Chủ động ứng phó bệnh đạo ôn
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, bệnh đạo ôn đã phát sinh gây hại trên lúa xuân, UBND huyện Nghi Lộc (Nghệ An) phối hợp cùng Trạm Trồng trọt & BVTV, Cty Syngenta VN và Tập đoàn Lộc Trời tổ chức chương trình “Tọa đàm quản lý bệnh đạo ôn”.
Triệu chứng bệnh đạo ôn trên lá
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc chia sẻ: “Đây là một chương trình trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về quản lý đạo ôn và các dịch hại khác trên cây lúa. Có sự phối hợp của Cty Syngenta VN và Tập đoàn Lộc Trời, là các đơn vị có các sản phẩm chất lượng, uy tín được khẳng định nhiều năm qua tại Nghi Lộc, đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực BVTV, thường xuyên bám sát đồng ruộng với nông dân. Đây là dịp tốt để chúng ta cùng trao đổi khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, đặc biệt là trong việc quản lý bệnh đạo ôn trên lúa".
Cũng theo ông Thọ, huyện sẽ tiếp tục theo dõi để có dự báo chính xác về bệnh đạo ôn. Các xã cần chỉ đạo quyết liệt, triển khai sớm thông tin diễn biến của bệnh cũng như biện pháp phòng trừ đến sớm nhất với người nông dân. Việc tuyên truyền khuyến cáo cho nông dân phải tuân theo nguyên tắc 4 đúng trong BVTV. Tiếp cận và xác định các loại thuốc đặc hiệu nhất để phòng trừ. Với đạo ôn cổ bông chỉ có thể phòng, nếu chúng ta không chủ động thì sẽ đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn, đặc biệt giai đoạn xung yếu nhất là từ khi cây lúa đòng trỗ về sau...
Bà Đặng Thị Hải, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt & BVTV Nghi Lộc cho biết: “Tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng rất phức tạp, rầy và bệnh đạo ôn đã phát sinh, phát triển, đặc biệt bệnh đạo ôn đã phát sinh trên 20 xã. Hiện thời tiết rất thuận lợi, người dân vừa bón thúc đợt 1, lúa xanh tốt trong điều kiện thời tiết thế này cần đặc biệt chú ý đến bệnh đạo ôn”.
Ông Đồng Thanh Bình, Phó trưởng Phòng NN&PTNT Nghi Lộc chia sẻ: “Như chúng ta biết, năm 2017 toàn huyện có hơn 600 ha lúa nhiễm đạo ôn cổ bông, trong đó hơn 200 ha gần như mất trắng. Vì thế đây là một chương trình rất ý nghĩa, rất nhiều ý kiến thực tế từ người dân, từ các xã, ban chuyên gia đã trả lời, giải đáp đầy đủ các ý kiến đó, tôi thấy rất sát thực tế, rất cần thiết.
Triệu chứng bệnh đạo ôn trên cổ bông
Sau buổi trao đổi này, chúng ta có thêm kinh nghiệm, kiến thức về quản lý bệnh đạo ôn để áp dụng, tuyên truyền cho nhiều người khác. Chúng ta cần phải chủ động trong mọi tình huống, không để xẩy ra thiệt hại như vụ xuân 2017 lặp lại”.
Ông Nguyễn Viết Sáu, Tập đoàn Lộc Trời cho biết: “Đối với bệnh đạo ôn, cần lưu ý 3 yếu tố quan trọng là giống nhiễm, điều kiện thời tiết và chế độ phân bón. Giống nhiễm có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất trong điều kiện thời tiết bất thuận như ẩm độ cao, trời âm u, sáng sớm có sương mù, nhiệt độ từ 20 -30 độ C, đặc biệt bón phân không cân đối, thừa đạm, bộ lá xanh non, là các điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển và gây hại nặng”.
Để phòng trừ hiệu quả bệnh đạo ôn cần thực hiện tốt các công tác sau:
- Cần chú ý đến các thông báo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, thường xuyên kiểm tra thăm đồng, kịp thời phát hiện và theo dõi diễn biến của bệnh đạo ôn.
- Trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển, nên tiến hành phòng trừ khi xuất hiện vết bệnh cấp tính (vết chấm kim), nếu vết bệnh đã mãn tính (vết hình mắt én) thì phun lại lần 2 sau 5 - 7 ngày. Đối với đạo ôn cổ bông, nên phòng trước lúc lúa trỗ tập trung 7 - 10 ngày.
- Dừng việc bón đạm, phun chất kích thích, phân bón lá khi bệnh xuất hiện và trong thời gian phòng trừ. Sử dụng các loại thuốc đặc hiệu như Filia 525 SE, Amistar Top 325 SC… Pha theo nồng độ khuyến cáo trên nhãn mác, phun ướt đều trên lá, lượng nước phun tùy theo tiết diện lá và độ lớn của cây lúa. Nên tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn, cán bộ kỹ thuật khi sử dụng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ