Chuyển Biến, Khả Thi, Nhưng Cần Thận Trọng
“Việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là hoàn toàn khả thi và tin tưởng nhất định sẽ thành công. Tuy nhiên, việc triển khai đề án cần thận trọng, đặc biệt là việc chuyển đổi đất lúa”.
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Hội nghị sơ kết một năm thực hiện Quyết định số 889/QĐ-TTg (ngày 19/2/2013) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp diễn ra ngày 17/5/2014.
Trồng trọt tiên phong
Ngay sau khi Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Chính phủ phê duyệt, trồng trọt có thể nói là lĩnh vực tiên phong thực hiện đề án này và đến nay sau một năm, nhiều công việc cụ thể đã được triển khai và đạt những kết quả bước đầu. Trong đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được xem là rõ rệt nhất nhằm thực hiện tái cơ cấu thời gian qua.
Theo tổng hợp của Cục Trồng trọt, năm 2013, cả nước đã có hàng trăm nghìn ha đất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang các cây trồng khác có giá trị, trong đó vùng ĐBSCL đã chuyển đổi được trên 87.000 ha; vùng Duyên hải Nam Trung bộ chuyển đổi được gần 7.000 ha, Tây Nguyên hơn 5.300 ha…
Ngoài ra, các tỉnh phía Bắc cũng đang có bước chuyển mình mạnh mẽ với hàng chục nghìn ha đất lúa được chuyển sang cây rau màu, cây ăn quả có giá trị cao hơn hàng chục lần...
Theo Bộ NN-PTNT, năm 2015, sẽ chuyển tiếp 262 nghìn ha đất lúa sang cây trồng khác, trong đó vùng ĐBSCL 112 nghìn ha, Duyên hải Nam Trung bộ 49 nghìn ha, ĐBSH 42 nghìn ha…
Đến năm 2020, tiếp tục chuyển đổi 511 nghìn ha… Ngày 22/4/2014, Thủ tướng Chính phủ cũng đã kịp thời ban hành Quyết định số 580/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ giống để phục vụ chuyển đổi từ trồng lúa sang cây trồng màu tại vùng ĐBSCL.
Đi đôi với chuyển đổi, việc xây dựng các cánh đồng mẫu lớn (CĐML) trong năm 2013 tiếp tục tạo được sức bật mạnh mẽ.
Cụ thể ở Nam bộ đã có 13 tỉnh tham gia với tổng cộng gần 370 mô hình, tương đương tổng diện tích trên 120 nghìn ha. Vùng ĐBSH với đặc thù ruộng đất manh mún cũng đã dần tạo được các cánh đồng SX hàng hóa lớn với tổng cộng trên 1.200 mô hình, tổng diện tích trên 35 nghìn ha…
Để thúc đẩy phong trào xây dựng CĐML, năm 2013, Bộ NN-PTNT trình Chính phủ kịp thời ban hành Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ liên kết SX, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng CĐML…
Đối với các loại cây công nghiệp, Cục Trồng trọt gấp rút hoàn thiện nhiều chương trình, đề án quan trọng như: Đề án tái canh cây cà phê; Đề án phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam đến năm 2020; tập trung điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành điều đến năm 2020, định hướng 2030…
Đối với lĩnh vực giống cây trồng được xem là khâu quan trọng phục vụ việc chuyển đổi đất lúa, ngày 10/4/2014, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt kế hoạch SX giống lúa xác nhận năm 2014-2015 vùng ĐBSCL. Hiện tại, các thủ tục nhằm đưa ngô biến đổi gen vào SX cũng đã cơ bản hoàn thành, sẽ được đưa vào SX thương mại trong năm 2014.
Toàn ngành vào guồng
Ngoài trồng trọt, lâm nghiệp cũng là một trong những lĩnh vực sớm được phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu với hàng loạt các Quyết định cụ thể như: Quyết định nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng SX giai đoạn 2014-2020; Quyết định nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến giai đoạn 2022-2020…
Để phục vụ cho đề án tái cơ cấu trong lĩnh vực lâm nghiệp, đến nay, Tổng cục Lâm nghiệp đang gấp rút triển khai dự án tổng điều tra, kiểm kê rừng giai đoạn 2013-2016 (hiện đã hoàn thành tại 15 tỉnh) nhằm nắm bắt thực trạng chính xác cho việc đề ra chính sách; đã hoàn thành điều tra đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của Ban QLR phòng hộ; điều tra đánh giá thực trạng Cty lâm nghiệp nhà nước nhằm sớm có chính sách tái cơ cấu bộ máy hoạt động và nâng cao hiệu quả...
Bên cạnh đó, đề án tái cơ cấu của hầu hết các lĩnh vực SX chủ chốt khác như chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi… hiện cũng đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt.
Một số quyết định, dự thảo về kế hoạch hành động cụ thể đi kèm nhằm phục vụ cho quá trình tái cơ cấu của các lĩnh vực SX cũng đã được trình Bộ NN-PTNT phê duyệt trong thời gian tới như: Kế hoạch đổi mới tổ chức SX ngành nông nghiệp giai đoạn 2014-2020; Dự thảo đổi mới cơ cấu và cơ chế đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư công phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Quyết định ban hành kế hoạch thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng KH-CN phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp…
Như vậy có thể nói tới thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Bộ NN-PTNT hoàn thiện một cách chi tiết. Trong năm 2015, toàn nông nghiệp sẽ bắt tay chính thức bằng các công việc cụ thể để triển khai đề án này.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải hoanh nghênh và đánh giá: Bằng việc sớm triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ NN-PTNT là Bộ tiên phong triển khai Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2013 – 2020.
Mặc dù vậy, việc triển khai đề án này tại các địa phương hiện vẫn còn lúng túng. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng nhận xét: Tới nay mới chỉ có 20 tỉnh hoàn thành đề án riêng, nhiều địa phương hiện vẫn còn rất lúng túng. Đơn cử như Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt từ tháng 7/2013, nhưng đến nay mới chỉ có 2 tỉnh có đề án riêng được UBND các tỉnh phê duyệt.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: “Nếu đặt câu hỏi năng lực cạnh tranh hiện nay của Việt Nam là gì, câu trả lời sẽ là nông nghiệp. Có người bảo làm nông nghiệp thì làm sao mà giàu được?
Tôi khẳng định chúng ta hoàn toàn có thể làm giàu từ nông nghiệp. Hà Lan và nhiều nước châu Âu cũng làm giàu nhờ nông nghiệp chứ nhờ gì? Vấn đề chúng ta sẽ làm giàu nhờ nông nghiệp bằng cách nào?
Tôi nghĩ, tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ là con đường để chúng ta làm giàu, và tôi tin việc thực hiện Đề án này là hoàn toàn khả thi.
Về một số nhiệm vụ sắp tới, ngoài các nội dung và giải pháp mà Bộ NN-PTNT đã đề ra rất cụ thể, tôi đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thống nhất tinh thần về lâu dài, vẫn phải coi doanh nghiệp là động lực của Đề án.
Theo đó, việc tái cơ cấu trước hết cần phải tạo được các mô hình cụ thể để các địa phương trong nước, nông dân cả nước nhìn vào mô hình xem nông dân ở đó làm giàu, tăng giá trị SX bằng cách nào.
Thứ hai, thông tin, nghiên cứu thị trường là vấn đề sống còn của Đề án, tuy nhiên hiện nay vấn đề này ngành nông nghiệp đang rất yếu.
Về chuyển đổi đất lúa, dự báo thế giới vẫn thiếu lương thực. Trong số 33 châu thổ SX lương thực trọng điểm của thế giới, đều đang bị tác động rất lớn của biến đổi khí hậu, trong đó có Việt Nam. Vì thế, an ninh lương thực sẽ vẫn là vấn đề rất quan trọng.
Bộ NN-PTNT và các địa phương cần quản lí quy hoạch SX và quá trình chuyển đổi làm sao cho hợp lí, tránh tình trạng chuyển đổi hàng loạt. Bộ NN-PTNT cần nghiên cứu chuyển đổi bao nhiêu đất lúa, sang cây trồng gì với số lượng bao nhiêu là vừa, tránh tình trạng chuyển đổi tự phát không kiểm soát được quy hoạch, khiến cung vượt cầu”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ