Mô hình kinh tế Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất lúa kém hiệu quả

Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất lúa kém hiệu quả

Ngày đăng 23/06/2015

Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất lúa kém hiệu quả

Cây lúa là cây trồng chính chiếm diện tích lớn nhất trong các loại cây trồng nông nghiệp trong tỉnh, tổng diện tích gieo trồng cả năm khoảng trên 150 nghìn ha. Tuy nhiên, việc sản xuất lúa tại một số diện tích như: chân ruộng cao khó khăn về nước tưới, ruộng trũng ngập úng thường xuyên, nhiễm mặn… đều không đạt hiệu quả kinh tế cao, thậm chí còn không có lãi.

Thực trạng trên đặt ra cho các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong tỉnh phải nỗ lực tìm ra giải pháp chuyển đổi cơ cấu từ trồng lúa kém hiệu quả sang các đối tượng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.

Nhằm quản lý và sử dụng linh hoạt, hiệu quả 75 nghìn ha đất lúa, tỉnh chỉ đạo ngành NN và PTNT phối hợp với các địa phương trên cơ sở cân đối nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh, nghiên cứu nhu cầu sử dụng nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến nông sản xuất khẩu của thị trường và đặc điểm đất đai, điều kiện canh tác của các địa phương rà soát, lập Đề án sử dụng linh hoạt đất trồng lúa. Từng bước chuyển khoảng 9.000-10.000ha quỹ đất trồng lúa sang trồng cây rau màu ngắn ngày, cây dược liệu và các mô hình canh tác kết hợp nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa nhưng vẫn bảo đảm trồng lúa trở lại khi cần thiết. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả các mô hình, có thể cân đối để chuyển đổi tiếp 10 nghìn ha quỹ đất trồng lúa, nâng tổng số diện tích chuyển đổi lên khoảng 20 nghìn ha.

Tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện đầu tư thâm canh, giữ vững sản lượng lúa bảo đảm an ninh lương thực và tăng diện tích, sản lượng lúa có chất lượng cao phục vụ thị trường cao cấp nội địa và xuất khẩu. Đổi mới cơ cấu giống lúa theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; sử dụng các giống lúa ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao và ít nhiễm sâu bệnh. Phát triển cây ngô ở những vùng điều kiện thuận lợi, ngô vụ đông trên đất lúa để bảo đảm một phần an ninh lương thực và cung cấp thức ăn chăn nuôi.

Chuyển đổi những vùng canh tác lúa khó khăn sang các mô hình canh tác có hiệu quả kinh tế cao như: vùng đồng cao, khó khăn về nước tưới sẽ chuyển đổi sang canh tác rau màu, hoa cây cảnh; vùng đồng trũng khó khăn về tiêu thoát nước vụ mùa chuyển sang nuôi trồng thủy sản tập trung, kết hợp nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi. Những năm qua, ngành NN và PTNT phối hợp với các địa phương thực hiện chuyển đổi trên 5.000ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, con nuôi có giá trị và cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác từ 75,4 triệu đồng năm 2010 lên 92 triệu đồng năm 2014, năm 2015 ước đạt 100 triệu đồng/ha.

Đã có khoảng 3.000ha đất trồng lúa chân cao khó khăn về nước tưới trong vụ xuân tập trung tại các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực và Giao Thủy được chuyển sang trồng lạc theo công thức luân canh: lạc xuân - lúa mùa chất lượng cao - rau đông; giá trị sản lượng mỗi ha sau chuyển đổi đạt từ 175-200 triệu đồng/năm, lợi nhuận đạt 50-60 triệu đồng/ha, cao gấp 4-5 lần trồng lúa. Những diện tích đất trồng lúa thấp trũng của các xã thuộc huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc… đã có trên 400ha được chuyển sang nuôi trồng thủy sản.

Các hộ nông dân đã tổ chức nuôi các loài cá truyền thống và một số loài đặc sản như: cá lăng chấm, cá trắm đen, cá diêu hồng… giá trị kinh tế 1ha đạt 350-400 triệu đồng/năm, lợi nhuận đạt 120-160 triệu đồng/ha, cao gấp 4-5 lần trồng lúa. Đặc biệt, mô hình nuôi cá diêu hồng tại xã Hải Châu (Hải Hậu) với diện tích chuyển đổi 124,65ha, trong đó có 80% diện tích nuôi cá diêu hồng, 20% diện tích nuôi cá truyền thống, mỗi năm đạt sản lượng trên 800 tấn, giá trị thu nhập là 37 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 11 tỷ đồng.

Riêng diện tích nuôi cá diêu hồng cho giá trị từ 550-600 triệu đồng/ha/năm. Có khoảng trên 500ha diện tích đất trồng lúa thấp trũng tập trung ở huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc được chuyển sang trồng 1 vụ lúa xuân kết hợp nuôi tôm, cá nước ngọt (mô hình lúa - thủy sản) giá trị kinh tế 1ha sau chuyển đổi đạt từ 80-100 triệu đồng/năm, lợi nhuận đạt 40-50 triệu đồng/ha, cao gấp 3-4 lần trồng lúa. Điển hình là mô hình nuôi cá - lúa (1 vụ lúa - 1 vụ cá) của hộ ông Nguyễn Văn Khê tại xã Yên Chính (Ý Yên), với 70% diện tích trồng lúa, năng suất đạt 2 tạ/sào và 30% diện tích nuôi trồng thủy sản cho thu nhập tăng thêm từ 13-30 triệu đồng/ha/năm so với trồng lúa.

Những diện tích đất trồng lúa bị nhiễm mặn thuộc các huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Hải Hậu... đã được nông dân chuyển sang nuôi trồng các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như: cá bống bớp, tôm thẻ chân trắng, cá vược, cá song… đạt lợi nhuận 280-500 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 5-10 lần so với trồng lúa. Nổi bật là mô hình nuôi cá bống bớp tại Nông trường Rạng Đông (Nghĩa Hưng) cho lợi nhuận từ 250-300 triệu đồng/ha/năm; nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Xuân Hòa (Xuân Trường), xã Hải Phúc (Hải Hậu) đạt lợi nhuận từ 400-500 triệu đồng/ha/năm.

Nhờ thực hiện việc chuyển đổi nên tại một số xã, thị trấn ở huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu cũng đã hình thành vùng trồng cây cà chua, bí xanh theo công thức luân canh cà chua (bí xanh) xuân - lúa mùa - cà chua đông lợi nhuận cao gấp 6-7 lần so với trồng lúa; vùng trồng cây dược liệu như cây thìa canh, đinh lăng làm nguyên liệu chế biến cho các Cty dược ở xã Hải Lộc (Hải Hậu) đạt lợi nhuận 300-350 triệu đồng/ha… Việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất mới đã giúp hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản tập trung, cho sản lượng lớn, sạch và thân thiện với môi trường.

Giá trị lợi nhuận mang lại cao hơn trồng lúa từ 3-10 lần, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống dân cư nông thôn và xây dựng thành công NTM tại các địa phương. Tuy nhiên, để thực hiện thành công chủ trương trên thì việc đầu tiên cần làm hiện nay là phải tìm được đầu ra cho sản phẩm, đồng thời quy hoạch lại vùng sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kênh mương cấp thoát nước và đầu tư hơn nữa trong công tác chuyển giao các tiến bộ mới trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị thu nhập cho các hộ nông dân trong tỉnh.

Tại hội nghị tổng kết sản xuất vụ mùa, vụ đông 2014 diễn ra vào cuối tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh chỉ đạo ngành NN và PTNT phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát, thống kê các diện tích trồng lúa kém hiệu quả và diện tích ruộng bị bỏ hoang; nghiên cứu đối tượng chuyển đổi và lập phương án chuyển đổi phù hợp theo quy định tại Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Chuyển đổi những diện tích trồng lúa chân cao, đất thịt nhẹ sang trồng rau màu và cây dược liệu.

Chuyển đổi những diện tích thấp trũng thường bị ngập úng sang sản xuất thủy sản kết hợp với trồng rau màu. Chỉ đạo quyết liệt với các giải pháp cụ thể, hạn chế thấp nhất tình trạng nông dân để ruộng hoang. Tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân tích tụ ruộng đất, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm.


Giải pháp tăng trưởng kinh tế để xây dựng huyện Thanh Sơn phát triển năng động, bền vững Giải pháp tăng trưởng kinh tế để xây… Vị Thắng xây dựng nông thôn mới Vị Thắng xây dựng nông thôn mới