Nuôi gà Cho gà hậu bị ăn hạn chế

Cho gà hậu bị ăn hạn chế

Tác giả Nguyễn Hải - Vũ Ngọc, ngày đăng 23/09/2017

Cho gà hậu bị ăn hạn chế

Gà hậu bị, đặc biệt là gà hướng thịt có tính phàm ăn và lớn nhanh, nếu không cho ăn hạn chế, gà sẽ ăn nhiều, có khối lượng cơ thể lớn, là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều tác hại

Hỏi: Tại sao khi nuôi gà sinh sản giai đoạn hậu bị phải cho ăn hạn chế?

Trả lời: Vì gà hậu bị, đặc biệt là gà hướng thịt có tính phàm ăn và lớn nhanh, nếu không cho ăn hạn chế, gà sẽ ăn nhiều, có khối lượng cơ thể lớn, là nguyên nhân chính dẫn đến các tác hại như:

- Tích mỡ nhiều, cả trong nội tạng, mỡ chèn ép cơ quan sinh sản làm cho gà đẻ ít trứng và trứng nhỏ.

- Gà to, béo (mập) gây khó khăn cho quá trình giao phối, thụ tinh vì thế tỷ lệ trứng có phôi thấp.

- Gà có khối lượng lớn, cần nhiều dinh dưỡng, thức ăn để duy trì cơ thể hơn gà có khối lượng nhỏ, vì thế tốn nhiều thức ăn cho gà bố mẹ trong suốt thời gian đẻ, dẫn đến chi phí thức ăn/đơn vị sản phẩm (trứng giống) cao hơn.

- Gà to, béo (mập) dễ mắc các bệnh về chân, dễ chết nóng, dập trứng, lộn tử cung hơn gà bình thường, vì thế tỷ lệ chết và loại thải cao hơn.

Hỏi: Xin cho biết cách cho gà hậu bị ăn hạn chế?

Trả lời: Đối với gà hướng trứng: Trong giai đoạn nuôi gà hậu bị cho ăn hạn chế hàng ngày. Đối với gà hướng thịt: Trong giai đoạn nuôi gà hậu bị có thể áp dụng cho ăn hạn chế như sau:

* Cách 1: Thường áp dụng với gà nuôi chuồng kín.

- Giai đoạn 1 - 4 tuần tuổi: Ăn hạn chế hàng ngày.

- Giai đoạn 5 - 8 tuần tuổi: Ngày ăn, ngày nhịn.

- Giai đoạn 9 - 12 tuần tuổi: 5 ngày ăn, 2 ngày nhịn/tuần. Nhịn ăn ngày thứ tư và chủ nhật.

- Giai đoạn 13 - 23 tuần tuổi: Hạn chế hàng ngày.

* Cách 2: Thường áp dụng với gà nuôi chuồng hở: Giai đoạn 1 - 23 tuần tuổi: Ăn hạn chế hàng ngày theo quy trình của từng giống.

Hỏi: Làm thế nào để gà hậu bị đạt khối lượng chuẩn và tăng tỷ lệ đồng đều?

Trả lời: Để gà hậu bị đạt khối lượng chuẩn và tăng tỷ lệ đồng đều cần thực hiện như sau:

- Hàng tuần cân ngẫu nhiên khoảng 3% tổng đàn, nhưng không dưới 50 con, cân từng con tất cả những con trong quây.

- Căn cứ vào khối lượng thực, so với khối lượng chuẩn để quyết định lượng thức ăn tiếp theo cho gà ở tuần sau.

- Chia đàn gà thành 3 lô theo khối lượng: Vượt, đạt, thấp hơn khối lượng chuẩn và cho ăn như sau:

+ Lô gà đạt khối lượng chuẩn: Cho ăn đúng như định mức của giống.

+ Lô gà vượt khối lượng chuẩn: Bớt 2gram/con/ngày so với lô đạt khối lượng.

+ Lô gà thấp hơn khối lượng chuẩn: Thêm 2gram/con/ngày so với lô đạt khối lượng.

Đảm bảo mật độ chuồng nuôi và số lượng máng ăn, cho ăn 1 lần/ngày.

Hỏi: Chúng tôi nghe nói phải bảo vệ thiên địch của rầy nâu. Vậy xin cho biết thiên địch của rầy nâu là con gì?

Trả lời: Thiên địch là kẻ thù tự nhiên của sâu rầy, với rầy nâu có một số loại chính sau đây:

1. Nhện ăn thịt (Lycosa pseudoannulata): Có rất nhiều trên ruộng lúa, một con nhện trưởng thành có thể ăn thịt 5 - 15 con rầy nâu mỗi ngày.

2. Nhện lùn (Atypena formosana): Kéo màng lưới ở gần gốc lúa để bắt những con rầy nâu trong khi di chuyển bị mắc vào tấm lưới này, một con nhện có thể ăn 4 - 5 con rầy nâu và rầy xanh mỗi ngày.

3. Bọ rùa: Gồm một số loài như bọ rùa đỏ (Micraspis sp.), bọ rùa vàng (M. crocea), bọ rùa 6 thấm (Menochilus sexmaculatus), bọ rùa 8 chấm (Harmonia octomaculata)… Chúng tấn công cả rầy trưởng thành, rầy non và trứng rầy. Mỗi ngày mỗi con có thể ăn từ 5 - 10 con rầy nâu.

4. Bọ xít mù xanh (Cyrtorhinus lividipennis) dùng vòi chích hút khô dịch của trứng và rầy non. Mỗi ngày một con có thể tiêu diệt được 7 - 10 trứng hoặc 1 - 5 rầy non.

5. Bọ xít nước (Mesovelia vitigera vaø Microvelia douglasi atrolineata) sinh sống trên mặt nước và tấn công những con rầy cám (rầy non) khi rầy rớt xuống nước. Một con bọ xít nước có thể tiêu diệt 5 - 7 con rầy non mỗi ngày.

6. Bọ xít gọng vó (Limnogonus fossarum) tấn công rầy nâu khi chúng rớt xuống mặt nước, một con bọ xít gọng vó có thể tiêu diệt 5 - 10 con rầy mỗi ngày.

7. Ong ký sinh trứng: gồm nhiều loài như: Anagrus optabilis, A. flaveolus, Oligosita naias, O. aesopi, Gonatocerus spp... Những loài ong này dùng vòi đẻ trứng chích và đẻ trứng của chúng vào bên trong trứng rầy nâu, làm trứng rầy nâu bị ung. Mỗi con ong một ngày có thể làm ung 2 - 8 trứng rầy, cá biệt có loài tới 15 - 30 trứng.

8. Nấm gây bệnh cho rầy: Gồm nhiều loài như Hirsutella citriformis, Beauvenia bassiana... khi xâm nhập được vào con rầy, chúng sẽ phân hủy “thịt” con rầy làm thức ăn cho chúng. Những loài nấm này có lúc đã “ăn thịt” đến 90-95% rầy nâu trên ruộng lúa.

Như vậy, thiên địch là những sinh vật tiêu diệt sâu rầy giúp nhà nông, những sinh vật này rất dễ bị tiêu diệt bởi thuốc BVTV, vì thế phải hết sức cân nhắc và thận trọng khi sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng.


Hiệu quả từ mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học Hiệu quả từ mô hình nuôi gà theo… 55.000 con gà đẻ trứng sạch đạt chuẩn VietGAP tại Nghệ An 55.000 con gà đẻ trứng sạch đạt chuẩn…