Chủ Đầu Tư Nổ, Dân Khốn Khổ
Năm 2003, UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt dự án Khu đô thị mới Quế Võ do Cty CP Đầu tư phát triển nhà và Xây dựng Tây Hồ thuộc TCty Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư với tổng diện tích 56 ha, trong đó 40 ha của xã Phượng Mao, 16 ha thuộc xã Phương Liễu (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Theo “chém gió” của chủ đầu tư, nơi đây sẽ trở thành một khu đô thị điển hình. Điểm nhấn và cũng là nét ấn tượng nhất toát ra từ khu trung tâm với hồ nước rộng do 4 hồ nhỏ kết hợp với cây xanh và các công trình dịch vụ văn hoá. Sự phối hợp này tạo nên lá phổi xanh cho toàn khu đô thị, hình thành môi trường sống gần gũi với thiên nhiên. Tuy nhiên, đến nay, qua 3 lần điều chỉnh quy hoạch, chủ đầu tư vẫn chưa thể hoàn thiện hạ tầng dự án. Đất canh tác thì bị bỏ hoang, nông dân thì không có tư liệu sản xuất.
Gần 10 năm trời, KĐT mới Quế Võ vẫn như thế này đây
Tay vắt sau lưng, lão nông Đỗ Văn Nin ở thôn Mao Dộc, xã Phượng Mao (Quế Võ, Bắc Ninh) tản bộ thăm đồng. Nói là cánh đồng cho oai chứ thực ra nó đã biến thành bãi đất bỏ hoang từ ngày xuất hiện dự án Khu đô thị mới Quế Võ.
10 năm trước, gia đình ông Nin có 7 sào lúa, nếu chịu khó cày cuốc cũng đủ ăn. Nghe ông nói về cái ước mơ tự ngàn đời của người nông dân mới thấy cay cay sống mũi: “Người dân chỉ cảm thấy yên tâm khi thóc đầy bồ. Có lương thực để tăng gia sản xuất, kiếm đồng ra, đồng vào. Tháng ba ngày tám không phải chạy vạy ăn đong là sướng lắm rồi”. Nhưng, trái với những năm trước đây, năm nay tâm trạng ông Nin lại rối bời, bởi lẽ, những thửa đất cuối cùng của ông đã bị người ta lấy mất.
Ông Nguyễn Vân Phú, Chủ tịch UBND xã Phượng Mao, cho biết: “Lúc đầu, nhà đầu tư cam kết sau khi có mặt bằng sẽ tiến hành xây dựng luôn và cam kết hỗ trợ địa phương xây nhà văn hóa, tuyển lao động, làm đường giao thông, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được lời hứa nào”. Theo ông Phú, quan điểm của xã là đề nghị Cty Tây Hồ sớm triển khai, nếu không có khả năng thì chuyển giao cho chủ đầu tư khác. Chứ để đất phơi trắng như vậy, dân không đồng tình.
Hầu hết đất trồng lúa của xã Phượng Mao đã được thu hồi giao cho Cty CP Đầu tư phát triển nhà và Xây dựng Tây Hồ triển khai xây dựng Khu đô thị mới Quế Võ, cá biệt có những thôn mất 100% diện tích đất như thôn Mao Trung, Mao Dộc... Trưởng thôn Mao Trung Trần Mạnh Hùng tính kiểu “hàng xáo”: Nếu cứ để dân chúng tôi cấy hái thì với diện tích này mỗi năm cũng thu được 600 tấn thóc, với giá hiện nay thì tổng thu khoảng 30 tỷ đồng. Để không hơn 9 năm như vậy, mất toi gần 300 tỷ đồng, dân lại không có việc làm.
20 ngày dài hơn 5 năm?
Tỉnh Vĩnh Phúc vẫn được xem đi đầu trong việc xây dựng KCN và thu hút các nhà đầu tư. Vậy mà ở cái nơi mà KCN tạo được niềm tin này, bi kịch người nông dân vẫn nhan nhản.
KCN Bá Thiện vẫn bỏ hoang
Cách đây 5 năm, dự án KCN Bá Thiện thu hồi hơn 400 ha đất nông nghiệp của xã Bá Hiến và hàng trăm ha đất của các xã Thiện Kế và Trung Mỹ (huyện Bình Xuyên). Ngày khởi công, chủ đầu tư mạnh miệng tuyên bố: Dự án sẽ góp phần tạo cho Bá Hiến một hạ tầng KCN hoàn chỉnh, tăng cường nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2010-2015 và những năm tiếp theo. Và để “múa phụ họa” thêm, một vị lãnh đạo cấp tỉnh còn ôm tham vọng biến khu tái định cư cho những người dân mất đất thành khu đô thị kiểu mẫu tương tự KĐT Linh Đàm ở Hà Nội. Vậy mà bây giờ về xã Bá Hiến, “KCN hoàn chỉnh” ấy vẫn còn là bãi đất hoang như một nấm mồ bao năm trời chôn vùi những lời hứa hão. Còn người dân, họ xót xa, tiếc nuối lẫn tự trách mình vì ngày xưa quá nhẹ lòng khi thỏa hiệp nhường đất cho dự án.
Để có một cái nhìn sâu sát nhất về chuyện KCN Bá Thiện bị bỏ hoang chúng tôi tìm gặp những người dân từng phải đi tù vì tội “giữ đất” ở xã Bá Hiến vào những năm 2007. Gia đình ông Nguyễn Xuân Dậu ở thôn Đê Hến là một ví dụ điển hình.
“Tiền thân” của bãi đất hoang mang tên KCN Bá Thiện bây giờ là cánh đồng bờ Mương của nông dân xã Bá Hiến. Đó cũng chính là nơi vợ chồng ông Dậu có hơn 2 mẫu ruộng tập trung. Chuyện đã qua hơn 5 năm nhưng nhưng thành viên trong gia đình người cựu chiến binh này vẫn nhớ rõ mồn một như thể mới xẩy ra từ ngày hôm trước. Ông Dậu liên tục lặp đi lặp lại điệp khúc “chỉ 20 ngày thôi mà” một cách đầy cay đắng. Phải, chỉ 20 ngày là có thể thu hoạch hơn 2 mẫu ruộng, nhưng cũng chính vì suy nghĩ 20 ngày ấy mà vợ ông phải đi tù 7 tháng, con trai, con dâu mỗi người 6 tháng. Một gia đình thuần nông chân chất trong giây lát có tới 3 người đi tù, lại còn phải mang tiếng “chống người thi hành công vụ”. “Dạo ấy, lúa đang thời kỳ trổ đòng, chỉ còn 20 ngày nữa là có thể thu hoạch. Dân khấp khởi vì đó có thể là vụ lúa cuối cùng trên cánh đồng quê hương, lại có dấu hiệu được mùa vì lúa trổ đòng đẹp lắm.
+ Theo quy định của Luật Đất đai 2003, với những khu đất để hoang sử dụng lãng phí trong thời gian dài, thanh tra đất đai thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường rà soát lại toàn bộ rồi lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh có quyết định thu hồi. Sau đó, tỉnh yêu cầu các tổ chức, cá nhân tự kiểm tra, điều chỉnh phương án sử dụng đất... Nếu không khắc phục được, thành phố sẽ tiến hành thu hồi rồi mời các nhà đầu tư khác vào tham gia đấu giá.
+ Ông Dậu làm một phép so sánh được và mất của người dân sau 20 ngày chờ thu hoạch và chủ đầu tư 5 năm trời bỏ hoang: “Nếu chờ chúng tôi thêm 20 ngày, riêng 2 mẫu ruộng gia đình tôi sẽ thu hoạch được hơn 3 tấn lúa. 400 ha ruộng của xã Bá Hiến bị thu hồi tôi cứ tính năng suất thấp cũng 48 tạ một ha. Đất đồng Mương hầu hết là đất hai lúa, mỗi năm 2 vụ, 5 năm 10 vụ. Chỉ tính bình quân sản lượng thóc thì 5 năm trời ấy đã bỏ phí mất 4.800 tạ lúa của người dân rồi.
Vậy mà đùng một cái, chiều hôm trước chính quyền họp dân nói chuyện thu hồi đất thì ngày hôm sau đã thấy lực lượng cưỡng chế kéo theo máy móc về san ủi. Dân chúng tôi tiếc quá bèn kéo nhau ra xin chính quyền “gia hạn” thêm cho 20 ngày nữa, chờ thu hoạch lúa xong rồi lấy ruộng cũng chưa muộn. Nhưng kêu nào có thấu ai. Bà vợ tôi là Nguyễn Thị Thử, 62 tuổi rồi vẫn lao mình ra giữa đồng miệng liên tục xin thêm 20 ngày. Con trai, con dâu thấy thế cũng theo mẹ lao ra xin thêm 20 ngày. Dần dần, hàng trăm người dân có ruộng lúa đổ xô ra xin xỏ thêm 20 ngày. Nhưng kết quả là gì? Ruộng bị san phẳng, còn người giữ ruộng thì đi tù gần hết”.
Ông Dậu gọi “chuyện đi tù” là một nỗi nhục trong cuộc đời vừa cống hiến cho đất nước vừa làm nông nghiệp như mình. Nhưng rồi ông lại hỏi: Đặt người dân vào tình cảnh ấy có ai không làm như vợ con tôi không? Đổ bao nhiêu mồ hôi công sức vào ruộng, sắp đến ngày gặt còn bị lấp xuống đất bùn thì có ai mà không tiếc không?
Đồng tình ông Dậu, ông Nguyễn Quốc Mậu, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ xã Bá Hiến thẳng thắn: “Ở đâu thì chẳng biết chứ ở đây tôi thấy KCN chẳng mang lại lợi lộc gì cho dân cả. Thậm chí, từ ngày có KCN thì khó khăn cho cuộc sống người dân, khó khăn cho ngành nông nghiệp không tính xuể”.
Một mặt thừa nhận có những chuyện ở cương vị của mình đang công tác “không được phép nói”, nhưng có lẽ vì quá bức xúc nên ông Mậu làm phép so sánh: 185 hộ dân mất trắng đất nông nghiệp, 1.300 hộ mất từ 30-60%, 3.140 ngôi mộ phải di dời, 220 hộ dân phải chuyển nhà sang khu vực tái định cư, hàng ngàn tạ lúa bị bỏ phí để đổi lại 5 năm ngồi nhìn cỏ hoang mọc trong dự án KCN, thử hỏi có cái giá nào đắt hơn thế?
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ