Tin thủy sản Chủ động ứng phó với hạn mặn và dịch bệnh trên tôm nuôi

Chủ động ứng phó với hạn mặn và dịch bệnh trên tôm nuôi

Tác giả Lê Huy Hải, ngày đăng 14/04/2016

Chủ động ứng phó với hạn mặn và dịch bệnh trên tôm nuôi

Để chủ động ứng phó hạn, mặn và dịch bệnh trên tôm nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, khuyến cáo nông dân tuân thủ đúng lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ năm 2016; không tiếp tục thả tôm giống ở những vùng nguồn nước có độ mặn trên 25‰, đặc biệt là các xã ven biển thuộc 2 huyện An Biên và An Minh, chờ đến thời điểm thời tiết thuận lợi hơn. Bố trí cán bộ kỹ thuật chuyên môn phối hợp với các địa phương tăng cường công tác giám sát vùng nuôi, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh vùng đã thả giống để kịp thời phát hiện, xử lý ổ dịch, ngăn chặn lây lan trên diện rộng. Chủ động các biện pháp ứng phó nhanh khi xuất hiện những cơn mưa trái mùa, thời tiết giai đoạn chuyển sang mùa mưa làm biến động môi trường, nguồn nước trong ao đầm, gây sốc đàn tôm, phát sinh dịch bệnh và chết. Tập huấn, hướng dẫn nông dân các giải pháp ứng phó với hạn mặn, kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho tôm; quản lý chất lượng con giống, hóa chất, thuốc thú y thủy sản và dự phòng Chlorine dập dịch.

Theo ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, Sở tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với địa phương bám sát địa bàn, kiểm soát vùng nuôi tôm; cập nhật tình hình khôi phục sản xuất tại những hộ nuôi bị thiệt hại, xử lý triệt để dịch bệnh, khống chế lây lan; kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn và dịch bệnh gây ra cho đàn tôm nuôi.

Theo đó, đối với hình thức nuôi quảng canh cải tiến và tôm - lúa, tập trung gia cố bờ bao, cống thủy lợi để tăng khả năng giữ nước khi có nguồn nước ngọt từ thượng nguồn đổ về Đồng bằng sông Cửu Long; duy trì mực nước trên đồng đất nuôi tôm đảm bảo an toàn, thích hợp với điều kiện sống của tôm. Xây dựng ao lắng để xử lý và chủ động cấp nước trong quá trình nuôi tôm, nhất là thời điểm nguồn nước ngoài kênh, rạch không phù hợp để cấp trực tiếp vào ao đầm, ruộng nuôi như bị ô nhiễm, mầm bệnh lây lan, nồng độ mặn quá cao… Con giống trước khi thả nuôi phải qua kiểm dịch, có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng tốt.

Đối với hình thức nuôi công nghiệp - bán công nghiệp, gia cố bờ bao, cống bọng tránh rò rỉ, thẩm lậu; bố trí ao lắng đúng quy cách; thực hiện biện pháp an toàn sinh học trước khi thả tôm và trong quá trình nuôi bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học đảm bảo môi trường nước cũng như sức khỏe đàn tôm; hạn chế mất nước và thay nước khi môi trường ổn định. Chọn con giống chất lượng tốt, sạch bệnh và ương vèo trước khi thả nuôi thương phẩm nhằm giúp tôm thích nghi với môi trường, nguồn nước. Bổ sung vitamin C, khoáng vi lượng, axit amin thiết yếu, duy trì các yếu tố về độ mặn, pH, oxy hòa tan, mực nước thích hợp trong ao nuôi nhằm giúp tôm nuôi tăng trưởng tốt, tăng khả năng chống chịu với những bất lợi từ môi trường bên ngoài.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 8.000ha tôm nuôi bị thiệt hại, tập trung ở các huyện An Biên, An Minh và Vĩnh Thuận. Nguyên nhân do nắng hạn kéo dài làm cho lượng nước bốc hơi nhanh, độ mặn trong ao đầm tăng cao, môi trường biến động lớn dẫn đến tôm nuôi bị sốc, phát sinh các loại dịch bệnh như: đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp và còi. Dự báo dịch bệnh trên tôm nuôi còn diễn biến phức tạp và khó lường trong thời gian tới do điều kiện thời tiết tiếp tục bất lợi, gây thiệt hại tôm nuôi. Kết quả quan trắc môi trường của Chi cục Thủy sản Kiên Giang tại các khu vực ven biển An Biên, An Minh, vùng Tứ giác Long Xuyên và giáp ranh 2 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu thuộc huyện Vĩnh Thuận, nguồn nước có độ mặn tăng cao từ 25 - 31‰, không phù hợp thả tôm giống và ảnh hưởng xấu đến đàn tôm nuôi.


Hiệu quả từ tạo thảm thực vật để nuôi tôm Hiệu quả từ tạo thảm thực vật để… Niềm vui kép trên những con tàu khủng Niềm vui kép trên những con tàu khủng