Chúa Đất Miền Tây
Hơn 20 năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để khai hoang vùng đất chua, mặn Tứ giác Long Xuyên, giờ Sáu Đức đã có số vốn đất lận lưng thuộc hàng “khủng” nhất nước.
Như đã hẹn, Sáu Đức (tức Nguyễn Lợi Đức, ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, An Giang) tất tả từ đồng chạy về tiếp tôi. Nhìn Sáu Đức người ta nghĩ đấy là một doanh nhân hơn là ông nông dân chân lấm, tay bùn. Ông ăn mặc khá tươm tất. Thậm chí, nếu cần ông đánh cả xe con đi giao dịch làm ăn.
Chủ của 2.500 công đất
Chơi với Sáu Đức lâu nay, tôi biết anh đích thị là dân “đấu lô”. Những năm 80, 90 thế kỷ trước, ông và đám bạn trai tráng ở An Giang sang tận Campuchia để “đấu lô” quầng đăng nuôi cá. Ông bảo lúc bấy giờ, cá bên Miên (Campuchia) nhiều lắm. Mỗi lần thu hoạch, phải chở cá bằng sà lan về Việt Nam tiêu thụ. Nhiều dân “đấu lô” đã giàu to với công việc này.
Vậy mà chẳng hiểu “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” thế nào, ông về bàn với “bà Sáu” (Sáu Đức hay gọi vợ như thế) gác sang bên cái nghề “đấu lô”. Rồi ông bán hết nhà cửa, ghe tàu vào xã kinh tế mới Lương An Trà mua đất khai hoang. “Năm 1997, tôi về đây mua đất khai hoang. Lúc đó, vùng này đất hoang hóa nhiều lắm. Bà con đi kinh tế mới đến đây nhận đất để khai hoang trồng lúa 10 người thì hết 9 người làm ăn thất bại, chán nản bỏ đất đi tứ tán” - ông Sáu kể.
Để tính chuyện “làm ăn lớn”, ông Sáu lội vào sâu trong đồng mua những khoảnh đất lớn khai hoang với giá 700.000 đồng/công (1.000m2). Triết lý của Sáu Đức là, đã làm nông thì phải làm kiểu nông trang mới phát triển kinh tế được.
Có được đất, Sáu Đức sắm ngay chiếc máy cày cũ của Liên Xô, rồi thuê nhân công đốt cỏ, nhổ gốc tràm, ban gò, lấp lung… chuẩn bị trồng lúa. “Cực chẳng khác gì con trâu. Tờ mờ sáng, tôi phải mò ra đồng, tối mù tối mịt mới về đến nhà. Chiếc máy cày cũ còn xục xịch hư lên, hư xuống chứ tui quyết mình không được ngã bệnh. Mất 7-8 năm đầu tư đất hoang hóa tốn biết bao công sức, tiền của mới thành đất thuộc” - ông Sáu Đức kể.
Tôi hỏi Sáu Đức, sau bao nhiêu năm bỏ công khai hoang bây giờ có bao nhiêu công đất? Ông cười đầy ẩn ý: “Vụ này (đông xuân) tôi làm có… 2.500 công ”. Điều đó, có nghĩa là Sáu Đức đang sở hữu tới 250ha đất. Với giá trung bình 30 triệu đồng/công đất như hiện nay ở Tứ giác Long Xuyên, thì Sáu Đức xứng danh là “Chúa đất” miền Tây.
Hiện thực hóa giấc mơ nông trang
Sáu Đức đưa tôi ra cánh đồng rộng hàng chục mẫu đang dọn đất chuẩn bị vụ đông xuân. Nhìn cánh đồng “cò bay thẳng cánh” mới thấy hết khát khao hiện thực hóa giấc mơ nông trang của Sáu Đức. Kế hoạch dồn điền, đổi thửa này được ông thực hiện bằng cách cứ mua đất rồi đổi đất với nông dân. Cứ thế, theo năm tháng, giờ ông Sáu đã có những “cánh đồng mẫu lớn” ai thấy cũng thèm khát.
Có thể nói, ông Sáu là một trong những nông dân đầu tiên ở miền Tây Nam Bộ cơ giới hóa đồng ruộng gần như hoàn toàn. “Những công đoạn làm nông, tôi đều cố gắng trang bị cơ giới hóa. Tôi mua máy cấy, gặt đập liên hợp, sạ hàng, cày xới, xây dựng nhà kho, máy sấy… để canh tác”- Sáu Đức nói.
Sáu Đức còn là người tiên phong ở miền Tây Nam Bộ đưa máy san đất có điều khiển bằng tia lazer vào đồng ruộng. Sử dụng phương pháp này khiến mặt ruộng thẳng tắp tiết kiệm rất nhiều chi phí sản xuất. Hiện, Sáu Đức chỉ còn thiếu… máy bay để bón phân, sạ giống, phun thuốc giống như nông dân ở các nước phát triển.
Theo ông Sáu, việc làm nông theo kiểu nông trang và cơ giới hóa đồng ruộng kéo theo phải trang bị một lượng nhân công có tay nghề cao mà anh quen gọi là “công nhân đồng ruộng”. Ngoài gần chục người trông coi, sử dụng, sửa chữa máy móc khi hỏng hóc, anh Sáu còn có 2 người làm công việc quản lý (6 triệu đồng/tháng/người). Họ không khác gì công nhân phải đến nông trang hàng ngày để làm việc.
“Khát” đất trồng lúa
Quả thật có tiếp xúc với ông Sáu, mới thấy rằng Sáu Đức không phải làm nông đơn thuần mà còn là một nhà kinh doanh nghĩ xa, trông rộng. Sáu Đức “khát” đất vô cùng. Chính vì thế, trung tuần tháng này (tháng 11), Sáu Đức sẽ sang tỉnh Champasak (Lào) thuê đất trồng lúa.
Dự án này nằm trong chương trình hợp tác hữu nghị giữa tỉnh An Giang và Champasak nhằm chuyển giao kỹ thuật trồng lúa cho tỉnh bạn. “Tôi định sang Lào thuê đất trồng lúa, bước đầu là 300ha. Tôi đã tiếp xúc với Công ty AMI (Pháp) để hợp đồng sản xuất lúa giống cho họ” - Sáu Đức khoe.
Theo Sáu Đức, nếu Nhà nước gỡ bỏ hạn điền cho mở rộng diện tích sản xuất thì cũng chẳng lo gì. Đất nông nghiệp bây giờ ở miền Tây rất mắc. Mỗi ha lên đến 700-800 triệu đồng. Không ai dại gì mua đất ồ ạt để làm lúa lời mỗi năm có 30 triệu đồng/ha”.
Quy định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp cũng là một trở ngại cho nhà nông. Trước đây là Nhà nước cấp đất nhưng bây giờ nếu hết thời hạn sử dụng đất, Nhà nước chỉ cho thuê, mà đất cho thuê sẽ không được ngân hàng chấp nhận cho vay vốn.
Ông Sáu cho biết, hiện nông dân Lào chỉ mới trồng được 1 vụ lúa/năm. Khi thuê được đất ở Lào, ông sẽ cho xây dựng hệ thống thủy lợi, đưa nước vào nội đồng để nâng số vụ trồng lúa lên 2 vụ/năm. Song song đó, ông sẽ tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho nông dân Lào kỹ thuật canh tác lúa để giúp nâng cao đời sống nông dân.
Để chuẩn bị cho kế hoạch này, vài tháng nay, Sáu Đức phải cất công sang Lào nhằm thăm dò thổ nhưỡng, kỹ thuật canh tác lúa và thị trường lúa hàng hóa ở đây. Ông cho biết nếu kế hoạch này thành công khả năng sẽ thắng lớn.
Theo Sáu Đức, đất hoang hóa ở Tứ giác Long Xuyên giờ đã hết, không còn cơ hội để cải tạo tăng diện tích trồng lúa. Muốn tăng diện tích trồng lúa không còn cách nào khác phải… xuất ngoại làm nông. Ông hy vọng với kiến thức làm nông của mình sẽ giúp nông dân Lào cải thiện đời sống. Và hơn hết, việc xuất ngoại làm nông của Sáu Đức sẽ giúp ông thỏa chí làm nông.
Vừa nói chuyện, sáu Đức ngồi dựa hẳn vào ghế, vẻ mặt trầm ngâm khi chúng tôi bàn đến việc “mở rộng diện tích sản xuất” vượt quy định hạn điền. Anh bảo, biết vậy nhưng vẫn phải làm, đó là xu hướng làm nông mới. Anh nói việc này không có tội, trái lại còn có công với đất nước…
“Nhiều người cho rằng mấy ông “Chúa đất” tích tụ ruộng đất để đầu cơ” - tôi gợi chuyện. Sáu Đức lắc đầu nguây nguẩy trần tình: “Nói vậy oan cho tụi tôi. Phải nói chính xác là tụi tôi mở rộng diện tích sản xuất chứ không tích tụ ruộng đất để đầu cơ. Đất tôi có bây giờ là do tôi khai hoang hoặc mua lại.
Tôi không chiếm đất của ai và vẫn sử dụng cho mục đích nông nghiệp để tạo ra lương thực cho đất nước. Nói thật lòng, nếu không có những người ham làm nông thì vùng đất Tứ giác Long Xuyên này sẽ còn nghèo khổ và hoang vu lắm”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ