Cho Vay Thí Điểm Sản Xuất Nông Nghiệp Gắn Doanh Nghiệp Với Nông Dân
Nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp (DN), Hợp tác xã (HTX) với nông dân đã tạo ra chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ổn định đầu ra
Mô hình liên kết của HTX Rau sạch Mỹ Hưng (xã Bình Triều, Thăng Bình) được xem là điển hình về xây dựng chuỗi sản phẩm khép kín cho sản xuất nông nghiệp.
Đây là mô hình kinh tế tập thể đầu tiên có sự tham gia của 30 xã viên ở địa phương góp vốn chuyên sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn ViệtGAP và thực hiện theo hệ thống phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng.
Nông sản được phân loại, đóng gói, giữ lạnh, đảm bảo độ tươi, nâng cao chất lượng, được vận chuyển đến cửa hàng nông sản tại trạm dừng nghỉ, những nơi tiêu thụ khác bằng các loại xe chuyên dùng.
Ngoài ra, HTX Mỹ Hưng còn xây dựng các kênh cửa hàng phân phối tại Trạm dừng nghỉ Bình An, cửa hàng trưng bày ở Tam Kỳ... tạo điều kiện cho người sản xuất rau tiêu thụ sản phẩm ổn định và không bị ép giá vào mùa thu hoạch.
Để làng rau Trà Quế (Hội An) có thể vào được hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn lớn thì vấn đề quan trọng nhất là phải xây dựng được thương hiệu.
Đầu năm 2007, HTX Nông nghiệp Cẩm Hà đã bắt tay vào xây dựng thủ tục pháp lý và đến năm 2009, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chính thức cấp Chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm rau Trà Quế cho 131 thành viên là các hộ trồng rau ở làng Trà Quế đồng chủ sở hữu và do HTX Nông nghiệp Cẩm Hà đại diện hợp pháp. Nhờ đó, HTX cùng với xã viên có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Với sản lượng lớn, chất lượng đảm bảo, rau Trà Quế đã có mặt ở nhiều siêu thị và khách sạn lớn trong và ngoài tỉnh. Bình quân mỗi năm, làng rau Trà Quế cung ứng ra thị trường từ 700 - 900 tấn rau các loại. Ngoài ra, HTX đã chủ động phối hợp với Phòng VH-TT TP.Hội An tổ chức tour du lịch sinh thái tại làng rau Trà Quế.
Trung bình mỗi ngày, làng rau Trà Quế đón 50 - 70 khách du lịch nước ngoài đến tham quan và đăng ký trải nghiệm việc trồng, tỉa như một nông dân thực thụ. HTX Cẩm Hà đã thật sự làm tốt vai trò “bà đỡ” của các hộ nông dân sản xuất rau.
Trong những năm qua, nhiều HTX nông nghiệp ở Quảng Nam đã chủ động liên kết với các DN giống trong và ngoài tỉnh chủ động sản xuất giống lúa chất lượng cao để cung ứng trên thị trường. Điển hình như HTX Dịch vụ nông nghiệp Đại Minh, Đại Hòa, Đại Thắng (Đại Lộc), Bình Tú (Thăng Bình), Duy Châu (Duy Xuyên)... đã liên kết với Tổng Công ty Giống Thái Bình, Công ty TNHH Bayer Việt Nam, Công ty CP Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam... sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao đang mang lại hiệu quả kinh tế.
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Việc xây dựng cánh đồng mẫu và đẩy mạnh liên kết sản xuất với các DN là hướng đi đúng vì đó là cách giúp nông dân tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Đặc biệt, sự liên doanh liên kết ấy còn giúp cho nhà nông yên tâm sản xuất bởi đầu ra của sản phẩm đã được thu mua theo phương thức bao tiêu”.
Cho vay vốn
Thực tế đối với Quảng Nam, mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân và DN, HTX đã được thực hiện khá lâu. Tuy nhiên, mô hình liên kết này thiếu tính bền vững khi các đối tác cùng tham gia chuỗi liên kết không thực hiện đầy đủ các cam kết. Mỗi khi thị trường biến động, giá nông sản tăng, người sản xuất không tuân thủ các hợp đồng đã ký kết trước đó với DN đã liên kết, mà bán sản phẩm với giá thành cao hơn cho DN ngoài liên kết; còn khi nông sản rớt giá, DN lại không tuân thủ các ký kết trước đó với nông dân mà đòi mua sản phẩm theo giá sàn chung của thị trường…
Cứ như vậy, nông dân ở Quảng Nam thường xuyên bị rơi vào vòng luẩn quẩn “được mùa - mất giá”, “được giá - mất mùa”, còn DN luôn phải đối mặt với bài toán thiếu nguyên liệu, xuất hàng thô với giá trị sản phẩm không cao…
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1050/QĐ-NHNN quy định về việc cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở các địa phương trong cả nước.
Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ các DN chế biến nông sản được vay nguồn vốn ưu đãi để đầu tư triển khai thí điểm mô hình này. Mỗi DN được vay vốn phải xây dựng phương án đầu tư để mở rộng sản xuất trên cơ sở xây dựng mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Mới đây, UBND tỉnh đã chính thức chọn Công ty CP Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam và Công ty CP FOCOCEV Quảng Nam lập dự án vay từ nguồn vốn ưu đãi để triển khai mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất nông nghiệp trong những năm đến. Theo quy định, các DN được vay vốn ưu đãi phải xây dựng mô hình liên kết khép kín với nông dân.
Cụ thể, đối với sản xuất lúa, nguyên liệu sắn, các DN sẽ cung cấp toàn bộ vật tư nông nghiệp, giống, trang bị kỹ thuật và đặt hàng nông dân sản xuất theo yêu cầu, sau đó bao tiêu toàn bộ hàng hóa do nông dân sản xuất, rồi chế biến đưa ra thị trường.
Chương trình thí điểm này sẽ góp phần mở rộng hướng đi mới, cách làm mới có hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy khu vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Quảng Nam phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ