Mô hình kinh tế Chủ Động Phòng, Chống Dịch Bệnh Thủy Sản

Chủ Động Phòng, Chống Dịch Bệnh Thủy Sản

Ngày đăng 22/03/2013

Chủ Động Phòng, Chống Dịch Bệnh Thủy Sản

Tuy vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) năm 2013 chỉ mới bắt đầu nhưng người nuôi đang lo lắng trước tình hình môi trường bị ô nhiễm, thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Ám ảnh vì dịch bệnh

Năm 2012, ở các vùng NTTS trọng điểm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa như: Vạn Ninh, Cam Ranh, Ninh Hòa, Nha Trang..., các hộ NTTS lao đao vì dịch bệnh thủy sản. Ông Võ Văn Thạch (tổ dân phố Thuận Hải, phường Cam Thuận, TP. Cam Ranh) cho biết: “Gần chục năm nay, chưa bao giờ tôi thua lỗ nặng như vụ nuôi ốc hương năm 2012. Giữa năm, gia đình tôi bỏ ra 700 triệu đồng để đầu tư ao nuôi, mua 2,4 triệu con ốc giống, thức ăn cho ốc… Thế nhưng, mới thả nuôi được hơn 2 tháng, ốc đã bắt đầu bị đờ và chết dần. Qua tìm hiểu, tôi mới biết là do vi khuẩn, ký sinh trùng gây ra.

Đến cuối năm, tỷ lệ ốc hao hụt đến 80%, chỉ thu được 2,5 tấn ốc thịt, gia đình tôi lỗ hơn 500 triệu đồng”. Gia đình ông Hoàng Đình Hưng (phường Cam Phúc Nam, TP. Cam Ranh) lại lao đao vì tôm hùm. Ông Hưng kể: “Năm 2012, tôi nuôi 1.500 con tôm hùm, mỗi ngày có hơn 10 con tôm chết vì bệnh sữa, đỏ thân, đen mang. Đến vụ thu hoạch, số tôm hao hụt hơn 60%. Trong khi đó, giá bán tôm hùm vụ cũng giảm mạnh (chỉ khoảng 1 triệu đồng/kg) nên gia đình tôi lỗ mấy trăm triệu đồng”.

Tại Vạn Ninh, Ninh Hòa, không riêng ốc hương, tôm hùm mà nhiều đối tượng thủy sản nuôi trồng khác cũng bị thiệt hại nặng trong vụ nuôi năm 2012. Theo ông Huỳnh Kim Khánh - Chi cục trưởng Chi cục NTTS tỉnh, năm 2012, tình hình thời tiết có nhiều biến động cộng với môi trường NTTS ngày càng ô nhiễm... khiến nhiều vùng nuôi tôm hùm, tôm chân trắng, ốc hương... bị thiệt hại nặng. Toàn tỉnh thiệt hại hơn 1.700ha tôm sú, tôm chân trắng, hơn 2.200 lồng tôm hùm, 67,5ha tu hài, 353ha cá biển, 32,4ha rong biển..., gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Chủ động phòng bệnh

Ngay từ những ngày đầu năm 2013, tôm hùm của các hộ nuôi ở xã Cam Bình (TP. Cam Ranh) đã xuất hiện dịch bệnh với nhiều biểu hiện lạ như: bỏ ăn, rụng chân, tại các vùng bị tổn thương có mùi thối, có nhiều ký sinh trùng, ít hoạt động... Điều này đã khiến không ít hộ NTTS trên địa bàn tỉnh lo ngại cho vụ nuôi năm nay. Theo ông Hoàng Đình Minh - Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Phúc Nam, từ nhiều năm nay, tôm hùm là mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương.

Những năm tôm hùm được mùa, người dân khấm khá hẳn, nhiều gia đình vươn lên làm giàu; nhưng khi thất bại, không ít gia đình lâm vào cảnh trắng tay. Mới đây, trước tình hình bệnh lạ trên tôm hùm ở xã Cam Bình, các hộ nuôi ở Cam Phúc Nam cũng rất lo lắng. Hiện nay, trên địa bàn phường có 350 hộ nuôi tôm hùm với khoảng 1.800 lồng. Để hạn chế thiệt hại, ngay từ đầu vụ, địa phương đã khuyến cáo bà con không nên thả nuôi với mật độ dày, đảm bảo nuôi đúng kỹ thuật, tăng cường vệ sinh lồng bè, khu vực nuôi để tránh cho tôm bị dịch bệnh.

Vụ NTTS năm 2013, toàn tỉnh sẽ thả nuôi 3.850ha và 25.320 ô lồng thủy sản. Trong đó có 750ha thủy sản nước ngọt, 3.300ha thủy sản nước mặn, lợ trong ao, đìa, 25.320 ô lồng trên biển. Các đối tượng nuôi trồng chủ yếu là: tôm sú, tôm chân trắng, cá biển, tôm hùm, ốc hương, tu hài... Dự kiến, sản lượng thủy sản nuôi trồng sẽ đạt hơn 24.500 tấn. Tuy nhiên, việc nhiều hộ NTTS chưa tuân thủ quy hoạch vùng nuôi, lịch thời vụ mà thả nuôi theo phong trào có thể sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng thủy sản thương phẩm.

Người nuôi vẫn chưa có thói quen kiểm dịch giống trước khi thả nuôi; việc quản lý vùng nuôi, môi trường nuôi chưa được ngư dân chú trọng. Vì vậy, khi có dịch bệnh xuất hiện, tốc độ lây lan sẽ rất nhanh, rất khó khoanh vùng để xử lý. Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh, hóa chất trong NTTS của các hộ nuôi không theo quy định... cũng là những thách thức lớn đối với kế hoạch NTTS của tỉnh.

Theo nhận định của Chi cục NTTS tỉnh, năm nay, các loại bệnh như: đốm trắng, đầu vàng, hoại tử cơ hội, chứng gan tụy trên tôm sú; bệnh sữa, đen mang, đỏ thân trên tôm hùm; bệnh do một số loại vi khuẩn, ký sinh trùng trên cá biển, ốc hương... có nguy cơ gây thiệt hại hơn cả. Ông Huỳnh Kim Khánh cho biết: “Ngay từ đầu năm 2013, Chi cục đã tăng cường phối hợp với các địa phương kiểm dịch giống thủy sản trước khi thả nuôi; hướng dẫn cho người nuôi lịch thời vụ, kỹ thuật cải tạo ao lồng, chọn giống, kỹ thuật nuôi... để chủ động phòng bệnh ngay từ đầu, bởi một khi đã xảy ra dịch bệnh sẽ rất khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, để giám sát vùng nuôi và có thông tin kịp thời về tình hình bệnh thủy sản, chúng tôi còn xây dựng lực lượng cộng tác viên tại các vùng điểm. Ngoài ra, để chủ động phòng, chống dịch bệnh theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, Chi cục đã xây dựng các giải pháp phòng bệnh cũng như kịch bản xử lý khi có dịch bệnh xảy ra”. Tuy nhiên, theo ông Khánh, để vụ NTTS năm 2013 ít thiệt hại do dịch bệnh, việc chủ động bám sát tình hình, giám sát vùng nuôi của chính quyền cơ sở và ý thức tự bảo vệ của người dân là quan trọng hơn cả. 
Ông Lê Tấn Bản - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Để đảm bảo kế hoạch sản xuất và NTTS một cách bền vững, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản nuôi trọng điểm trên địa bàn tỉnh năm 2013. Theo đó, tập trung vào việc kiểm dịch giống thủy sản trước khi thả nuôi, phân vùng kiểm soát dịch bệnh, giám sát vùng nuôi, giám sát dịch tễ, đột xuất lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện sớm dịch bệnh tại các vùng nuôi trọng điểm… Các giải pháp phòng trừ dịch bệnh đối với thủy sản nuôi trồng: Tập trung thành lập các đội chống dịch, trang bị dụng cụ chẩn đoán, xét nghiệm bệnh; khi dịch bệnh xảy ra sẽ kiểm soát chặt việc vận chuyển; đối với các ổ dịch: sẽ phân loại mức độ bùng phát dịch để có phương án cụ thể khoanh vùng, xử lý.


Sản Xuất Cá Giống Trong Tỉnh Cung Chưa Đủ Cầu Ở Dak Lak Sản Xuất Cá Giống Trong Tỉnh Cung Chưa… Tiếp Tục Phát Triển Nuôi Cá Điêu Hồng, Cá Rô Phi Tiếp Tục Phát Triển Nuôi Cá Điêu Hồng,…