Chuẩn Bị Tốt Các Điều Kiện Cho Vụ Nuôi Thủy Sản Xuân Hè
Trong những ngày đầu xuân mới, cùng với bà con nông dân trồng lúa đã tích cực xuống đồng, các hộ nuôi và các doanh nghiệp nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Nam Định đang tích cực cải tạo ao, đầm và chuẩn bị các điều kiện cần thiết bước vào vụ nuôi xuân hè.
Về huyện Ý Yên, chúng tôi chứng kiến không khí lao động khẩn trương của bà con nông dân. Anh Nguyễn Đình Dưỡng, xóm 4, xã Yên Hưng có 3 ao nuôi với tổng diện tích 7.000m2 thường nuôi các loại cá truyền thống. Anh cho biết, ngay sau khi thu hoạch cá, anh đã tháo nước kết hợp bơm, sục đáy ao làm sạch chất thải, sau đó bón vôi bột diệt tạp bảo đảm chỉ số pH của nước ao đạt 8-8,5 mới thả giống để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho các đối tượng nuôi.
Tại các vùng nuôi thủy sản nội đồng như: Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), Nam Vân (TP Nam Định), Nghĩa An (Nam Trực), Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng)… từ nhiều ngày nay, các hộ nuôi đã đổ ra ao, đầm. Đến đâu cũng thấy không khí bận rộn với công việc cải tạo, tu bổ bờ ao và dọn sạch cỏ, cây bụi, lấp các hang hố quanh bờ ao; kiểm tra các cống và xử lý những vị trí bị xói lở, rò nước…, chuẩn bị cho vụ nuôi thuỷ sản mới.
Hiện nay, các đối tượng nuôi truyền thống như cá mè, trôi, trắm, chép… vẫn là những con nuôi chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao do ít rủi ro, sản phẩm có thể thu tỉa, thả bù quanh năm, thị trường tiêu thụ nội địa ổn định.
Do các hộ nuôi có kinh nghiệm và thường xuyên được tập huấn kỹ thuật cải tạo ao, hồ, quản lý chăm sóc các loại cá nuôi nên đã đạt năng suất từ 3-6 tấn/ha/năm. Tại các vùng nuôi tôm tập trung tại các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường, các hộ nuôi và các doanh nghiệp cũng huy động máy xúc, máy bơm, các phương tiện… đào mới, cải tạo ao, đầm, nạo vét, tu sửa bờ ao, xử lý môi trường nước, chuẩn bị điều kiện để bước vào vụ nuôi tôm mới.
Mức đầu tư cho cải tạo ao nuôi tôm khá lớn, đối với diện tích nuôi bán thâm canh - thâm canh tôm thẻ chân trắng từ 50-70 triệu đồng/ha. Anh Nguyễn Văn Vinh, xã Hải Phúc (Hải Hậu) cho biết, năm 2013, gia đình anh nuôi thả 2ha tôm thẻ chân trắng.
Do làm tốt công tác cải tạo đầm và thực hiện nuôi tôm đúng kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh tốt nên gia đình anh đã thu lãi trên 1 tỷ đồng từ 3 vụ nuôi tôm. Để chuẩn bị cho vụ mới ngay từ tháng 11, anh đã thuê máy xúc nhằm mở rộng diện tích nuôi tôm của gia đình lên 3ha. Còn tại các vùng nuôi ngao ở các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, các hộ dân đang tập trung làm sạch cọc, lưới, vây bao bãi, xử lý hà, đảo cát để lưu thông dòng chảy cho ngao…
Theo kế hoạch, năm 2014, toàn tỉnh nuôi 15.567ha thủy sản, trong đó diện tích nuôi mặn lợ 6.159ha, diện tích nuôi nội đồng 9.408ha. Sở NN và PTNT đã tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình cải tạo ao, đầm, diện tích nuôi, lượng giống thả; đôn đốc các địa phương hướng dẫn nông dân chuẩn bị ao nuôi theo quy trình.
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ kỹ thuật cho nông dân. Để nuôi trồng thủy sản (NTTS) năm 2014 đạt hiệu quả cao, ngay từ đầu vụ, các địa phương đã chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các hộ nuôi đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao, đầm, sẵn sàng xuống giống đúng thời vụ.
Đến hết ngày 6-2-2014, toàn tỉnh đã cải tạo được trên 80% tổng diện tích nuôi thủy sản. Năm 2014, tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục tập trung phát triển NTTS theo hướng bền vững, tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm; hạn chế nuôi nhỏ lẻ; đẩy mạnh phát triển nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại; kiên quyết quản lý nuôi theo quy hoạch.
Với tôm thẻ chân trắng, chỉ tập trung phát triển nuôi thâm canh, đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, vốn và nuôi trong vùng quy hoạch. Với các loại nuôi nhuyễn thể, xây dựng và triển khai chương trình nuôi có kiểm soát. Với cá rô phi, xây dựng chương trình sản xuất cá rô phi hàng hóa, đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các địa phương rà soát lại diện tích nuôi, đảm bảo các điều kiện nuôi an toàn dịch bệnh; tập trung phát triển đa dạng các đối tượng có giá trị kinh tế cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương NTTS theo khung thời vụ và cơ cấu đối tượng con nuôi hợp lý theo từng vùng.
Ở vùng mặn lợ, cùng với nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao, cua biển, tích cực mở rộng nuôi cá vược, cá song, cá bớp, cá chim biển vây vàng, rong câu; từng bước đưa cá chim biển vây vàng thành con nuôi chủ lực. Các hộ xây dựng mô hình chú trọng chọn bãi, cải tạo nền đáy bãi nuôi, tạo môi trường đáy thuận lợi cho ngao phát triển, chọn thời điểm thả giống thích hợp để bảo đảm năng suất cao.
Ở vùng nước ngọt, cùng với nuôi thả các đối tượng nuôi truyền thống, phát triển các giống nuôi có giá trị cao như cá diêu hồng, rô phi đơn tính, tôm càng xanh, cá chép V1, cá lóc bông, cá rô đồng, cua đồng...; từng bước đưa cá rô phi thành đối tượng chủ lực ở vùng nước ngọt.
Áp dụng rộng rãi tiêu chuẩn VietGAP trong NTTS, xây dựng và nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi tập trung, khuyến khích các thành phần kinh tế xây dựng trang trại NTTS. Mỗi huyện xây dựng từ 2-3 mô hình điểm và tiếp tục nhân ra diện rộng nhằm tạo ra những vùng sản xuất thủy hải sản hàng hóa tập trung.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ