Tin nông nghiệp Cho cây ra hoa quả theo ý muốn

Cho cây ra hoa quả theo ý muốn

Tác giả Ngọc Tâm - Nguyễn Tiến, ngày đăng 15/10/2018

Cho cây ra hoa quả theo ý muốn

Ham học hỏi, chịu khó tìm tòi, nhiều nông dân tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã sáng tạo, áp dụng thành công kỹ thuật mới vào chăm sóc cây trồng, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả trên đất canh tác. 

Vườn vải thiều của gia đình ông Trần Văn Hành có tỷ lệ ra hoa cao.  

"Ép" vải ra hoa

Năm nay, thời tiết nóng ấm, ít có đợt rét đậm khiến những vườn vải thiều chính vụ trong tỉnh chủ yếu ra lộc mà không hoa. Thế nhưng ông Trần Văn Hành, thôn Chão, xã Giáp Sơn lại có cách "ép" vải phải ra hoa, đậu quả, khắc phục được những tác động tiêu cực của thời tiết. Qua trò chuyện, ông Hành chia sẻ: Những năm trước, vào cữ mùng 7-8 tháng Giêng là cây đã bắt đầu có hoa ở chóp tán. Vậy mà năm nay, chúng “ngủ” mãi, lá cứ xanh đen nên ông thấy sốt ruột. 

Thu nhập của gia đình trông cả vào vườn vải, nếu mất mùa thì biết xoay xở ra sao? Bởi vậy, ngày đêm ông đọc tài liệu, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này và biện pháp khắc phục. Gần 30 năm làm vườn, ông nắm được một số loại thuốc bảo vệ thực vật có tác dụng diệt mầm của cây. Thế là tháng 2 vừa qua, ông Hành mua thuốc trừ cỏ hòa loãng, dùng bình bơm vào cành có lá non ngả màu vàng nhạt để triệt lộc. 5 ngày sau, tiếp tục phun lên cây chất kích thích phân hóa mầm hoa kết hợp tỉa cành trên thân để tập trung dinh dưỡng kích lộc. 

Lục Ngạn, sáng tạo, áp dụng,  thành công,  kỹ thuật mới, chăm sóc,  cây trồng

Đây là những mô hình mới, áp dụng biện pháp kỹ thuật tiến bộ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, cơ quan chuyên môn của huyện tăng cường phối hợp mở lớp tập huấn, phổ biến, nhân rộng một số cách làm hay đến các chủ vườn, từng bước khắc phục khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, tăng khả năng rải vụ. Đồng thời, chúng tôi sẽ tham mưu với UBND huyện có cơ chế hỗ trợ, tuyên dương những ý tưởng sáng tạo tiêu biểu của nông dân". 

Ông Tăng Văn Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện  Lục Ngạn.

Ông Hành nói: “Lúc thử nghiệm, tôi cũng không hy vọng nhiều bởi chưa có ai từng làm. Khoảng 10-13 ngày sau, đợt lộc mới hình thành và bật ra những nụ hoa đầu tiên khiến tôi rất phấn khởi. Lúc này, tôi mới nghĩ mình đã thành công”. Theo ông Hành, phương pháp trên chỉ nên thực hiện khi nhiệt độ ngoài trời thấp hơn 15 độ C và tuyệt đối không được bón phân vào khoảng thời gian đó. 

Để bảo đảm hoa ra đều cần thường xuyên bám vườn theo dõi, phun bổ sung kích thích nếu hoa chưa đậu. Sau gần một tháng miệt mài chăm sóc vườn cây, công sức của ông được đền đáp xứng đáng. Hiện nay, vải đang ở giai đoạn cuối thời kỳ nở hoa, dự kiến một tuần sau sẽ hình thành quả non. 

Được biết, nông dân Trần Văn Hành cũng là hộ đi đầu tại huyện cho vải ra quả trên thân cây. Bằng cách làm này không những nâng cao năng suất, chất lượng quả mà còn giúp người làm vườn thu hoạch thuận lợi, tiết kiệm chi phí sản xuất.

Rải vụ cho cam  

Ngoài ông Hành, anh Vũ Công Đoàn, thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc đã áp dụng biện pháp rải vụ đối với giống cam V2. Hiện nay, trong khi nhiều vườn cam khác đã kết thúc đợt thu hoạch thì anh Đoàn vẫn có sản phẩm cung cấp cho khách hàng với giá bán cao. Trồng cam trên diện tích lớn nên nhiều vụ trước, gia đình thuê nhân công nhưng vẫn không thu hoạch kịp do cam chín rộ vào cùng thời điểm, đành phải bán đổ bán tháo. Thấy cứ hết mùa, giá cam trái vụ lại tăng vùn vụt nên anh Đoàn ao ước giá như cam ra quanh năm thì sẽ đỡ công thu hoạch, nhà vườn sẽ có thu nhập cao hơn.  

Ban đầu, anh áp dụng thử cho 2 cây cam để điều chỉnh thời điểm ra hoa, kéo dài thời gian cho quả. Giai đoạn chính vụ khi cây chớm ra hoa, anh hạn chế tưới nước để cây không hấp thụ thêm chất dinh dưỡng, kích thích ra chồi non, hình thành lứa hoa mới. Bên cạnh đó thường xuyên cắt tỉa cành, kết hợp bón phân hữu cơ hoai mục theo hình chiếu của mép tán để giữ độ ẩm, giúp cây trẻ hóa, phát triển tốt. 

So với những cây chăm sóc thông thường, 2 cây cam V2 ra quả sai, mọng, vị ngọt, mã đẹp và đặc biệt là cho thu hoạch quanh năm. Do đó, năm 2016, anh Đoàn nhân rộng phương pháp chăm sóc rải vụ cho 100 cây cam V2. Vườn cam của gia đình anh hiện nay có cả quả chín, quả xanh và hoa nở trắng trên cùng một cây. Đặc biệt, giá bán cam tại vườn hơn 45 nghìn đồng/kg cho thương nhân ở Hà Nội về thu mua. Dự kiến, anh thu hoạch gần 10 tấn cam trái vụ, trừ chi phí thu lãi gần 200 triệu đồng. 

Anh Đoàn cho biết, thông thường cam cho thu quả từ tháng 1-3 dương lịch là kết thúc, lúc đó giá bán không cao vì nhiều nhà vườn đồng loạt thu hoạch.  Phương pháp mới giúp cây giữ sức, tăng năng suất, kéo dài thời vụ đến đầu tháng 5 (dương lịch), hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, cây không phải tập trung chất dinh dưỡng cùng một lúc nên sinh trưởng phát triển tốt, ít mắc bệnh, thời kỳ ra hoa, lượng quả lưu trên cây lớn nhanh; nụ, quả non ở những loạt sau không bị ảnh hưởng. Nhiều người ở trong và ngoài xã đến tham quan học hỏi mô hình này. Gia đình ông Bùi Quang Nghiệp, thôn Ao Hoa, xã Tân Mộc cũng áp dụng phương pháp trên cho hơn 200 gốc cam V2. Dự kiến sản lượng gần 30 tấn, doanh thu hàng trăm triệu đồng.


Đậu nành rau - Hướng sản xuất mới của nông dân Cù Lao Dung Đậu nành rau - Hướng sản xuất mới… Phát triển đàn gia cầm nhờ dược sinh học Phát triển đàn gia cầm nhờ dược sinh…