tham gia bằng được các khóa học tập huấn của Dự án VnSAT chuyển giao các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa về “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”. Từ đó, bà con đã thay đổi tư duy sản xuất từ truyền thống sang kinh tế nông nghiệp, thực hiện đúng quy chuẩn kỹ thuật nhằm giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm giúp việc liên kết làm ăn của bà con với doanh nghiệp được lâu dài hơn”, ông Phong nói.

Đồng bộ cơ giới hóa với quy trình sản xuất thông minh

Tại huyện Tháp Mười, nhiều nông dân nơi đây cũng thấy được lợi ích của việc áp dụng các biện pháp giảm giá thành trong sản xuất lúa và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Từ hiệu quả của Dự án VnSAT, nhiều nông dân ở ngoài vùng của Dự án cũng đã nhận thức được vấn đề này và mạnh dạn đăng ký tham gia các mô hình cánh đồng liên kết với các doanh nghiệp.

Lão nông Nguyễn Hồng Phước, năm nay 61 tuổi ở Ấp 4, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười có 7 ha đất lúa đã 6 năm áp dụng biện pháp kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, trong canh tác lúa đều sử dụng cơ giới hóa. Ông Phước dí dỏm: "Bây giờ cái gì cũng tăng giá, nông dân sợ nhất là giá vật tư nông nghiệp tăng cao, trong khi đó lúa sản xuất ra mà bán không có giá rất dễ đi Bình Dương làm công nhân!".

Nhiều năm nay, gia đình ông Phước rất chú trọng áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới nhằm giảm giá thành sản xuất lúa. Nhờ cơ giới hóa từ khâu làm đất, cấy lúa bằng máy, phun thuốc bằng máy, rải phân bằng máy và ứng dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”, đã giúp giảm chi phí sản xuất từ 25 - 30% so với cách sản xuất lúa theo truyền thống trước đây.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX Thắng Lợi ở huyện Tháp Mười chia sẻ thêm: HTX Thắng Lợi là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia mô hình “cánh đồng liên kết” của tỉnh Đồng Tháp từ những năm 2010. Mô hình cánh đồng liên kết được áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành, tăng năng suất và chất lượng lúa gạo.

Bên cạnh đó, HTX còn nhờ Dự án VnSAT tiếp sức, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc và tập huấn cho nông dân trong HTX về các ứng dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và cơ giới hóa đồng ruộng… Đến nay, có trên 90% diện tích lúa của HTX đã chuyển từ sạ thủ công sang sạ hàng bằng máy hoặc cấy bằng máy, giúp nông dân tiết kiệm 60 kg lúa giống/ha/vụ và giảm 15 kg phân bón/ha. Các khâu làm đất, tưới tiêu và thu hoạch lúa của HTX cũng được cơ giới hóa hoàn toàn 100%.

Sản xuất lúa theo kỹ thuật hiện đại giúp HTX tiết kiệm 250 - 400 đồng/kg lúa thương phẩm, chênh lệch lợi nhuận khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/ha so với phương pháp sản xuất cũ. Chi phí sản xuất giảm, thị trường tiêu thụ được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của thành viên, nông dân liên kết của HTX Thắng Lợi ngày càng được nâng cao. Hiện, 100% thành viên, hộ liên kết của HTX đã thoát nghèo, hàng chục hộ vươn lên làm giàu” ông Hùng phấn khởi.

Ông Bùi Văn Sơn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) cho biết: Trong nhiều năm qua, việc áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” là chìa khóa then chốt giúp nông dân sản xuất lúa trên địa bàn huyện giảm được giá thành trong sản xuất lúa, nhưng năng suất vẫn ổn định, lợi nhuận ngày được tăng lên.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện đẩy mạnh khuyến cáo nông dân cần áp dụng rộng rãi hơn nữa về các tiến bộ khoa học kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” hay các chương trình của Dự án VnSAT để triển khai sâu rộng nhằm giúp nông dân nâng cao trình độ sản xuất lúa ở tầm cao mới.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp địa phương còn tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân, các HTX, tổ hợp tác nâng cao ý thức làm ăn tập thể, liên kết sản xuất cũng như việc ứng dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành trong sản xuất.


Bước tiến dài nâng cao kỹ thuật canh tác lúa Bước tiến dài nâng cao kỹ thuật canh… Giống ngô sinh khối SSC586 chiếm trọn niềm tin nông dân Giống ngô sinh khối SSC586 chiếm trọn niềm…