Chống Rét Cho Cá
Rét đậm, rét hại dài ngày làm cho nhiều loài cá, tôm bị chết, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng đặt ra cho cả người nuôi lẫn chỉ tiêu của ngành Thuỷ sản.
Theo Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia thì các loại cá mè, trôi, trắm, chép, ếch đồng, ba ba trơn chỉ thích ứng tốt với điều kiện nhiệt đới, thường từ 25 – 30oC. Ở nhiệt độ từ 10-20oC, cá chỉ tồn tại được trong thời gian ngắn, nếu kéo dài trong ao nước nông, không kín gió, cá chắc chắn sẽ bị chết do rét.
Cá chim trắng, rô phi, ếch Thái Lan là những giống ngoại nhập, chịu được nhiệt độ thấp. Nhưng nếu trời rét kéo dài 6 - 7 ngày ở nhiệt độ 8 – 10oC, cá sẽ chết nhanh hơn các loại thuỷ sản khác. Để chống rét, cá rúc đầu xuống bùn, nấm thuỷ my phát triển ăn kín vào mang làm cá bị ngạt thở chết và rất nhiều chứng bệnh khác phát sinh… Để hạn chế thiệt hại do lạnh giá gây ra, xin giới thiệu với bà con một số biện pháp phòng chống rét cho các loài thủy sản.
Với đàn cá giống đang lưu giữ:
Thả bèo 2/3 ao về phía Bắc để chắn gió, góc ao để những sọt rơm, rạ cho cá trú đông. Riêng với cá chim trắng, cá rô phi, ếch Thái Lan, do chịu rét kém nên bà con nên quan tâm nhiều hơn. Độ sâu nước ao 1,4 - 1,5m, kín gió, ở các góc ao làm những bó rơm rạ hoặc các túm bao tải dứa để cá trú đông. Trên mặt ao thả 2/3 bèo tây để chắn gió hoặc xếp gạch xung quanh bằng mặt đáy ao, khi nhiệt độ 8 – 10oC cá sẽ xuống đó trú ẩn.
Với ếch: Làm hang cho ếch trú ẩn, hang làm bằng đất hoặc bằng các ống nhựa, ống tre, có 1 đầu rỗng, các ống này dài 0,5 - 0,6m, đường kính 0,15 - 0,16m, bó thành từng bó 5 - 6 cái cho ếch chui vào trú, ống đặt ở góc hoặc thành bờ ao, trên ống dùng rơm rạ phủ để chắn gió cho ếch.
Với các loài thủy sản nuôi thương phẩm: Che kín ao bằng bạt nilon, lá dừa… để tránh gió lùa đưa không khí lạnh làm nhiệt độ nước giảm thấp. Khi trời rét đậm dùng tre làm giàn trên mặt ao, hồ che phủ kín bằng bạt nilon để tăng khả năng giữ nhiệt độ. Dưới ao bơm nước sâu từ 1,4 – 1,5m. Mặt ao thả bèo tây, khoảng 2/3 diện tích ao về phía bắc để chắn gió.
Làm sọt tránh rét: Tạo một góc ao sâu về phía bắc, dùng các sọt đan bằng tre lấy rơm rạ dùng nước vôi phun vào sát trùng, phơi thật khô ấn đầy vào sọt, cắm cọc đơm sọt xuống đáy ao. Lúc trời rét cá, lươn… chui vào sọt tránh rét. Thường xuyên bơm nước giữ cao 1,4–1,5m cũng có tác dụng chống rét.
Xung quanh ao, bể nuôi cũng phải che kín bằng bạt nilon, lá dừa… Mặt ao, bể nuôi thả bèo tây chiếm 2/3 diện tích về phía hướng gió. Dùng lá dừa khô tạo thành những ụ ở những chỗ ếch thường nằm để ếch vào tránh rét.
Chế độ chăm sóc: Cần có chế độ chăm sóc thật đặc biệt, ngoài việc theo dõi thì phải cho ăn bằng thức ăn đủ chất dinh dưỡng hoặc thức ăn công nghiệp chất lượng cao hoặc bổ sung vitamin C vào khẩu phần ăn để các loài cá có đủ sức đề kháng bệnh tật cũng như khả năng chịu rét.
Lưu ý: Thời gian từ tháng 2-3 hàng năm, khi thời tiết thay đổi từ mùa đông sang mùa xuân, từ mùa thu sang mùa đông, cá dễ bị bệnh cần phải cho ăn thuốc phòng bằng loại thuốc Tiên Đắc I có bán ở các cơ sở trạm, trại cá với lượng 10g thuốc trộn với thức ăn là cám, gạo, bột mì đã nấu chín cho 50kg cá trong ao, cho ăn liên tục 2-3 ngày liền, cá sẽ chống được bệnh, nhất là bệnh đốm đỏ ở cá trong mùa xuân.
Ngoài cho ăn thuốc phòng, những tháng 2, tháng 3 cần dùng vôi bột rắc xung quanh ao và giữa ao với lượng 5-7 kg/sào, nếu không có vôi có thể dùng tro bếp rắc khắp ao với lượng 8-10kg/sào. Dọn sạch cỏ, rác, thức ăn thừa ở nơi cho cá ăn, dùng vôi bột và sunphat đồng cho vào túi vải treo ở nơi cho ăn để diệt trùng và nấm gây bệnh cho cá phát triển đầu vụ xuân.
Tất cả các biện pháp trên là phòng bệnh cho cá là chính, không để cho bệnh cá xảy ra. Nếu bệnh cá xuất hiện thì phải bắt, cách ly sớm những con cá bị bệnh để chữa trị, tránh lây lan ra đàn cá trong ao.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ