Chưa phải là bất lợi!
Trước tình hình nắng nóng và độ mặn cao, không chỉ có người nuôi tôm, mà ngay cả ngành chức năng cũng rất thận trọng khuyến cáo người nuôi thả tôm giống. Thận trọng trên là cần thiết, bởi mỗi sự thiệt hại tôm nuôi đều để lại những hậu quả khó lường, nhất là đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, chính vì quá thận trọng, nên người nuôi đã bỏ lỡ cơ hội bán được tôm với giá cao.
Tiếc rẻ, đó là tâm trạng chung của người nuôi tôm trong tỉnh Sóc Trăng khi những diện tích tôm nuôi có thu hoạch từ đầu năm đến nay, phần lớn đều cho lợi nhuận khá cao. Tuy nhiên, sự tiếc rẻ đó phần lớn đến từ những hộ, trang trại nuôi có đủ điều kiện, nhưng không dám thả nuôi hết diện tích. Họ tiếc vì qua kết quả thả nuôi mang tính thăm dò, giúp họ có một đúc kết hết sức ý nghĩa: "nắng nóng và độ mặn cao chưa hẳn đã là bất lợi". Có lẽ, điều này sẽ vấp phải không ít phản biện từ phía các nhà chuyên môn. Nhưng nếu nhìn vào thực tế từ huyện Trần Đề và Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng rất đáng để suy nghĩ.
Ông Võ Văn Phục, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, cho biết: "Theo tôi được biết, phần lớn hộ thả nuôi tôm đầu năm đến nay ở Mỹ Thanh, huyện Trần Đề đều trúng mùa. Riêng trại tôm của công ty ở khu vực trên cũng có thu hoạch khá so với năm trước". Thật ra, vùng nuôi tôm ở Mỹ Thanh trúng mùa cũng đã được ông Trần Văn Bảy, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, xác nhận hơn tháng trước. Vì sao trong thời điểm được ngành chức năng nhận định là khó khăn nhất, nhưng tôm lại trúng mùa? Câu trả lời có được chính là ở cách làm. Một chủ trại nuôi tôm ở Mỹ Thanh lý giải: "Nếu chúng ta cứ chăm chăm nhìn vào nhiệt độ và độ mặn cao thì đúng là rất bất lợi cho việc thả nuôi. Nhưng nếu chịu khó để ý sẽ thấy rằng, năm nay thời tiết không quá lạnh như mọi năm, nên không có sự chênh lệch lớn về nhiệt độ. Đây chính là một trong những mấu chốt làm nên vụ tôm trúng mùa, nếu ai biết khai thác tốt điểm này và có giải pháp nuôi đúng!".
Giải pháp nuôi đúng ở đây cũng không có gì là quá cao siêu. Chủ yếu là nắm bắt thông tin dự báo thời tiết thủy văn ngay từ khi vụ tôm 2015 vừa kết thúc để trữ nước lại nuôi tiếp cho vụ sau. Ông Võ Văn Phục, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, cho biết thêm: "Những hộ nuôi trúng mùa tôm đều không nuôi hết diện tích ao, mà chừa ra khoảng 40% ao để trữ nước trước khi độ mặn tăng cao. 60% ao còn lại cũng chỉ thả nuôi theo dạng gối đầu và nuôi với mật độ thưa hơn so với vụ chính. Chính cách làm này đã giúp phần lớn chủ nuôi thành công ngay trong thời điểm được đánh giá là khó khăn nhất của vụ nuôi năm nay".
Thực tế cho thấy, với cách làm trên, đến trung tuần tháng 5 vừa qua, tỷ lệ tôm thiệt hại ở huyện Trần Đề và Cù Lao Dung chỉ ở mức 9 – 9,6% so với diện tích thả nuôi. Trong khi đó, sản lượng tôm thu hoạch của huyện Trần Đề 2.578 tấn, năng suất bình quân 6,7 tấn/ha, còn Cù Lao Dung là 1.359 tấn, năng suất bình quân 5 tấn/ha, đối với tôm thẻ. Còn tại Vĩnh Châu, hiện có một doanh nghiệp đang có trong tay cả trăm ao tôm đang phát triển tốt, chuẩn bị đến ngày thu hoạch, tỷ lệ thành công là rất cao.
Những thành công trên là "ngoài mong đợi", nhưng cũng gợi lên không ít điều đáng để suy nghĩ, để các ngành chuyên môn, các nhà khoa học đánh giá, thảo luận và đúc kết, nhằm giúp người nuôi chủ động hơn trong những hoàn cảnh khó khăn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ