Tin thủy sản Chiếm giữ thị trường nội địa cho cá tra

Chiếm giữ thị trường nội địa cho cá tra

Tác giả Đào Văn Hồ, ngày đăng 08/07/2017

Chiếm giữ thị trường nội địa cho cá tra

Cùng với việc giữ vững các thị trường XK truyền thống như Mỹ, EU…, trong năm 2017, thị trường nội địa, nhất là thị trường phía Bắc và tiềm năng của thị trường Trung Quốc sẽ được Bộ NN-PTNT đặt làm trọng tâm cho chiến lược phát triển thị trường cá tra.

Là mặt hàng XK chủ lực, tuy nhiên cá tra vẫn là thực phẩm rất mới ở các tỉnh phía Bắc nước ta

Để khởi động cho chiến lược này, từ ngày 6 – 8/10/2017, một hội chợ chuyên đề lớn chuyên về sản phẩm cá tra sẽ được Bộ NN-PTNT tổ chức tại Hà Nội. NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Đào Văn Hồ, GĐ Trung tâm XTTM nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), đơn vị được Bộ NN-PTNT triển khai thực hiện hội chợ này.

Đây là lần đầu tiên, một hội chợ chuyên biệt về một loại sản phẩm, cụ thể là sản phẩm cá tra được tổ chức. Vì sao Bộ NN-PTNT quyết định ưu tiên một hội chợ quy mô lớn chỉ dành riêng cho mặt hàng này, thưa ông?

Năm 2016, kim ngạch XK cá tra của nước ta đạt khoảng 1,67 tỷ USD, là một trong những mặt hàng thủy sản XK chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, các thị trường XK chính tập trung chủ yếu như Mỹ (20%), EU, ASEAN, Mexico… Theo đánh giá, mặc dù dư địa và năng lực SX của ngành cá tra của Việt Nam còn rất lớn, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa thể mở rộng được SX do thị trường tới nay vẫn có hạn, đặc biệt là thị trường nội địa và thị trường Trung Quốc vốn vẫn còn tiềm năng lớn nhưng chưa khai thác được.

Ở trong nước, nếu như tại phía Nam, người tiêu dùng lâu nay đã khá quen thuộc với mặt hàng cá tra thì tại phía Bắc, đây vẫn đang là mặt hàng khá lạ lẫm. Vì vậy ngay từ hội nghị về cá tra tại An Giang cuối năm 2016, Bộ NN-PTNT đã chủ trương trong năm 2017, sẽ phải từng bước vực dậy sức tiêu thụ sản phẩm cá tra tại thị trường nội địa, trong đó chủ yếu là tiềm năng tiêu dùng còn bị bỏ ngỏ ở các tỉnh phía Bắc và thị trường Trung Quốc. Hội chợ cá tra là một trong những hoạt động trọng điểm để quảng bá, thúc đẩy thói quen tiêu dùng cá tra trong nước. Đây cũng là dịp để thu hút sự tham gia của các DN Trung Quốc, nhất là các tỉnh giáp với biên giới phía Bắc nước ta.

Hiện tại, Bộ NN-PTNT đã có quyết định về việc ban hành kế hoạch tổ chức Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam tại Hà Nội. Với tầm quan trọng của sự kiện này, Bộ NN-PTNT cũng đã thành lập Ban chỉ đạo và tổ công tác tổ chức hội chợ do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám làm trưởng ban cùng đại diện lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Cá tra Việt Nam…

Xin ông cho biết về quy mô, thành phần tham gia cũng như những sự kiện quan trọng sẽ diễn tại hội chợ?

Theo kế hoạch đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt, hội chợ có quy mô 100 gian hàng, bao gồm 4 khu vực chuyên đề chính gồm: Khu giới thiệu sản phẩm cá tra (50 gian hàng); khu giới thiệu sản phẩm dịch vụ phụ trợ của ngành cá tra (15 gian hàng); khu ẩm thực cá tra (10 gian hàng) và khu vực giới thiệu các sản phẩm thủy sản khác với 25 gian hàng. Theo kế hoạch trong tháng 7/2017, Ban chỉ đạo hội chợ sẽ làm việc chi tiết với các DN cá tra lớn của nước ta để bàn bạc các kế hoạch cụ thể cho hội chợ.

Ông Đào Văn Hồ

Bên cạnh các DN sản xuất và XK cá tra lớn tại các tỉnh phía Nam, hội chợ sẽ có sự góp mặt của một số DN về ngành hàng thủy sản khác, trong đó có các tỉnh mạnh về thủy sản tại phía Bắc như Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa… Trung tâm XTTM Nông nghiệp cũng đã làm việc với thương vụ Việt Nam tại các tỉnh có chung biên giới với Việt Nam như Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông của Trung Quốc và gửi giấy mời tham gia hội chợ tới các đối tác và DN lớn của phía bạn...

Thu hút DN của Trung Quốc là một trong những kỳ vọng lớn của hội chợ cá tra sắp tới. Ông có thể chia sẻ thông tin và đánh giá về triển vọng thị trường cá tra của Việt Nam tại thị trường này?

Vừa qua, Trung tâm XTTM Nông nghiệp đã làm việc với Thương vụ Việt Nam tại Vân Nam, qua đó các đối tác Trung Quốc cho biết họ có nhu cầu cao và đánh giá rất tốt về sản phẩm cá tra của Việt Nam. Vân Nam là tỉnh không có biển nên nhu cầu về thủy hải sản rất lớn. Việc XK thủy sản trước đây của Việt Nam sang Vân Nam đa số đều qua cửa khẩu Móng Cái, qua Quảng Tây, sau đó mới vòng lên rất xa xôi. Tuy nhiên hiện nay, Trung Quốc đã xây dựng xong đường cao tốc nối từ cửa khẩu Lào Cai về thẳng Vân Nam. Theo đó tại TP Mông Tự (tỉnh Vân Nam) cũng đã xây dựng một khu kho ngoại quan rất lớn ở giữa đoạn trung chuyển để hàng hóa từ Việt Nam XK sang làm thủ tục hải quan. Tôi cho rằng đây sẽ là điều kiện rất tốt để hàng thủy sản nói riêng, trong đó có cá tra của Việt Nam có thể đẩy mạnh XK sang thị trường Vân Nam thông qua trục cao tốc Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai – Vân Nam, bởi thời gian vận tải từ Hải Phòng qua tới Vân Nam chỉ còn khoảng một buổi.

Xin cảm ơn ông!

"Ở phía Bắc, cá tra vẫn là một sản phẩm rất mới mẻ, vì vậy công tác truyền thông, quảng bá để thu hút người tiêu dùng, nhất là tại thị trường Hà Nội tới tham quan, nếm thử các sản phẩm ẩm thực từ cá tra sẽ là một trong những hoạt động trọng tâm mà Ban tổ chức hội chợ sẽ đặc biệt chú trọng. Theo kế hoạch, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức hai cuộc họp báo (một vào tháng 8/2017 và một cuộc thời điểm sắp diễn ra hội chợ), đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí để thông tin, quảng bá, giới thiệu rộng rãi về các hoạt động của hội chợ."


Tiềm năng nuôi cá biển công nghiệp còn rất lớn Tiềm năng nuôi cá biển công nghiệp còn… Doanh nghiệp trong và ngoài nước về tận ao tôm, hai bên đều có lợi Doanh nghiệp trong và ngoài nước về tận…