Tin thủy sản Chống rét cho cá vược

Chống rét cho cá vược

Tác giả HÀN KẾ, ngày đăng 27/02/2016

Chống rét cho cá vược

Những kỹ sư thủy sản “chân đất” ở đây đã sáng tạo, tìm đủ mọi cách để giảm thiệt hại xuống mức tối thiểu.

Phải cải tạo ao, đầm

Đó là bí quyết sống còn để giữ được đàn cá vược, vượt qua mùa đông khắc nghiệt của người dân Lập Lễ. Toàn xã có 65 hộ tham gia nuôi trồng, nằm trong HTX Nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng.

Anh Nguyễn Đức Văn, GĐ HTX cho biết, từ lâu, khu vực Mắt Rồng đã được quy hoạch thành vùng thâm canh cá vược. Tổng diện tích nuôi cá vược của HTX đạt 210ha. Sản lượng cá vược trung bình hằng năm đạt khoảng 2.000 tấn. Vì vậy, điều kiện ao, đầm cũng như hệ thống thủy lợi đều được hoàn thiện. Việc cải tạo ao, đầm là bí quyết số một không để cá chết trắng như tại Thái Bình thời gian qua.

Năm 2009, anh Văn thuê lại diện tích đầm 4,7ha của một người dân tại địa phương. Ngay trong vụ đầu tiên, gia đình anh đã tiến hành cải tạo bằng phương pháo nạo nét đáy, kè gạch lại toàn bộ bờ bao xung quanh, cứng hóa lại hệ thống dẫn nước. Anh Văn nhẩm tính, đến nay số tiền đổ vào công cuộc cải tạo đã lên tới hơn 2,5 tỷ đồng.

Tưởng chừng đơn giản, nhưng theo anh Văn, không phải ai cũng biết và làm đúng kỹ thuật. Có những hộ, dù đào sâu tới 4m nước, cá chết vẫn chết.

Xây nhà đúng hướng đông bắc chắn gió cho đầm cá vược

Thứ nhất, khi nạo vét đáy, căn làm sao mạn đáy chính hướng gió đông bắc sâu hơn cả. Cũng hướng đông bắc, trên bờ phải xây nhà, lều bạt để chắn gió. Bởi lẽ, khi gió mùa đông bắc tràn về, nếu như bờ đông bắc sâu hơn, được chắn gió, nước sẽ ấm hơn. Đàn cá sẽ tự dồn về phía đông bắc tránh rét, giảm thiểu thiệt hại. Tuyệt đối không được đào sâu hướng nam, khi gặp gió đông bắc, nước sẽ tạo thành dòng xoáy, dễ khiến cá bị ngạt do thiếu ôxi.

Thứ hai, khi nhiệt độ dưới 15oC, tuyệt đối không được dùng hệ thống quạt nước. Khi trời lạnh, sức đề kháng của cá rất yếu, nếu dùng quạt không khác gì tiếp thêm sức cho gió đông bắc. Cá ngạt và chết nhanh hơn.

Anh Văn cũng chia sẻ kinh nghiệm, trước khi vào mùa rét, cần cho cá ăn nhiều hơn. Cá vược phải cho ăn theo nhu cầu. Bao giờ cá ăn no thì thôi. Vì khi trời lạnh, cá ăn rất ít. Nếu không đủ sức đề kháng, cá chống chịu lại độ lạnh rất kém. Điều đặc biệt quan trọng, sau đợt lạnh đầu tiên, trước khi trời hửng nắng hoặc mưa rào, người nuôi cần tranh thủ dùng các loại hóa chất “đánh” xuống ao đầm để khử trùng nguồn nước.

Theo anh Văn, khi đó sức đề kháng của cá rất yếu, thời tiết thay đổi đột ngột từ lạnh sang nóng khiến các loại bệnh phát triển mạnh. Nếu người nuôi không phòng trừ kịp thời, cá có thể chết.

Cái khó ló cái khôn

Anh Nguyễn Đức Diễn, xã viên HTX Nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng bảo với chúng tôi, cái khó ló cái khôn. Xem thông báo sắp có rét đậm, rét hại, anh Diễn vò đầu, bứt tai, cuối cùng đưa ra sáng kiến dựng nhà bạt, thắp đèn tránh rét cho cá.

Trên một góc ao nuôi hướng Đông Bắc, anh cho dựng một tấm bạt dài hơn 50m. Bạt được dựng thành kèo chữ A, chừng 3m lại có một cọc chống. Sau đó, anh dùng dây điện luồn xuyên qua đỉnh của chữ A rồi đấu các bóng điện. Công suất mỗi chiếc bóng 250W. Hai mép bạt đều được dìm xuống nước, giữ cho nhiệt lượng từ bóng đèn tỏa ra hắt thẳng xuống mặt nước. Trong mấy ngày rét, anh cho thắp điện cả ngày lẫn đêm.

Bóng đèn, đui và dây diện dùng cho hệ thống nhà bạt của anh Diễn

“Thấy bóng điện sáng với nước ấm, cá kéo về hàng đàn tránh rét anh ạ. Tôi tưởng không hiệu quả, thử dùng vợt khua xuống nước, thấy cá vào rất nhiều. Đúng là cái khó ló cái khôn, không có cái nhà bạt này thì cá chết hết rồi”, anh Diễn chia sẻ.

Nhiều người thấy cách làm hay của anh Diễn liền học theo, hiệu quả rõ rệt.

Không tránh khỏi thiệt hại

Dù áp dụng nhiều biện pháp, tuy nhiên một phần diện tích nuôi cá vược của HTX Nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng vẫn bị thiệt hại. Có khoảng 32/65 số hộ nuôi trồng bị thiệt hại. Lượng cá bị chết trong đợt rét vừa qua là 167,9 tấn. Theo anh Văn, những trường hợp này đã phần chưa kịp cải tạo ao, đầm hoặc làm sai kỹ thuật trong quá trình cải tạo.

Bên cạnh diện tích cá vược thương phẩm được bảo toàn, 1,8 vạn cá giống của gia đình anh Diễn bị chết không còn một con. Đây là diện tích anh mới thuê lại, chưa kịp cải tạo. Mực nước trong ao trung bình chỉ đạt 1,8m, ao lại nằm đúng hướng gió đông bắc. Cái khó nằm ở chỗ, việc cải tạo ao, đầm phải tuân thủ nguyên tắc “bòn rút” trong nhiều năm.

Mỗi năm, người nuôi phải nạo vét từng ít một nhằm tránh phá vỡ môi trường nuôi, sụt lún bờ kè. Nếu nhiệt độ se lạnh, cá sẽ không chết, nhưng nếu mức nhiệt xuống 5 - 6oC như đợt vừa qua, người nuôi sẽ không kịp trở tay. Với 11 tấn cá giống bị chết, thiệt hại của gia đình anh Diễn khoảng 1,1 tỷ đồng.

 


Sai lầm sử dụng quạt nước khi nhiệt độ dưới 15oC khiến cá chết

Ngay cả những đầm nuôi có mực nước sâu tới 4m, cá vẫn chết. Như gia đình anh Đinh Văn Tuấn, bị chết tới gần 30 tấn cá vược. Nguyên nhân là do khi cải tạo ao đầm, đáy bờ phía nam lại đào sâu hơn bờ đông bắc, khiến cá bị ngạt, thiếu chỗ trú ẩn và chết.

Về những thiệt hại kể trên, anh Văn cho biết, đã tổng hợp số liệu, báo cáo lên Phòng NN-PTNT huyện Thủy Nguyên. Ngay sau đó, đơn vị này đã báo cáo lên Sở NN-PTNT Hải Phòng. Theo thông tin mới nhất PV NNVN nắm được, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã gửi công văn lên UBND TP đề xuất kinh phí hỗ trợ thiệt hại cho người dân.

Ông Đinh Như Dự, Chủ tịch UBND xã Lập Lễ cho biết, nghề nuôi cá vược của địa phương có từ rất lâu đời, nhưng chưa bao giờ hứng chịu đợt rét nào khắc nghiệt như vừa qua. Trước mỗi vụ rét, chính quyền xã cũng thường xuyên tuyên truyền, đôn đốc các hộ nuôi chủ động phòng tránh. Tuy nhiên, như năm nay thì không tránh khỏi thiệt hại.

“Người nuôi cá vược ở Lập Lễ cũng chỉ gột cá giống vừa đủ nhu cầu cho vụ mới. Nhà nào bị thiệt hại cá giống, bắt buộc phải mua lại giống cỡ to mới kịp thời vụ, nếu không sẽ phải để trắng ao đầm một vụ, chờ gột cá con”, anh Nguyễn Đức Văn, GĐ HTX Nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng.


Nuôi cá kèo lợi nhuận bình quân đạt 400 triệu đồng/ha Nuôi cá kèo lợi nhuận bình quân đạt… Thất thu tôm hùm nhí, thợ lặn đành bó gối ngồi nhà Thất thu tôm hùm nhí, thợ lặn đành…