Tin nông nghiệp Chinh phục đất phèn thành công bằng cây bưởi Năm Roi

Chinh phục đất phèn thành công bằng cây bưởi Năm Roi

Tác giả Thành Hiệp, ngày đăng 06/09/2017

Chinh phục đất phèn thành công bằng cây bưởi Năm Roi

Trước khi xuống giống nhiều người đã khuyên ông không nên trồng cây có múi vì đây là vùng đất phèn, 6 tháng ngọt, 6 tháng mặn, cây bưởi làm sao sống nổi trên vùng đất khó!

Ông Ông Văn Hùng giới thiệu những trái bưởi Năm Roi do ông chăm sóc

Cù Lao Dung là địa danh một huyện cù lao nằm ở cuối nguồn sông Hậu, tỉnh Sóc Trăng - “thủ phủ” của cây mía. Hiện Cù Lao Dung gốm 1 thị trấn và 7 xã. Về nông nghiệp, ngoài cây mía, Cù Lao Dung còn nổi tiếng về hoa màu và một số loài cây ăn quả.  

Đất không phụ lòng người

Tuy là một huyện cù lao nhiều phù sa bồi đắp, khí hậu trong lành mát mẻ nhưng do ảnh hưởng của triều cường, nhất là gần đây lại chịu sự tác động của biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của người dân.

Thế nhưng, ông Ông Văn Hùng, một lão nông sống nhiều năm tại thị trấn Cù Lao Dung (huyện Cù Lao Dung) đã khắc phục khó khăn về môi trường khí hậu bằng cách lên bờ, đắp đê, mạnh dạn cải tạo 4ha vùng đất phèn ngập nước, hoang hóa để trồng trên 2.000 gốc bưởi năm roi và một ít bưởi da xanh xen với cây chuối.

Trước khi “bén duyên” với cây bưởi, ông Hùng đã từng thất bại với cây mía và dừa vì giá cả bấp bênh, nhất là mía thường gặp bất trắc vể mùa vụ do nắng nóng và xâm nhập mặn. Từ thất bại cây mía, ông đã rút ra một bài học kinh nghiệm nên trồng cây gì, trồng như thế nào để đối phó với hạn mặn.

Sau nhiều đêm trăn trở nên chọn cây gì vừa thích hợp với vùng đất mới cù lao, vừa có giá trị kinh tế, thị trường tiêu thụ mạnh và giá cả ổn định. Cuối cùng ông đã quyết định chọn cây bưởi Năm Roi, vì theo ông bưởi là cây tương đối dễ trồng, chịu hạn tốt so với các loài cây có múi khác.

Nhờ nắm bắt được nhiều thông tin quý báu về cây bưởi Năm Roi, ông đã đến xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, Sóc Trăng để mua giống trồng thử nghiệm. Trước khi xuống giống nhiều người đã khuyên ông không nên trồng cây có múi vì đây là vùng đất phèn, 6 tháng ngọt, 6 tháng mặn, cây bưởi làm sao sống nổi trên vùng đất khó!

Nghe nhiều người khuyên, thậm chí có người còn cười nhạo nên lúc đầu ông cũng có chút nản lòng. Nhưng với ý chí quyết tâm và tin tưởng vào sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật nên ông mạnh dạn bước tới.

Sau hai năm chắt chiu chăm sóc từng gốc bưởi, những trái đầu mùa đã mang đến cho ông một niềm vui khôn tả, nhiều người bất ngờ. Đó là những trái bưởi no tròn, bóng bẩy, ruột trắng, múi to, ăn vào ngon ngọt, mát lành, chất lượng thơm ngon không thua gì bưởi trồng ở vùng nước ngọt.

Ông Ông Văn Hùng (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm với nông dân

Cù Lao Dung có nhiều diện tích trồng cây ăn trái, thích hợp nhất là xoài, nhãn, vú sữa, chuối, dừa. Nhưng từ trước tới nay rất ít người dám trồng bưởi, nếu có cũng một số ít người trồng với quy mô nhỏ, chỉ ông Hùng là người táo bạo, liều lĩnh dám đột phá chuyên canh giống cây khó tính này. Sở dĩ ông dám nghĩ dám làm một phần vì ông là bác sĩ quân y đã về hưu, bản thân có ít nhiều kiến thức về khoa học kỹ thuật lại say mê nghề vườn.

Với niềm vui thắng lợi đó, ông tiếp tục nhân giống bằng cách chiết cành. Không bao lâu vườn bưởi của ông đã phủ kín cả một diện tích 4ha. Năm nào cũng thu hoạch vài chục tấn trái. Hiện ông còn trồng thêm chuối và thanh long ruột đỏ phát triển rất tốt.

Liên tục nhiều năm liền, nhất là từ năm 2013 - 2015 vườn bưởi của ông đạt sản lượng từ 40 - 50 tấn bưởi/năm, thu nhập bình quân mỗi năm 500 triệu đồng. Đặc biệt năm 2016, nhờ trúng vụ lại có giá nên mức thu nhập lên tới 880 triệu đồng. Nếu tính luôn tiền bán chuối số tiền có thể lên tới bạc tỷ.  

Bí quyết thành công

Theo kinh nghiệm của ông, nơi đây nước mặn 6 tháng, mùa nắng không có nước tưới. Để giúp cây phát triển và ra hoa, hàng năm khi bước vào tháng 9, lúc còn mưa ông đã bón phân đầy đủ cho cây ra hoa đậu trái cho thu hoạch bán dịp tết. Cây bưởi vốn nhạy cảm với thời tiết, sau một thời gian nắng nóng, hễ mưa xuống mát trời là cây sẽ ra hoa đậu trái. Nắm bắt quy luật đó mà bón phân, chăm sóc sao cho đúng quy trình kỹ thuật để cây cho trái sai, trái to và đạt yêu cầu chất lượng.

Cũng theo ông, muốn cho trái to, no tròn, lúc trái còn non nên cắt bỏ bớt những trái sâu bệnh, èo ọt để dưỡng những trái còn lại. Và muốn cho trái mùa sau tốt tươi, năng suất cao hơn, sau khi hái trái cần cắt nhánh, tỉa cành, giúp cây hứng đủ ánh sáng, đồng thời tưới nước vô phân đầy đủ.

Thương lái đến tận vườn thu mua bưởi

Với những hoạt động sáng tạo, lao động không mệt mỏi, ông Ông Văn Hùng đã vinh dự nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Ngoài ra ông còn nhận được nhiều bằng khen và giấy khen của UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng.

Điều quan trọng nhất là giảm tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Có như thế người tiêu dùng mới an tâm. Hiện vườn bưởi của ông nổi tiếng là cho sản phẩm sạch và ngon nhất Cù Lao Dung nên nhiều khách du lịch tìm đến để mua về làm quà..

Là một nông dân gắn bó với cây trồng lại chịu khó mày mò, nghiên cứu thêm nhiêu tài liệu và sách vở, mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên vườn bưởi của ông chưa bị thiệt hại lớn về sâu đục trái hoặc vàng lá như ở một số nơi.

Được vậy nhờ ông biết cách tháo chua, rửa mặn và kịp thời phun thuốc diệt trừ các loại nhện đỏ, nhện trắng và rệp sáp làm hại cây.

Theo ông Hùng, nếu so với cam quýt, xoài và sầu riêng thì cây bưởi có nhiều ưu điểm hơn.

Một là bưởi cho trái quanh năm, sống dai bền, dễ chăm sóc vì ít bị sâu bệnh. Thời gian thu hoạch cũng khá lâu, thị trường tiêu thụ lại rất mạnh vì ngoài thực phẩm ra, bưởi còn là một loại trái cây bổ dưỡng, có tác dụng phòng bệnh rất hiệu quả.

Thành công lớn nhất của ông là kỹ thuật chăm sóc và xử lý cho cây ra hoa theo ý muốn (trừ mùa nắng hạn), đặc biệt là cho trái vào mùa nghịch, từ tháng 2, 3 cho đến tháng 6. Thời điểm này giá bưởi cao gấp hai ba lần mùa thuận và rất hút hàng.


Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (từ 5 - 11/9) Những dịch bệnh hại cần chú ý trong… Giống tốt cho trung du, miền núi phía Bắc Giống tốt cho trung du, miền núi phía…