Mô hình kinh tế Chủ động bảo vệ ao nuôi thủy sản trong mùa mưa lũ

Chủ động bảo vệ ao nuôi thủy sản trong mùa mưa lũ

Ngày đăng 13/11/2015

Chủ động bảo vệ ao nuôi thủy sản trong mùa mưa lũ

Để bảo vệ ao nuôi trong mùa mưa lũ, địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, làm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với ao nuôi tôm.

Năm 2007, nghề nuôi tôm bắt đầu xuất hiện tại xã Hải An, từ đó đến nay, nghề này đã đóng góp trên 50% thu nhập của địa phương, đã có 59/103 hộ dân tham gia nuôi tôm với tổng diện tích 46,6 ha.

Chúng tôi đến xã Hải An khi mùa mưa bão đang đến gần.

Đối với các hộ nuôi tôm ở đây ngoài việc chăm sóc, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho tôm nuôi thì công tác bảo vệ ao nuôi luôn đặt lên hàng đầu.

Nhờ thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ ao nuôi nên nhiều năm nay, các ao nuôi tôm trên địa bàn đều được bảo vệ an toàn trong mùa mưa lũ.

Từ 3 năm nay, nuôi tôm trở thành nguồn thu nhập chính của nhóm hộ anh Lê Xuân Lâm, thôn Mỹ Thủy.

Với 5 ao nuôi diện tích 15.000m2, mỗi năm nhóm hộ anh Lâm thu nhập khoảng 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi ròng khoảng 400 triệu đồng.

Nghề nuôi tôm đem lại thu nhập khá cao cho nhiều người dân xã Hải An (Hải Lăng)

Anh Lâm cho biết: “Trong nuôi tôm, ngoài việc tuân thủ kỹ thuật nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh thì việc bảo vệ an toàn cho ao nuôi trong mùa mưa lũ rất quan trọng.

Do vậy, ngay từ đầu mùa mưa, tôi đã chủ động kiểm tra đê điều, tăng cường gia cố, sửa chữa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở làm thất thoát vật nuôi.

Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết để có biện pháp thu hoạch kịp thời trước khi mưa bão xảy ra”.

Theo ông Lê Bá Phước, Chủ tịch UBND xã Hải An, để đảm bảo an toàn cho ao nuôi tôm trong mùa mưa lũ, chính quyền địa phương đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông của xã về tận các hộ nuôi tôm để vận động người dân sửa chữa, chỉnh trang lại ao hồ, đê kè bao quanh hệ thống ao nuôi tôm.

Đối với các ao hồ gần biển phải trồng cây chắn gió, chắn cát bay, các ao nuôi gần khe nước phải gia cố lại đê bao để chống sạt lở trong mùa mưa.

Chỉ đạo trong nhóm hộ nuôi tôm thành lập các tổ bảo vệ ao tôm để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu do mưa bão gây ra.

Riêng đối với những ao tôm chưa thả giống, địa phương cũng chỉ đạo các hộ tăng cường gia cố lại bờ ao, giàn quạt, máy sục khí...

sẵn sàng để thả tôm vụ đông khi mùa mưa bão đi qua.

Đối với các ao tôm bị bệnh, chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân tạm thời dừng nuôi để tiến hành xử lý ao hồ trước khi thả vụ mới.

Mỗi năm nuôi tôm có 2 vụ, trong đó vụ đông từ tháng 9-12 (âm lịch) tuy trái vụ, thường xuyên bị ảnh hưởng của lụt bão nhưng lại là vụ đem lại thu nhập chính trong năm.

Do vậy, việc bảo vệ ao nuôi trong mùa mưa lũ đóng vai trò rất quan trọng, quyết định đến năng suất và chất lượng của tôm vụ đông.

Thời gian qua, nhờ triển khai hiệu quả các biện pháp bảo vệ ao nuôi nên hệ thống ao nuôi tôm trên địa bàn xã Hải An ít bị ảnh hưởng của mưa bão, đảm bảo sản lượng tôm của người dân.

Tính đến nay, toàn huyện Hải Lăng có 66,6 ha ao nuôi tôm ở vùng cát ven biển và trên 400 ha mặt nước nuôi thủy sản nước ngọt các loại.

Hải Lăng nằm ở vùng thấp trũng nên mùa mưa bão thường gây ra ngập úng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng nguồn thủy sản.

Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn ao nuôi tôm nói riêng và ao nuôi trồng thủy sản nói chung trước mùa mưa bão, huyện đã chủ động triển khai nhiều biện pháp giúp người dân chủ động phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn với diện tích nuôi.

Theo đó, các hộ nuôi tôm ven biển cần theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn và diễn biến bão lũ.

Khuyến khích các hộ nuôi tôm kiểm tra, gia cố lại bờ đê, sửa chữa, giằng néo lại các chòi canh cũng như các công trình phụ khác đảm bảo chắc chắn, bổ sung chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.

Ngoài ra, các chủ ao nuôi cần củng cố bờ vùng, đăng cống, lưới và dự trữ cọc tre, bao cát để chủ động đối phó khi có mưa lũ xảy ra.

Để hạn chế hiện tượng giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi tôm, người nuôi phải có kế hoạch điều tiết nước thích hợp.

Trong khi mưa nên tránh các hoạt động làm xáo trộn nước trong ao nuôi và sau khi mưa cần nhanh chóng rút bớt nước ở tầng mặt của ao.

Tích cực áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho tôm khi thời tiết thay đổi bất thường.

Đồng thời cần chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng khi điện lưới bị mất.

Ông Đào Văn Trẫm, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hải Lăng cho biết thêm: “Trước mùa mưa lũ, chúng tôi khuyến cáo các hộ nuôi tranh thủ thời tiết tốt để thu hoạch sớm đối với những diện tích nuôi tôm đến vụ thu hoạch.

Với các ao nuôi gần biển, nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão từ biển đổ vào, các hộ nuôi cần chuẩn bị bao tải để bảo vệ đê, các thiết bị ao nuôi tôm phải được che chắn bảo vệ cẩn thận.

Ngoài việc chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ của các hộ nuôi tôm, sự hỗ trợ của chính quyền các địa phương đối với các hộ nuôi tôm, Phòng NN&PTNT huyện cũng đã cử cán bộ về tận cơ sở để hướng dẫn người dân cách phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra”.


Khởi nghiệp với mô hình nuôi lươn giống Khởi nghiệp với mô hình nuôi lươn giống Được mùa tôm tít kẻ bán người mua đều vui Được mùa tôm tít kẻ bán người mua…