Chủ Động Phòng Ngừa Dịch Bệnh Trong Suốt Quá Trình Nuôi Tôm
Dịch bệnh đốm trắng ở tôm xuất hiện, gây thiệt hại cho người nuôi ngay từ đầu vụ tôm xuân hè 2013. Trong khi đó, công tác phòng chống dịch lại gặp nhiều khó khăn, nguy cơ dịch bệnh có thể lan ra diện rộng. Phóng viên Báo Hà Tĩnh có cuộc trao đổi với bà Đặng Thị Thu Hoàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh về vấn đề này.
- Xin bà cho biết tình hình dịch bệnh đốm trắng ở tôm và việc triển khai dập dịch hiện nay như thế nào?
Bệnh đốm trắng ở tôm (WSSV) được phát hiện từ ngày 3/5 tại một ao nuôi ở xã Kỳ Ninh, sau đó phát sinh thêm ở vùng nuôi tôm tại xã Kỳ Khang, Kỳ Thọ (Kỳ Anh)… và xã Hộ Độ (Lộc Hà), Xuân Trường (Nghi Xuân). Đến ngày 10/6, toàn tỉnh đã phát hiện WSSV tại 18 vùng nuôi tôm của các huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân, Lộc Hà với tổng diện tích 46,3 ha, thiệt hại 986 vạn con tôm giống, trong đó huyện Kỳ Anh chiếm tới 83,3% diện tích bị bệnh.
Sau khi phát hiện dịch, Chi cục Thú y tỉnh đã phân công cán bộ trực tiếp phối hợp với các địa phương kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm xác minh dịch bệnh, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng chống. Trong đó, tập trung khoanh vùng dịch, tiến hành tiêu hủy toàn bộ ao tôm bằng hóa chất Chlorine (nồng độ 30 ppm); quản lý chặt nước trong ao sau 7 - 10 ngày mới được thải nước đi; cải tạo ao nuôi để thả lại tôm vụ mới, hoặc chuyển đổi nuôi đối tượng khác.
Chi cục đã cấp gần 4.150 kg hóa chất Chlorine hỗ trợ xử lý dịch bệnh. Ngoài ra, ngành chuyên môn hướng dẫn việc kiểm soát thu hoạch tôm trong vùng dịch, khắc phục một số yếu tố môi trường nước ao nuôi đối với tôm chết do một số chỉ tiêu môi trường vượt ngưỡng cho phép, xử lý chế phẩm sinh học, Zeolite... khi đáy ao ô nhiễm, khử trùng nguồn nước bằng Chlorine, BKA, BKC...
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, công tác khống chế, dập dịch đốm trắng ở tôm hiện vẫn còn nhiều khó khăn, dẫn đến dịch bệnh tiếp tục phát sinh, nguy cơ lan rộng.
- Những khó khăn trong công tác khống chế, dập dịch hiện nay là gì, thưa bà?
Những vùng nuôi tôm bị bệnh trên đều thuộc vùng nuôi theo phương thức quảng canh, quảng canh cải tiến với quy mô hộ gia đình. Do đó, cơ sở hạ tầng tại các vùng nuôi này hầu hết không đảm bảo, quản lý vùng nuôi chưa tốt gây khó khăn trong việc kiểm soát mầm bệnh, nhất là các động vật trung gian mang và lan truyền mầm bệnh.
Sau khi phát hiện dịch bệnh, một số địa phương và người dân còn chủ quan, thờ ơ. Trong đó, xem nhẹ công tác phòng chống dịch bệnh, báo cáo dịch chậm, chưa tập trung cao khoanh vùng dập dịch, có nơi biểu hiện sự thụ động, trông chờ hỗ trợ từ các cấp, ngành. Đặc biệt, hóa chất dập dịch hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu. Toàn tỉnh còn có gần 67% diện tích bị dịch bệnh nhưng chưa có hóa chất để xử lý. Mặt khác, năng lực giám sát, phát hiện dịch còn yếu, nhất là tuyến cơ sở (phần lớn đội ngũ thú y xã chưa được tập huấn kiến thức về giám sát dịch bệnh thủy sản)...
- Ngành chuyên môn có khuyến cáo gì để hạn chế sự lây lan dịch bệnh ở tôm trong thời gian tới?
Để ngăn chặn sự lây lan của dịch đốm trắng ở tôm, trước tiên, các địa phương cần tập trung cao cho công tác chỉ đạo và huy động nguồn lực khống chế dịch bệnh; thành lập tổ công tác, phân công cán bộ bám sát địa bàn, tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm, tổ chức thực hiện các biện pháp bao vây, dập dịch; chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác phòng chống dịch, đồng thời báo cáo tình hình dịch, diễn biến dịch bệnh theo quy định.
Bên cạnh đó, ngành chức năng và các địa phương cần tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa tại các vùng chưa xẩy ra dịch bệnh; người nuôi tôm tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, cùng nhau bảo vệ môi trường vùng nuôi, tránh lây lan từ hộ này sang hộ khác.
Về lâu dài, phải chủ động phòng chống dịch trong suốt quá trình nuôi. Trong đó tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng, rà soát năng lực để tổ chức chuyển đổi phương thức nuôi quảng canh cải tiến sang nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh và nuôi xen ghép với các đối tượng khác (cua, rong câu...). Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh thành lập các vùng nuôi theo hình thức HTX, tổ hợp tác..., chủ động kiểm soát các yếu tố đầu vào và quản lý vùng nuôi theo quy chế, huy động nguồn lực tham gia cùng với chính sách của Nhà nước khắc phục khi dịch bệnh xảy ra... tạo điều kiện sản xuất an toàn, bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ