Mô hình kinh tế Chọn gà thả vườn để tránh cạnh tranh gà Mỹ

Chọn gà thả vườn để tránh cạnh tranh gà Mỹ

Ngày đăng 25/09/2015

Chọn gà thả vườn để tránh cạnh tranh gà Mỹ

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam trước thềm hội nhập TPP” diễn ra ngày 24-9 tại Hà Nội.

Năng suất chỉ đạt trên 50% trung bình thế giới

Theo Hiệp hội gia cầm Việt Nam, hiện nay, Việt Nam xếp thứ 21 về các quốc gia sản xuất thịt gia cầm trên thế giới và là nước có tổng đàn vịt đứng thứ 2 trên thế giới, thuộc top 10 quốc gia có sản lượng thịt và trứng vịt lớn nhất thế giới.

Mặc dù có sản lượng lớn nhưng việc phát triển chăn nuôi gia cầm trong nước cũng như xuất khẩu sản phẩm gia cầm còn gặp nhiều trở ngại. Theo ông Trần Duy Khanh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, quy mô chăn nuôi gia cầm chủ yếu là nhỏ lẻ, chiếm đến 65-70%; thiếu tính liên kết giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ nên hiệu quả kinh tế không cao, thị trường chủ yếu do thương lái điều tiết.

Bên cạnh đó, năng suất gia cầm của Việt Nam còn thấp, chỉ đạt khoảng trên 50% so với mức trung bình thế giới.

Sự phát triển nâng cao chất lượng con giống tại Việt Nam quá chậm so với thế giới. Trong khi đó, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kiểm soát dịch bệnh chưa thực sự hiệu quả. Mặc dù đa số các bệnh đều đã được kiểm soát nhưng một số dịch bệnh như long mồm lở móng, cúm gia cầm vẫn hoành hành, gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi.

Chi phí đầu vào về con giống, thức ăn, thuốc thú y cao….dẫn tới sức cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi yếu. Trong chăn nuôi, giá thành thức ăn chiếm tới 65-70% chi phí nhưng so với các nước trong khu vực, giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn cao hơn khoảng 10-15%, vì phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu nhập khẩu.

Ngoài ra, tình trạng giết mổ chủ yếu là thủ công, thiếu điều kiện vệ sinh ATTP cũng góp phần làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi. Hiện nay, giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp còn khá ít, chỉ chiếm khoảng 20% trên tổng lượng thịt.

Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng, các nước lớn trên thế giới có bề dày kinh nghiệm trong chăn nuôi công nghiệp hàng trăm năm trong khi đó ngành chăn nuôi trong nước nhỏ lẻ, manh mún nên cuộc cạnh tranh giữa gà trong nước và nhập khẩu là cuộc cạnh tranh không cân sức, ngay cả khi TPP chưa được ký kết. Cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn khi hàng loạt các rào cản thuế quan sẽ bị dỡ bỏ trong thời gian tới.

Tìm thị trường ngách

Ông Lê Thanh Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho hay, trong năm 2014, sản phẩm thịt gà thả vườn ở Việt Nam đạt 560.000-620.000 tấn trong khi gà công nghiệp chỉ 393.000-402.000 tấn. Do đó, gà thả vườn hiện vẫn chiếm ưu thế trong tiêu dùng ở nước ta, đây chính là ưu thế cạnh tranh quan trọng trong sản phẩm thịt gia cầm hiện nay.

Ngoài thịt ra, trứng gia cầm muối cũng là một sản phẩm có ưu thế trong cạnh tranh.

Theo ông Hải, kinh tế phát triển, tầng lớp cư dân trung lưu sẽ tăng, do vậy, nhu cầu thực phẩm chế biến cũng tăng theo. Song thực phẩm phải đạt chất lượng cao và hợp thị hiếu. Sản phẩm càng hấp dẫn, bao bì càng bắt mắt sẽ càng thu hút người tiêu dùng.

Do đó, sản phẩm gia cầm thả vườn nhất là gia cầm qua chế biến luôn là sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng thế giới và trong nước. Đây chính là thị trường ngách mà ngành chăn nuôi gia cầm trong nước nên hướng tới trong thời gian tới.

Để phát triển chăn nuôi gà thả vườn, theo ông Lê Thanh Hải, trước mắt nên tập trung xây dựng Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi gia cầm tự nguyện chuyên ngành không hạn chế về địa lý với quy mô tối thiểu 1 triệu con/năm nhưng nhà nước phải có chính sách hỗ trợ về vốn vay, kỹ thuật chế biến trong giai đoạn đầu.

HTX sẽ từng bước tích lũy kinh nghiệm thị trường để phát triển thành công công ty sản xuất, chế biến gia cầm ở từng vùng. Từng HTX phải tổ chức liên kết giữa các hộ trong HTX chăn nuôi chuyên ngành để quy mô phát triển theo nhu cầu xã hội nhưng phải mang tính kế hoạch thị trường nhằm tránh rủi ro.

Đồng thời, HTX phải tạo ra liên kết với các doanh nghiệp để có đầu ra tốt cho sản phẩm gia cầm hoặc chính HTX phải tự liên kết chăn nuôi theo VietGap, giết mổ, chế biến và bảo quản theo quy trình ATTP, sau đó đưa các sản phẩm này ra mạng lưới tiêu thụ sản phẩm của mình ở nhiều nơi khác nhau như chợ, nhà hàng, bệnh viện, trường học, siêu thị hay các cửa hàng tiện ích ở khu đô thị, các khu công nghiệp, các khu du lịch….

Ông Cao Văn Khanh, Giám đốc công ty TNHH giống gia cầm Cao Khanh cho hay, xu hướng trên thế giới đang chuyển dần sang gà đi bộ. Thậm chí, nhiều quốc gia đã ra quy định cấm nuôi nhốt các loại gia cầm. Ví dụ cụ thể, gần đây, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s vừa tuyên bố sẽ dần chấm dứt sử dụng trứng gà do gà nhốt chuồng đẻ mà chỉ dùng trứng do gà thả rong đẻ.

“Thật ra trên thế giới, giá trị gà đi bộ rất cao trong khi chúng ta đang nuôi thả vườn trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi mô hình nên lựa chọn nuôi gà thả vườn là lựa chọn hợp lý” – ông Khanh nói.

Tuy nhiên, để làm được việc này đòi hỏi cơ quan chức năng phải quy hoạch vùng chăn nuôi gia cầm hợp lý, có mô hình trồng cây xanh phủ mát, hướng dẫn việc xây dựng chuồng chăn thả gà nhằm tránh dịch bệnh, tránh gây ô nhiễm môi trường. Khi đó, giá trị gia tăng trong chăn nuôi gà sẽ cao hơn lại tránh việc cạnh tranh trực tiếp với gà nhập khẩu trong thời gian tới.


Tình hình KT-XH 9 tháng đầu năm 2015 tiếp tục tăng trưởng và phát triển ổn định Tình hình KT-XH 9 tháng đầu năm 2015… Thông tin về cây trồng chuyển gen vẫn chưa rõ ràngThông tin về cây trồng chuyển gen vẫn chưa rõ ràng Thông tin về cây trồng chuyển gen vẫn…