Chim - thu - nhụ - đé đang được nghiên cứu, mở ra nhiều triển vọng mới
Hiện nay, nhiều đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao như cá nhụ, cá chim, cá bè vẩu... đang được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 tập trung nghiên cứu, sớm đưa ra SX, thậm chí đã có sản phẩm XK.
Môi trường thủy sản nuôi đang ngày càng suy thoái
Cùng với nhiều đối tượng hải sản như cá, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, tôm... đã được nghiên cứu thành công nguồn giống và đưa vào SX, những hải sản nức tiếng biển khơi “chim - thu - nhụ - đé” cũng đang được nghiên cứu, mở ra nhiều triển vọng mới cho nghề nuôi biển.
Trao đổi với NNVN, PGS.TS Phan Thị Vân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 (Bộ NN-PTNT) cho biết: Bên cạnh một số đối tượng cá biển đã được nghiên cứu chọn tạo giống thành công và đưa ra SX trên diện rộng như hàng chục loài cá song, cá vược, cá giò, cá rô biển..., hiện nay, nhiều đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao như cá nhụ, cá chim, cá bè vẩu... đang được Viện tập trung nghiên cứu, sớm đưa ra SX, thậm chí đã có sản phẩm XK. Bên cạnh đó, việc hiện đại hóa cho nghề nuôi biển cũng đang được các nhà khoa học đưa ra các giải pháp, nhất là trong điều kiện rủi ro về thiên tai, mưa bão ngày càng phức tạp.
Nuôi hải sản mặn - lợ đang có dư địa vô cùng lớn, ngày càng khẳng định lợi thế, làm giàu cho nhiều khu vực ven biển. Tuy nhiên, thiên tai, nhất là mưa bão cũng tiềm ẩn rủi ro rất lớn, trong đó thiệt hại do cơn bão số 12 vừa qua tại các tỉnh Nam Trung Bộ là một điển hình. Theo bà, chiến lược nào để có thể hạn chế những rủi ro này?
Thiệt hại nghiêm trọng từ điển hình của cơn bão số 12 vừa qua đang đặt ra cho ngành thủy sản cần phải có chiến lược để hiện đại hóa nghề nuôi biển. Song song với đầu tư hạ tầng cho các vùng nuôi của nhà nước, bản thân người nuôi lồng bè cũng phải dần tiến tới việc đầu tư hạ tầng lồng bè nuôi theo hướng hiện đại, bền vững để đối phó với rủi ro thiên tai.
Vừa qua, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 đã triển khai đề tài nghiên cứu nuôi cá biển bằng lồng bè bằng công nghệ cao của Na Uy. Trong cơn bão số 12, trong khi hầu hết các lồng bè được xây dựng bằng vật liệu và công nghệ truyền thống gần như bị xóa sổ sau bão, thì các lồng bè bằng công nghệ Na Uy của Viện tại khu vực vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) vẫn nguyên vẹn, không hề bị thiệt hại. Đây là mô hình rất tốt, hoàn toàn nằm trong khả năng đầu tư của người dân. Thiết nghĩ, việc thay đổi công nghệ lồng bè hiện nay cần phải được ngành thủy sản ưu tiên hỗ trợ cho người dân.
PGS.TS Phan Thị Vân
Bên cạnh thiên tai, hiện nay nhiều khu vực nuôi thủy hải sản cũng đang đối mặt rất lớn rủi ro do ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Bà có thể đưa ra cảnh báo cụ thể đối với các vùng nuôi tại khu vực các tỉnh phía Bắc?
Hiện nay, vùng nuôi thủy sản nước ngọt lồng bè với các đối tượng như rô phi, cá nheo Mỹ chủ yếu tập trung ở hệ thống lòng hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, ngược trở xuống hạ du thuộc các tỉnh ĐBSH như Hà Nội, Hải Dương... Đối với nuôi thủy sản nước ngọt, chất lượng nguồn nước ở hệ thống sông Hồng thuộc khu vực từ Hà Nội trở lên và các lòng hồ nhìn chung là tương đối tốt. Tuy nhiên khu vực sông từ Hà Nội trở xuống các tỉnh hạ nguồn thì mức độ ô nhiễm đã khá nặng nề, nguyên nhân chủ yếu do chất thải đô thị và các khu công nghiệp.
Đối với nuôi thủy sản mặn lợ, đối tượng chủ lực nhất là tôm, ngao, cá..., rải rác dọc các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh tới Hà Tĩnh. Trong đó, chúng tôi nhấn mạnh nhất nguy cơ đối với tôm hiện nay chính là khu vực Móng Cái (Quảng Ninh). Đây là vùng nuôi có diện tích rất lớn, đa số được người dân đầu tư với công nghệ cao và nguồn vốn rất lớn. Tuy nhiên kết quả quan trắc của chúng tôi tại vùng này cho thấy chất lượng nguồn nước cũng như nhiều nguy cơ dịch bệnh rất nguy hiểm, gần như bệnh gì ở đây cũng có. Mặc dù nhờ nuôi theo công nghệ cao, được xử lí can thiệp bằng các loại chế phẩm nên chưa bùng lên dịch bệnh lớn, tuy nhiên về dài hạn, người nuôi ở vùng này cần phải hết sức cảnh giác.
Đối với nhuyễn thể hai mảnh vỏ và các loại cá nước ngọt, hiện nay nguy cơ về ô nhiễm hữu cơ là rất cao tại các tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đặc biệt đối với Hà Tĩnh, kết quả quan trắc năm 2016 cho thấy hàm lượng các loại kim loại nặng có xu hướng tăng cao ở giai đoạn cuối vụ. Đây là dấu hiệu mà ngành thủy sản Hà Tĩnh cần phải hết sức lưu ý.
Các loài thủy - hải sản chất lượng, giá trị cao đang là xu thế phát triển mạnh ở các địa phương. Bà có thể tiết lộ một số đối tượng nuôi mới có triển vọng mà Viện đang hướng tới?
Trước đây, các dòng cá nước ngọt của Viện như rô phi, cá chép lai 3 máu V1, cá nước lạnh như cá hồi, cá tầm, cá trắng... đã từng ghi dấu ấn thành công của Viện và đã góp phần thay đổi mạnh mẽ hoạt động nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh phía Bắc. Năm 2016, hàng loạt các giống mới có giá trị cao của Viện cũng đã ra mắt, được Bộ NN-PTNT công nhận như tôm sú chọn dòng Moana - V1, cá rô phi chọn giống mặn lợ thế hệ G5, tôm thẻ chân trắng thế hệ G1... Đây đều là các giống thủy sản rất có triển vọng.
Cá nhụ, đặc sản biển nức tiếng đang có nhiều triển vọng phát triển
Từ năm 2000 đến nay, hoạt động nghiên cứu các đối tượng nuôi mặn – lợ đang là mảng nghiên cứu rất nhiều triển vọng. Các đối tượng hiện đã thành công về công nghệ SX giống và quy trình nuôi, đã phát triển mạnh trên diện rộng như cá giò, cá song, cá hồng Mỹ, cá vược, cá sủ...; nhuyễn thể 2 mảnh vỏ như hàu Thái Bình Dương, tu hài, nghêu Bến Tre... Bên cạnh đó, Viện đang tập trung nghiên cứu và đã có những thành công cơ bản đối với việc SX giống lẫn quy trình nuôi một số loài cá biển đặc sản như cá bè vẩu, cá chim biển, cá nhụ..., trong đó, triển vọng nhất hiện nay đang là cá chim biển và cá nhụ.
Hiện nay, Viện đã có đàn cá bố mẹ, làm chủ được công nghệ SX giống và quy trình nuôi đối với cả 2 đối tượng đặc sản là cá chim biển và cá nhụ. Năm 2016-2017, cá chim biển đã được Viện nuôi thành công khi nuôi kết hợp với mô hình bè nuôi công nghệ Na Uy tại vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) và đã XK được sang thị trường Mỹ. Mặc dù lượng XK chưa lớn nhưng đây là đối tượng nuôi được các thị trường XK cao cấp rất ưa chuộng.
Thời gian tới, Viện đã đặt kế hoạch nuôi khoảng 200 tấn/vụ theo đơn đặt hàng của đối tác Mỹ. Đây sẽ là đối tượng nuôi có thể mở ra rất mạnh mẽ trong thời gian tới. Cá nhụ cũng là đối tượng nuôi đặc sản rất triển vọng, do giá trị rất cao (giá thị trường dao động từ 900 nghìn - 1,2 triệu đồng/kg), cá sinh trưởng khá (từ 600 - 700 g/năm)... Cả cá chim và cá nhụ đều là các đối tượng nuôi có ưu điểm là có thể áp dụng hình thức nuôi rất linh hoạt, vừa có thể sử dụng thức ăn công nghiệp viên nén, vừa có thể sử dụng thức ăn cá tạp nên việc đáp ứng nhu cầu thức ăn khá dễ.
Xin cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ