Chuỗi liên kết yếu ớt
Để ngành chăn nuôi nắm bắt được cơ hội khi bước vào hội nhập, cần ngay những chính sách, cơ chế hỗ trợ hiệu quả từ Nhà nước.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhận định: “Có một nghịch lý là các nhà máy giết mổ tập trung tại Đồng Nai được đầu tư hiện đại lại đang thua lỗ, thậm chí phải đóng cửa vì không có khách hàng.
Trong khi chỉ riêng huyện Thống Nhất hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 2 ngàn con heo đưa vào các lò mổ tại TP.Hồ Chí Minh”.
Lý do các thương lái phải đưa heo về TP.Hồ Chí Minh giết mổ là để đáp ứng nguồn thịt nóng cho nhiều cơ sở làm giò, chả và nội tạng được các mối đến lấy hàng nhiều hơn.
Bà Hoàng Thị Yến, thương lái heo ở xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) cho hay: “Heo tôi mua ở Thống Nhất hầu hết được vận chuyển về cơ sở giết mổ gần khu vực chợ Tân Xuân (TP.Hồ Chí Minh) để giết mổ.
Sau khi giết mổ, tôi chuyển ngay ra chợ đầu mối Tân Xuân chỉ mất 15 - 20 phút, thịt còn nóng nguyên mới đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Còn giết mổ tại Đồng Nai vận chuyển về chợ phải mất 2 - 3 giờ thịt đã nguội, bị khách chê”.
* Giết mổ “sạch” bị chê
Một trong những nguyên nhân khiến những nhà máy giết mổ hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh trên địa bàn tỉnh bị tiểu thương “chê” là vì nó có quy mô sản xuất lớn, quy trình kỹ thuật được chuẩn hóa với những quy định chặt chẽ về môi trường, thú y...
Trong khi tiểu thương đến giết mổ chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, chỉ vài ba con một ngày nên lò giết mổ hiện đại khó lòng đáp ứng vì dây chuyền mổ hiện đại mỗi lần giết mổ phải cần tới cả trăm con heo thịt.
Bên cạnh đó, các lò mổ hiện đại đầu tư lớn, quy trình kiểm soát thú y, xử lý môi trường nghiêm ngặt nên giá giết mổ thường cao hơn các lò mổ thủ công nên thương lái hay đến các lò thủ công hơn, dù các lò mổ thủ công phần đông không đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý môi trường.
Theo lộ trình, các nhà máy giết mổ tại TP.Biên Hòa sẽ đóng cửa, di dời về các vùng quy hoạch giết mổ tập trung.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, đến cuối năm 2015, Đồng Nai sẽ có 18 cơ sở giết mổ tập trung và 15 điểm giết mổ vệ tinh được xây dựng hoàn chỉnh và đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu giết mổ trên địa bàn tỉnh.
Theo quy hoạch giết mổ tập trung, hàng trăm lò giết mổ có phép và không phép nằm ngoài quy hoạch đều phải đóng cửa và di dời vào các khu giết mổ tập trung.
Tuy nhiên, thực tế nạn giết mổ lậu vẫn hoành hành khiến nhiều nhà máy giết mổ tập trung được đầu tư vốn lớn với công nghệ hiện đại, đạt quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm điêu đứng vì thua lỗ, thậm chí phải tạm ngưng hoạt động.
Cụ thể, Nhà máy thực phẩm D & F (huyện Trảng Bom) với vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng đã tạm đóng cửa từ tháng 4-2014 đến nay vì chỉ đạt 5 - 10% công suất hoạt động.
Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Nhà máy D&F, cho biết đơn vị đã xây dựng nhiều phương án, như: nhận giết mổ gia công cho các khách hàng; điều chỉnh lại quy trình giết mổ, thời gian, mức phí… trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng để phù hợp nhất với yêu cầu khách đề ra.
Tuy nhiên, đến nay phương án trên vẫn chưa được triển khai vì thiếu chuỗi liên kết từ nông dân, nhà máy đến doanh nghiệp phân phối.
Trong đó, giết mổ lậu vẫn chưa được kiểm soát là rào cản lớn để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
* Cần chính sách hỗ trợ
Bàn về giải pháp tăng sức cạnh tranh cho chăn nuôi, TS.Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho rằng:
“Ngành chăn nuôi nước ta đang ở thế yếu trong hội nhập và ta phải chấp nhận cuộc cạnh tranh này bằng cách tự nâng khả năng chống đỡ bằng cách liên kết, tăng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh ngang ngửa được với các nước.
Và thực tế đã chứng minh, khi tham gia thị trường, những doanh nghiệp, chủ trang trại xây dựng hoặc tham gia vào chuỗi giá trị có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn so với chăn nuôi riêng lẻ”.
Trong đó, “cởi trói” về mặt cơ chế, chính sách đang là điều được doanh nghiệp, người chăn nuôi đặt ra để ngành này không mất cơ hội khi bước vào hội nhập.
Cụ thể, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển khâu con giống đến tổ chức chăn nuôi, giết mổ, phân phối; xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi; xây dựng hàng rào kỹ thuật, hành lang pháp lý bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước khi bị cạnh tranh không lành mạnh…
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân, nhà máy giết mổ, phân phối, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc điều hành Công ty TNHH San Hà (TP.Hồ Chí Minh), nhấn mạnh: “Tôi không nuôi gà nhưng vẫn tham gia hiệp hội chăn nuôi, tham gia hợp tác xã để gắn bó với nông dân.
Doanh nghiệp đã xây dựng được chuỗi liên kết trong chăn nuôi được 2 năm nay; chuyên môn hóa từ khâu con giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi đến giết mổ, phân phối”...
Tuy nhiên theo bà Hà, để chuỗi liên kết này phát triển bền vững rất cần vai trò của chính quyền địa phương hỗ trợ làm cầu nối trong hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân; hỗ trợ truyền thông đến người tiêu dùng về sản phẩm của những đơn vị làm tốt; đẩy mạnh chính sách phát triển cánh đồng lớn để tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Theo Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng, hiện Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đang tập trung tái cơ cấu ngành chăn nuôi với nhiều chính sách, cơ chế nhằm khuyến khích phát triển, tăng sức cạnh tranh cho ngành này khi bước vào hội nhập.
Trong đó, chú trọng những vấn đề, như: xây dựng hàng rào kỹ thuật hữu hiệu hơn; chính sách phát triển con giống; quản lý thị trường… Tuy nhiên, để những chính sách trên phát huy hiệu quả, các cơ quan, ban, ngành cần cùng vào cuộc thật nghiêm túc, quyết liệt.
Đặc biệt, cần đảm bảo sự liên tục, thường xuyên trong thực hiện để cơ chế, chính sách đi vào thực tế.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ