Chọn Hom Giống Và Cách Trồng CÂy Khoai Lang
Khoai lang thường được nhân giống vô tính bằng chồi củ giống và bằng hom giống của dây sau khi thu hoạch củ từ vụ trước. Ngoài các yếu tố về đất đai, thời vụ, phân bón, kỹ thuật canh tác, đặc điểm giống… thì độ dài, chất lượng hom giống và cách trồng có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất củ.
Tùy theo tập quán từng nước mà người ta chọn cắt hom giống với độ dài khác nhau. ở Malaysia người ta trồng hom 6 mắt với độ sâu 2 mắt trong khi nông dân Georgia lại thường trồng hom khoai lang dài 30-40cm với 2-3 mắt dưới đất cho năng suất cao hơn hom giống ngắn 20-25cm. Ở Sierra Leone, hom dài 61cm cho năng suất củ cao nhất trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển rau châu Á (AVRDC) đề nghị trồng hom giống dài 30cm với 3 mắt dưới đất.
Ở Trung Quốc, hom giống 7 mắt được sử dụng phổ biến trong sản xuất. Còn ở Việt Nam, phần lớn các qui trình hướng dẫn trồng khoai lang hiện hành đều cho rằng: “Chọn đoạn 1 và đoạn 2 của những dây mập mạnh, không sâu bệnh, hom giống cắt dài 25-30cm” hoặc “dùng hom bánh tẻ có 4-5 đốt, sạch sâu bệnh, trồng nông nối liền nhau theo chiều dọc luống” hay “mỗi mét dài trồng 5 hom với khoảng cách trồng 18-22cm, đặt hom thẳng dọc luống, lấp đất sâu 5-6cm, tương ứng với mật độ khoảng 40.000-42.000 hom/ha”…
Ngay cả “Cách trồng khoai lang Nhật” của Cty Thực phẩm Đà Lạt- Nhật Bản (DJF), đơn vị trực tiếp nhập giống và thu mua khoai lang Nhật Bản cũng chỉ hướng dẫn: “Trồng cây cách cây 25cm, hàng cách hàng 1m, mật độ 25.000 cây/ha”. Vậy tiêu chuẩn hom giống như thế nào, cách trồng ra sao để cho năng suất củ cao nhất thì từ trước tới nay ít được đề cập đến. Cận tôi cất công tìm hiểu được một số kinh nghiệm hay, xin mách nhỏ lại với bà con:
Theo khuyến cáo của KS. Hồng Lĩnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long thì một hom giống tốt cần có những đặc tính sau:
- Hom phải mập mạnh, không sâu bệnh, có nhiều mắt (đốt), trung bình hom tốt dài khoảng 30-40 cm, phải có từ 6-8 mắt. Cùng chiều dài dây, những hom có lóng ngắn thường cho nhiều mắt/hom hơn hom có lóng dài, yếu, ít mắt sẽ cho năng suất kém.
-Với vị trí cắt hom: Hom ngọn cho năng suất củ tốt nhất, kế đến những hom giữa, hom gốc thường cho năng suất thấp nhất. Hom ngọn cho ít củ nhưng củ to hơn. Hầu hết các mắt trên thân được nằm ở vị trí thuận lợi cho việc phân hóa hình thành củ do đó số lượng củ trên dây sẽ tăng lên. Dây bánh tẻ, dài 25-30cm với các tiêu chuẩn dây đoạn 1, 2, lá xanh thẫm, đốt ngắn, không ra rễ, ra hoa trước, không sâu bệnh là những đoạn hom cần chọn cắt để trồng.
- Ủ hom: Cắt hom xong đem để rải nơi thoáng mát (không được để chất đống) từ 1-2 ngày trước khi trồng sẽ giúp hom nhanh ra rễ, nẩy chồi hơn.
Về cách trồng, ông Lê Văn Bình, một nông dân trồng khoai lang giống Nhật Bản giỏi trong nhiều năm liền, mỗi năm thu nhập 200-300 triệu đồng nhờ trồng khoai xuất khẩu ở thôn 8, xã Đắc Bup So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông thật thà chia sẻ kinh nghiệm: “Ai cũng nói trồng khoai dễ nhưng chỉ cần đặt giống sai là mất toi tiền triệu, do đó trước hết là biết cách đặt giống. Bao giờ cũng lấp đất phủ hết, chỉ để ngọn nhô lên 3-5 cm.
Nếu để ngọn nhô quá cao, ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào thân hom làm cây dễ bị táp nắng, dễ bị sâu đục thân, dẫn đến “suy dinh dưỡng” nó chỉ “đẻ” được 1-2 củ tròn, bán giá chợ. Trồng kín dây, cây khoai không bị táp nắng, phát triển tốt, ra nhiều củ, củ dài 18-20cm, mỗi dây có thể cho sản lượng 3-4 kg, bán giá cao, xuất khẩu tốt. Đây là kinh nghiệm thực tiễn, tui đã nhiều lần chỉ cách trồng cặn kẽ cho các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng họ không chịu nghe nên khi thu hoạch khoai tui luôn tốt hơn, bán được nhiều tiền hơn của họ”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ