Chinh phục bằng chất lượng
Sản phẩm cá tra chế biến phải đáp ứng quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản của Việt Nam và các nước nhập khẩu. Theo quy định tại Điều 6, Chương II của Nghị định 36, tỷ lệ mạ băng đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu phải phù hợp với nước nhập khẩu.
Các trường hợp khác tỷ lệ mạ băng không quá 10%; hàm lượng nước tối đa không vượt quá 83% so với khối lượng tịnh của sản phẩm. Đây được xem là yêu cầu quan trọng để doanh nghiệp từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới, đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính.
Thực tế cho thấy, tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước trong cá có một phần công dụng để bảo quản cá trong quá trình cấp đông trước khi xuất khẩu. Tuy nhiên, thời gian qua có không ít doanh nghiệp lợi dụng việc quay tăng trọng để hạ giá thành sản phẩm, cạnh tranh không lành mạnh.
Mặt khác, vẫn có một số thị trường sẵn sàng chấp nhận sản phẩm có tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước cao với mức giá thấp đáp ứng yêu cầu của phân khúc thị trường cấp thấp. Đến cuối năm 2014, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đã được gia hạn thời gian thực hiện Nghị định 36 và được xuất khẩu sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh có tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước cao hơn quy định của Nghị định này đến cuối năm 2015. Đây được xem là điều kiện để doanh nghiệp có thể giải phóng lượng hàng tồn đã được chế biến theo tỷ lệ cũ.
Song, không ít ý kiến tỏ ra lo ngại nếu đến cuối năm 2015, các doanh nghiệp thủy sản lại tiếp tục xin Chính phủ gia hạn việc áp dụng hàm lượng nước trong cá tra không quá 83% sẽ tiếp tục làm chậm lộ trình nâng chất lượng, tái cơ cấu ngành hàng.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh thủy sản cho rằng, đa phần thị trường xuất khẩu không có quy định cụ thể về 2 tiêu chí trên và tạm thời vẫn chấp nhận các sản phẩm có hàm lượng nước trên 83% với mức giá thấp hơn so với các sản phẩm có hàm lượng nước và tỷ lệ mạ băng thấp.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có uy tín trên thương trường lại ủng hộ quan điểm xuất khẩu các sản phẩm có hàm lượng nước trong cá không quá 83%. Bởi nếu lượng nước cao hơn mức này sẽ thương tổn đến hình ảnh cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới. Mặt khác, từ tháng 12-2014, thị trường EU đã đặt ra yêu cầu mới về việc dán nhãn thực phẩm.
Về trọng lượng sản phẩm, các siêu thị lớn yêu cầu nhà cung cấp phải biểu thị cả trọng lượng gộp và trọng lượng tịnh của sản phẩm thủy sản. Đồng thời yêu cầu phải có thông tin trên nhãn mác về ngày đầu tiên cấp đông sản phẩm. Điều này chứng tỏ, yêu cầu thị trường ngày càng khắt khe hơn và buộc các doanh nghiệp phải có sự điều chỉnh sao cho phù hợp.
Do đó, việc Chính phủ gia hạn thêm 1 năm sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có sự thích ứng từng bước và kịp thời thông tin đến khách hàng nhập khẩu những thay đổi về chất lượng kèm theo là giá cả để khách hàng sẵn sàng chấp nhận. Khi đó, khách hàng sẽ có thêm cơ hội thưởng thức các sản phẩm cá tra tươi ngon, chất lượng đúng với bản chất sản phẩm cá tra Việt Nam từ trước đến nay.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh những tiêu chí chất lượng đối với sản phẩm cá tra phi lê, cần có những giải pháp căn cơ để quản lý chất lượng ngay từ khâu đầu vào. Theo đó, cần khắc phục những hạn chế yếu kém ngay từ vùng nuôi cá tra nguyên liệu.
Đặt mục tiêu xây dựng những vùng nuôi đạt chuẩn với tỷ lệ cá tra ương nuôi đạt tỷ lệ sống cao, giảm thất thoát, hạ giá thành đầu vào. Tạo ra năng lực cạnh tranh cao từ chi phí sản xuất thấp, chất lượng cao. Bởi lẽ, giảm nguồn cung để tăng giá chưa hẳn là giải pháp phù hợp mà là phải ổn định nguồn cung. Nếu giảm cung có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động chế biến của các nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra và có khả năng sản phẩm cá tra của Việt Nam sẽ bị thay thế bằng sản phẩm thủy sản khác.
Nâng chất lượng vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu cá tra đầu vào phục vụ chế biến là quan trọng. Vấn đề đáng lo ngại hiện này là các hộ nuôi nhỏ lẻ vẫn chưa hiểu nhiều về Nghị định 36 và các yêu cầu bắt buộc phải tuân thủ theo Nghị định này. Do đó, cần đẩy mạnh rà soát, quản lý diện tích nuôi theo quy hoạch cụ thể của từng địa phương, khâu nuôi phải đảm bảo từ con giống đầu vào đến công nghệ sản xuất, chế biến của doanh nghiệp.
Năm 2014, ngành hàng cá tra được đánh giá ít biến động so với những năm trước do có ảnh hưởng đôi chút từ việc thực hiện Nghị định 36 về sắp xếp quy hoạch vùng nuôi, cân đối sản lượng xuất khẩu. Do đó, năm 2015-2016 sẽ là giai đoạn sắp xếp hiệu quả chuỗi giá trị ngành hàng.
Nghị định 36 của Chính phủ được xem là đóng vai trò thiết kế lại nền móng vững chắc cho ngành hàng cá tra, củng cố hình ảnh Cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới. Thực hiện Nghị định 36, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đang tập trung triển khai các hoạt động đào tạo, hỗ trợ khu vực nuôi thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP và mở rộng các tiêu chuẩn quốc tế khác như ASC, BAP, GlobalGAP…
Song song đó, Hiệp hội cũng kiến nghị về lộ trình thực hiện tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước trong cá tra xuất khẩu phải đảm bảo theo Nghị định 36 gắn với thực tiễn thị trường quốc tế song vẫn đảm bảo hoạt động ổn định của doanh nghiệp. Có như vậy quá trình tái cấu trúc ngành hàng cá tra của Việt Nam sẽ tuân theo lộ trình phù hợp với khả năng của các tác nhân trong chuỗi và phù hợp với thị trường thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ